Thế giới

Ung thư ở người dưới 50 tuổi tăng gần 80% trong 3 thập kỷ

ClockThứ Năm, 07/09/2023 10:39
TTH.VN - Theo nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí BMJ Oncology, số ca mắc bệnh ung thư ở những người từ 14 - 49 tuổi đã tăng gần 80% trong vòng 3 thập kỷ.

Béo phì gây ra nhiều ca ung thư hơn hút thuốcFDA cho phép nhập khẩu tạm thời thuốc điều trị ung thư từ Trung QuốcBéo phì gây ra gần 1/20 số ca ung thư trên toàn cầu

Số ca mắc bệnh ung thư ở những người từ 14 - 49 tuổi đã tăng  từ 1,82 triệu vào năm 1990 lên 3,26 triệu vào năm 2019. Ảnh minh hoạ: Health

Các trường hợp mắc bệnh ung thư khởi phát sớm trên toàn cầu đã tăng từ 1,82 triệu vào năm 1990 lên 3,26 triệu vào năm 2019, trong khi tỷ lệ tử vong do ung thư ở người trưởng thành ở độ tuổi 40, 30 hoặc trẻ hơn tăng 27%. Nghiên cứu cho thấy hơn một triệu người dưới 50 tuổi đang chết vì ung thư mỗi năm.

Các chuyên gia vẫn đang trong giai đoạn đầu tìm hiểu lý do đằng sau sự gia tăng số ca nhiễm. Theo các tác giả của nghiên cứu, chế độ ăn uống kém, sử dụng rượu và thuốc lá, ít hoạt động thể chất và béo phì có thể là một trong những yếu tố. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nói thêm rằng “xu hướng ngày càng tăng của gánh nặng ung thư khởi phát sớm vẫn chưa rõ ràng”.

“Kể từ năm 1990, tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư khởi phát sớm đã tăng đáng kể trên toàn cầu… Khuyến khích lối sống lành mạnh, bao gồm chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế sử dụng thuốc lá, rượu và hoạt động ngoài trời thích hợp, có thể làm giảm gánh nặng ung thư khởi phát sớm”, báo cáo nêu rõ.

Các nghiên cứu trước đây cho thấy tỷ lệ mắc bệnh ung thư ở người trưởng thành dưới 50 tuổi đã gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới trong vài thập kỷ qua. Nghiên cứu mới nhất do Đại học Edinburgh ở Scotland và Trường Y Đại học Chiết Giang ở Hàng Châu, Trung Quốc dẫn đầu, là nghiên cứu đầu tiên kiểm tra vấn đề này trên quy mô toàn cầu và các yếu tố nguy cơ đối với người trẻ tuổi.

Hầu hết các nghiên cứu trước đây tập trung vào sự khác biệt giữa các vùng và quốc gia. Trong nghiên cứu toàn cầu mới này, các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ 204 quốc gia về 29 loại ung thư.

Họ xem xét các ca bệnh mới, số ca tử vong, hậu quả sức khỏe và các yếu tố nguy cơ góp phần gây bệnh cho tất cả những người từ 14 - 49 tuổi để ước tính những thay đổi từ năm 1990 đến năm 2019.

Năm 2019, tổng số ca chẩn đoán ung thư mới ở độ tuổi dưới 50 là 3,26 triệu, tăng 79% so với con số năm 1990. Ung thư vú chiếm số lượng ca mắc và tử vong liên quan lớn nhất, lần lượt là 13,7 và 3,5 trên mỗi 100.000 dân số toàn cầu.

Các ca ung thư khí quản và tuyến tiền liệt khởi phát sớm tăng nhanh nhất trong khoảng thời gian từ năm 1990 đến năm 2019. Trong khi đó, ung thư gan khởi phát sớm đã giảm 2,88% mỗi năm.

Tổng cộng có 1,06 triệu người dưới 50 tuổi chết vì ung thư vào năm 2019, tăng 27% so với con số năm 1990. Sau ung thư vú, tỷ lệ tử vong cao nhất có liên quan đến ung thư khí quản, phổi, dạ dày và ruột. Tỷ lệ tử vong tăng mạnh nhất là ở những người mắc bệnh ung thư thận hoặc buồng trứng.

Nguyên nhân vẫn ‘khó nắm bắt’

Lối sống lành mạnh, vận động thường xuyên có thể giúp giảm thiểu nguy cơ mắc ung thư. Ảnh: boards.medscape.com 

Tỷ lệ mắc bệnh ung thư khởi phát sớm cao nhất trong năm 2019 là ở Bắc Mỹ, châu Đại Dương và Tây Âu. Các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình cũng bị ảnh hưởng và tỷ lệ tử vong cao nhất trong số những người dưới 50 tuổi là ở châu Đại Dương, Đông Âu và Trung Á.

