Thế giới

Tỷ lệ kết hôn ở Hàn Quốc tăng lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ

ClockThứ Ba, 19/03/2024 17:37
TTH.VN - Theo dữ liệu vừa được công bố ngày 19/3 của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, số lượng các cặp đôi kết hôn ở nước này trong năm 2023 đã tăng lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ, do nhu cầu bị dồn nén từ các cặp vợ chồng đã trì hoãn đám cưới trong thời kỳ đại dịch. Tuy nhiên, dữ liệu không cho thấy đây là sự phục hồi bền vững trong một xã hội đang già đi nhanh chóng như Hàn Quốc.

Hàn Quốc: Xu hướng suy giảm dân số có thể bị đẩy nhanh do COVID-19Đối phó với tỷ lệ sinh thấp, Hàn Quốc tăng hỗ trợ tiền mặt cho trẻ sơ sinhHàn Quốc: Tỷ lệ sinh thấp, khả năng đến năm 2072, một nửa dân số sẽ trên 65 tuổiTỷ lệ sinh giảm - Vấn đề vô cùng nghiêm trọng đang xảy ra ở Hàn Quốc

Gần 194.000 cặp đôi Hàn Quốc đã kết hôn trong năm 2023, tăng 1% so với năm 2022. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Tỷ lệ kết hôn tăng nhẹ trong năm 2023 diễn ra sau khi tỷ lệ sinh của nước này - vốn đã thấp nhất thế giới, tiếp tục giảm đáng kể trong năm ngoái, do những ảnh hưởng đến sự thăng tiến trong nghề nghiệp và chi phí nuôi con cao đã khiến phụ nữ lo ngại, dẫn tới việc trì hoãn sinh con hoặc thậm chí quyết định không sinh con.

Cụ thể, tổng cộng 193.657 cặp đôi đã kết hôn trong năm 2023, tăng 1,0% so với 191.690 cặp kết hôn của một năm trước đó. Con số này đánh dấu lần đầu tiên kể từ năm 2011, Hàn Quốc ghi nhận số lượng các cặp kết hôn tăng so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, số cặp kết hôn trong năm ngoái vẫn thấp hơn nhiều so với con số 239.159 cặp kết hôn được ghi nhận vào năm 2019, và tỷ lệ tăng trong năm 2023 của nước này cũng thấp hơn nhiều so với mức tăng ở nước láng giềng Trung Quốc - nơi tỷ lệ kết hôn tăng đến 12,4% trong năm 2023.

Năm 2022, Hàn Quốc chứng kiến mức thấp kỷ lục từ trước đến nay khi chỉ có 192.000 cặp đôi đăng ký kết hôn. Thực tế cho thấy số lượng các cặp kết hôn ở Hàn Quốc đã giảm dần trong những thập kỷ qua, từ 435.000 cặp vào năm 1996 xuống còn dưới 400.000 cặp vào năm 1997, và đến năm 2021, số cặp kết hôn tiếp tục giảm hơn một nửa, còn dưới 200.000 cặp.

Một quan chức chính phủ cho biết, các cặp đôi trì hoãn đám cưới trong giai đoạn đại dịch COVID-19 là yếu tố góp phần dẫn đến sự gia tăng các cặp kết hôn hơn trong nửa cuối năm 2022 và nửa đầu năm 2023.

“Tuy nhiên, đến nửa cuối năm 2023, số lượng kết hôn đã giảm so với cùng kỳ năm trước, cho thấy những người từng trì hoãn việc kết hôn do đại dịch thì giờ hầu hết đã kết hôn”, quan chức này nói thêm.

Cũng trong năm 2023, số người Hàn Quốc kết hôn với vợ hoặc chồng người nước ngoài đã tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước, lên 20.000 cặp, nghĩa là cứ 10 hôn sự vào năm ngoái thì có 1 cặp đôi mới cưới là hôn nhân quốc tế.

Ngoài ra, độ tuổi trung bình của nam giới kết hôn lần đầu tại Hàn Quốc đã đạt mức cao nhất mọi thời đại là 34 tuổi vào năm 2023, tăng 0,3 năm so với năm 2022 và độ tuổi cô dâu cũng tăng 0,2 năm lên kỷ lục mới là 31,5 tuổi.

Số liệu mới nhất về tỷ lệ kết hôn tại Hàn Quốc được đưa ra trong bối cảnh tỷ lệ sinh con ở nước này đang ở mức cực thấp. Tổng tỷ suất sinh của Hàn Quốc, tức số lần sinh trung bình dự kiến của một phụ nữ trong đời, đã giảm xuống mức thấp kỷ lục hàng quý là 0,65 vào quý IV/2023.

Số trẻ sơ sinh được sinh ra ở Hàn Quốc trong năm 2023 cũng giảm 7,7% so với cùng kỳ năm trước, rơi xuống mức thấp nhất mọi thời đại là 229.970 trẻ.

Tỷ lệ sinh của nước này đã giảm liên tục trong những năm qua, lần đầu tiên giảm xuống dưới mốc 400.000 trẻ chào đời vào năm 2017, dưới mốc 300.000 trẻ vào năm 2020 và dưới 250.000 trẻ vào năm 2022.

Các chuyên gia cho rằng số lượng các cuộc hôn nhân giảm có tác động đến tỷ lệ sinh vì hôn nhân được coi là điều kiện tiên quyết để có con ở quốc gia châu Á này. Tuy nhiên, đối với hầu hết người dân Hàn Quốc, chi phí nhà ở cao đang trở thành trở ngại lớn nhất cho việc kết hôn.

Một cuộc khảo sát gần đây với 500 người Hàn Quốc trong độ tuổi từ 19 - 23 tuổi cho thấy 50,4% số người được hỏi không có kế hoạch kết hôn hoặc sinh con, do lo ngại về gánh nặng tài chính và ảnh hưởng sự nghiệp.

Gần đây, Chính phủ Hàn Quốc tuyên bố sẽ đưa ra “các biện pháp đặc biệt” để giải quyết tỷ lệ sinh thấp, trong đó các đảng chính trị lớn hứa hẹn các kế hoạch về nhà ở công cộng và các khoản vay dễ dàng hơn cho giới trẻ Hàn Quốc.

BẢO NGHI (Lược dịch từ CNA & Yonhap)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Hướng đến giáo dục nghề nghiệp xanh và bền vững

Ngày 13/12, Trường cao đẳng Công nghiệp Huế (HueIC) phối hợp với Viện Nghiên cứu giáo dục nghề nghiệp Hàn Quốc (KRIVET) tổ chức hội thảo chia sẻ chuyên môn "Phát triển giáo dục nghề nghiệp bền vững: Từ chuyển đổi số đến GDNN xanh".

Hướng đến giáo dục nghề nghiệp xanh và bền vững
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên
Cô giáo đặc biệt

Trong phòng khách, bố mẹ tôi mỗi người một góc, tay cầm điện thoại, ấn máy liên tục hết gọi cho người thân lại đến bạn bè kèm lời dặn dò: “8 giờ tối nay, bác nhớ mở tivi xem chương trình “Tỏa sáng những tấm gương nghị lực” nhé. Cái Vy con dâu tôi nó được lên tivi đấy ạ!”.

Cô giáo đặc biệt
Return to top