Hình ảnh tàu container hạng nặng Ever Given mắc kẹt ở kênh đào Suez. Ảnh minh họa: Maxar/AFP/Báo Lao động
Hậu quả từ sự cố mắc kẹt tàu hạng nặng 224.000 tấn
Nhìn lại hậu quả mà sự cố gây ra trong suốt những ngày qua, đầu tiên phải kể đến tác động đối với những chuyến hàng, giá dầu và giá cả hàng hóa cũng có nhiều thay đổi. Thêm vào đó, sự sẵn có của hàng hóa cũng là thách thức lớn. Nhiều người châu Âu cũng đã nhận được thông tin rằng có thể họ sẽ phải đối mặt với tình trạng khan hiếm cà phê hòa tan do thiếu nguyên liệu.
Nhìn chung, chi phí vận chuyển bằng container đã tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2020, tiếp tục xu hướng kéo dài nhiều năm vốn đã và đang bị thúc đẩy tăng giá bởi ảnh hưởng từ dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành.
Mặc dù con tàu đã được giải phóng, tình trạng kẹt cứng suốt gần 1 tuần qua cũng đã được giảm bớt, nhưng cũng cần phải nhìn nhận rõ hơn về thách thức, khó khăn tiềm ẩn mà chuỗi cung ứng toàn cầu phải đối mặt. Trong đó phải kể đến những khoản tiền phải trả do tiến độ giao hàng bị bỏ lỡ, doanh số bán hàng không còn, sản xuất ngừng hoạt động, sản phẩm hết hạn sử dụng...
Điều này không chỉ xảy ra riêng với tàu hạng nặng Ever Given, mà còn cả với nhiều tàu thuyền cũng bị ảnh hưởng khác. Ai là người chịu những chi phí này sẽ là một cuộc thương lượng kéo dài giữa các bên giao hàng, nhận hàng, công ty bảo hiểm...
Mức độ của các khoản nợ thương mại này được nhận định sẽ còn tiếp tục tăng lên cho đến khi tình hình tắc nghẽn tàu thuyền trong vùng biển được giải quyết, nhất là khi hàng tỷ USD thương mại “đi lại” qua kênh đào Suez mỗi ngày.
Các con đường vận chuyển khác không thể thay thế vận tải biển
Trong thời gian tạm thời, các tuyến đường vận chuyển vẫn đang được định tuyến, trong đó chủ yếu là qua Mũi Hảo Vọng ở châu Phi.
Sự thay đổi này dẫn đến quãng đường di chuyển dài hơn trên 10 ngày, dẫn đến tiêu tốn nhiều chi phí hơn và thời gian giao hàng cũng chậm trễ hơn. Mặc dù sự chậm trễ sẽ nhìn thấy ngay lập tức trên các tuyến châu Âu – châu Á, nhưng nhìn chung, hậu quả cũng sẽ ảnh hưởng đến tất cả các hoạt động vận chuyển khác do năng lực tàu chở bị hạn chế.
Thay vì vận chuyển hàng bằng đường biển, vẫn có thể sử dụng vận tải hàng không, tuy lựa chọn này đắt hơn và thường được sử dụng cho các lô hàng khẩn cấp. Điều này được Công ty vận tải hàng hóa Freightos giải thích. Ví dụ cụ thể: một món đồ nội thất vận chuyển từ Thâm Quyến (Trung Quốc) sang Mỹ có thể tốn 1.200 USD nếu đi đường biển. Nhưng con số này sẽ tăng lên đến 4.000 USD bằng đường hàng không.
Được biết, hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không có thể được sử dụng cho các mặt hàng có khối lượng nhỏ, chẳng hạn như các mặt hàng tiêu dùng bao gồm mỹ phẩm, thời trang và đồ điện tử. Với nhiều lý do trên, vận tải hàng không khó có thể thay thế nhiều cho những lô hàng lớn của các doanh nghiệp, đặc biệt là khi các đơn hàng thường đã được lên lịch và vận chuyển hiệu quả hơn thông qua thương mại đường biển.
Mặt khác, khi các doanh nghiệp không sử dụng tàu, họ vẫn có thể lựa chọn vận tải đường bộ, đường sắt.
Hình thức vận tải này đã và đang chứng kiến sự gia tăng trong thời gian hoạt động của càng biển bị trì hoãn do ảnh hưởng của đại dịch. Cụ thể, các lô hàng theo đường sắt, hoặc vận chuyển bằng xe tải từ Trung Quốc đến châu Âu đã tăng gần gấp đôi trong suốt thời gian qua.
Nhưng xét về tổng thể, những phương thức vận tải này sẽ không thể thay thế vận tải biển, bởi vận tải đường bộ bị giới hạn bởi kích thước phương tiện và thời gian, nhiên liệu cũng như nhân lực. Ngoài ra, so với vận tải đường biển, chi phí cho vận tải đường bộ cũng đắt hơn.
Cần thích ứng với thay đổi
Xét về tương lai dài hạn, sự cố như ở kênh đào Suez có thể sẽ tiếp tục xảy ra. Điều này khiến các công ty, doanh nghiệp tập trung nhiều hơn vào chuỗi cung ứng và tính liên tục của hoạt động kinh doanh. Vấn đề ở đây là việc đảm bảo tính liên tục của chuỗi cung ứng sẽ rất tốn kém. Nó liên quan đến vấn đề trữ nhiều hàng hơn, thay vì tập trung vào việc giao hàng đúng hạn.
Yêu cầu này đòi hỏi đảm bảo sự đa dạng của nguồn cung để duy trì cung cấp liên tục, từ đó có thể tăng chi phí hậu cần và tăng giá thành của sản phẩm. Các doanh nghiệp buộc phải cân nhắc tạo ra thế cân bằng giữa chi phí để hoạch định kế hoạch dự phòng và chi phí gián đoạn.
Hiện nay, chuỗi cung ứng toàn cầu hiện đang thay đổi và thích ứng, được định hình bởi các thị trường mới nổi, thuế quan thương mại, tác động của công nghệ như tự động hóa và thương mại điện tử, gần đây nhất là ảnh hưởng gây nên bởi dịch COVID-19.
Với sự thay đổi này, doanh nghiệp cần phải hiểu rõ về các xu hướng tổng thể và đầu tư dựa trên quan điểm trung và dài hạn, đồng thời có phương án chuẩn bị tốt cho các biến động ngắn hạn không thể tránh khỏi trong chu trình hoạt động.
HẠNH NHI
(Lược dịch từ CNA & CNBC)