Ở các nước thu nhập thấp và trung bình, ung thư khởi phát sớm có tác động đến phụ nữ lớn hơn so với nam giới về tình trạng sức khỏe kém và tử vong.

Cũng theo nghiên cứu, quốc gia càng phát triển thì tỷ lệ người dưới 50 tuổi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư càng cao. Điều này có thể được hiểu là các quốc gia giàu có hơn với hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt hơn sẽ phát hiện ung thư sớm hơn, nhưng chỉ có một số quốc gia sàng lọc một số bệnh ung thư ở những người dưới 50 tuổi.

Nghiên cứu cho biết, cùng với chế độ ăn uống kém, hút thuốc và uống rượu, các yếu tố di truyền, ít hoạt động thể chất và béo phì cũng có thể góp phần vào xu hướng này.

Dựa trên các xu hướng quan sát được trong ba thập kỷ qua, các nhà nghiên cứu ước tính số ca ung thư khởi phát sớm và tử vong liên quan trên toàn cầu sẽ tăng thêm lần lượt 31% và 21% vào năm 2030, trong đó những người ở độ tuổi 40 có nguy cơ cao nhất.

Các nhà nghiên cứu thừa nhận rằng dữ liệu về ung thư từ các quốc gia khác nhau là rất khác nhau, trong đó các quốc gia đang phát triển có khả năng báo cáo không đầy đủ các trường hợp mắc bệnh và tử vong.

Một số chuyên gia không tham gia vào nghiên cứu cho rằng tỷ lệ tử vong tăng chậm hơn so với các trường hợp có thể là do những cải tiến trong việc phát hiện và điều trị sớm.

Tiến sĩ Dorothy Bennett, một nhà nghiên cứu tại Đại học London, chỉ ra rằng dân số thế giới đã tăng khoảng 46% trong khoảng thời gian từ năm 1990 đến năm 2019, là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự tăng vọt số ca mắc ung thư. Đồng thời, các yếu tố di truyền cũng có thể có tác động. Tuy nhiên, chế độ ăn nhiều thịt đỏ và muối, ít trái cây và sữa, cùng với việc sử dụng rượu và thuốc lá, là những yếu tố nguy cơ chính gây ra các bệnh ung thư phổ biến nhất ở những người dưới 50 tuổi, cùng với việc không hoạt động thể chất, thừa cân và các yếu tố góp phần làm tăng lượng đường trong máu, dữ liệu chỉ ra.

Tiến sĩ Claire Knight, nhà quản lý thông tin y tế cấp cao tại Cancer Research UK, cho biết vẫn chưa rõ điều gì thực sự đang thúc đẩy xu hướng gia tăng này và kêu gọi thận trọng.

“Sự hiểu biết đầy đủ về lý do thúc đẩy các xu hướng quan sát được vẫn còn khó nắm bắt, mặc dù các yếu tố lối sống có thể có tác động và các lĩnh vực nghiên cứu mới như sử dụng kháng sinh, hệ vi sinh vật đường ruột, ô nhiễm không khí ngoài trời và phơi nhiễm trong giai đoạn đầu đời đang được tìm hiểu”, các nhà nghiên cứu cho biết.

Tuy vậy, “nếu mọi người lo lắng về nguy cơ ung thư, có rất nhiều cách để giúp giảm thiểu điều này như không hút thuốc, duy trì chế độ ăn uống cân bằng, tập thể dục nhiều và bảo vệ cơ thể dưới ánh nắng mặt trời”, Tiến sĩ Knight khuyến nghị.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ AFP & The Guardian)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

WHO: Hơn 1 tỷ người trên thế giới đang bị béo phì

Theo ước tính cập nhật của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế, hơn 1 tỷ người trên toàn cầu - tương đương với 1/8 tổng dân số thế giới, hiện được coi là béo phì - một tình trạng liên quan đến nguy cơ gia tăng nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

WHO Hơn 1 tỷ người trên thế giới đang bị béo phì
Năm 2023, thế giới đã gây ra 2,3 tỷ tấn rác thải đô thị

Trong một báo cáo ngày 28/2, Liên Hiệp Quốc cho biết thế giới đã tạo ra 2,3 tỷ tấn rác thải đô thị vào năm ngoái và lượng rác thải này ước tính sẽ tăng thêm 2/3 vào năm 2050, đồng thời cảnh báo về những tổn thất nặng nề đối với sức khỏe, nền kinh tế và môi trường.

Năm 2023, thế giới đã gây ra 2,3 tỷ tấn rác thải đô thị
Return to top