|
Liên minh châu Âu đang siết chặt quy định về bảo mật thông tin. Ảnh: AFP
|
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang đàm phán về một khuôn khổ mới cho phép các doanh nghiệp dễ dàng truyền dữ liệu cá nhân qua Đại Tây Dương, sau khi một hiệp định trước đó bị tòa án tối cao EU chấm dứt hồi năm ngoái do lo ngại về các vụ đánh cắp thông tin không ngừng tăng tốc.
Theo luật bảo vệ dữ liệu của EU, các công ty không thể truyền dữ liệu cá nhân của công dân EU sang các nước ngoài khối, như một biện pháp nhằm bảo vệ sự riêng tư đầy đủ cho công dân của liên minh.
Kể từ khi tòa án tối cao EU ra phán quyết ngày 06/10/2015, hiệp định Harbor Safe cho phép hơn 4.000 công ty bao gồm các công ty môi giới dữ liệu của người châu Âu đến Mỹ, quảng cáo trực tuyến và thương mại điện tử chuyển dữ liệu trong 15 năm qua buộc phải chấm dứt với lý do hiệp định này không đủ mạnh để bảo vệ sự riêng tư của người dân châu Âu, bao gồm cả chống gián điệp Mỹ. Kể từ đó, các doanh nghiệp trên cả hai bờ Đại Tây Dương rơi vào tình trạng lấp lửng pháp lý.
Trong một lá thư được Reuters trích dẫn mới đây, Tổng thống Mỹ Barack Obama, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và 28 nhà lãnh đạo các quốc gia thành viên EU, cùng 4 hiệp hội doanh nghiệp khu vực đưa ra cảnh báo về tác động kinh tế khôn lường nếu việc truyền dữ liệu giữa hai bên bị gián đoạn.
“Vấn đề này phải được giải quyết ngay lập tức hoặc các bên liên quan sẽ phải đón nhận những hậu quả rất lớn, khiến hàng ngàn doanh nghiệp và hàng triệu người dùng bị ảnh hưởng”, Reuters trích dẫn một bức thư từ Phòng Thương mại Mỹ, Tổ chức kinh doanh châu Âu (BusinessEurope), Tổ chức công nghệ châu Âu (DigitalEurope) và Hội đồng Công nghiệp Công nghệ thông tin Mỹ cho biết.
Các tổ chức nói trên cũng yêu cầu một giai đoạn chuyển tiếp để thực hiện một khuôn khổ truyền dữ liệu sửa đổi, nhất là đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ đang lệ thuộc hoàn toàn vào hiệp định Safe Harbour.