Trước đó hơn 1 tháng, RCEP đã được chính phủ nước này phê chuẩn theo một thông báo của Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào đưa ra ngày 8/3 bên lề Kỳ họp thứ 4 Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc (tức Quốc hội) khóa XIII.
Nhà máy thép ở Trùng Khánh, Trung Quốc - Ảnh: REUTERS
Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn mới đây cho biết, nước này đang tích cực chuẩn bị cho việc thực thi hiệp định, đồng thời lưu ý rằng 87% các nghĩa vụ ràng buộc liên quan đến Trung Quốc theo RCEP đã được thu xếp.
Cũng theo quan chức này, RCEP sẽ thúc đẩy thương mại, đầu tư và phát triển kinh tế cho các nước thành viên, đồng thời nhận định hiệp định này sẽ giúp tăng kim ngạch xuất khẩu của các thành viên thêm hơn 10% vào năm 2025.
Được biết, năm 2020, xuất khẩu của Trung Quốc sang các nước RCEP chiếm 27% tổng giá trị xuất khẩu của quốc gia này và nhập khẩu từ các thành viên RCEP chiếm gần 38% tổng giá trị nhập khẩu của Trung Quốc.
Trước Trung Quốc, Singapore đã thông báo phê chuẩn Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực và nộp lưu chiểu văn kiện phê chuẩn cho Tổng Thư ký ASEAN ngày 9/4, trở thành nước thành viên đầu tiên hoàn tất tiến trình phê chuẩn hiệp định này.
RCEP sẽ chính thức có hiệu lực trong vòng 60 ngày kể từ ngày được thông qua bởi ít nhất 6 nước thành viên ASEAN và 3 nước thành viên không thuộc ASEAN.
Theo VOV