|
Nam bán cầu đóng vai trò chủ chốt thúc đẩy hòa bình và phát triển toàn cầu. Ảnh minh họa: NASA/Báo Tin tức |
Tham gia diễn đàn là hơn 1.800 khách mời từ hơn 100 quốc gia và tổ chức quốc tế, bao gồm nhiều đại biểu đến từ các nước Nam bán cầu.
Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Sri Lanka Kamal Gunaratne cho biết, vào thời điểm thế giới phải đối mặt với những thách thức ngày càng phức tạp, chủ đề của diễn đàn năm nay: “Cùng xây dựng hòa bình, cùng chia sẻ tương lai” chính là lời nhắc nhở mạnh mẽ về trách nhiệm của tất cả các quốc gia trong hệ thống an ninh thế giới, bao gồm trách nhiệm của Nam bán cầu.
Trong những năm gần đây, sự trỗi dậy tập thể của các nước Nam bán cầu đã đạt được động lực đáng kể, đóng vai trò then chốt và mang tính xây dựng trong việc thúc đẩy tiến bộ của con người và là lực lượng chủ chốt cho hòa bình và phát triển toàn cầu.
Trong một ý kiến khác có liên quan, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Campuchia Tea Seiha chia sẻ: “Châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh đều đã đưa ra những sáng kiến quan trọng nhằm tăng cường hợp tác chính trị và kinh tế, thúc đẩy ổn định và thịnh vượng. Hiện khu vực Nam bán cầu đang đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết”.
Bên cạnh việc đối mặt với nhiều thách thức chung, các quốc gia Nam bán cầu đang ngày càng bảo vệ lợi ích chung của khu vực một cách thông minh thông qua nỗ lực tăng cường hợp tác và trở nên nổi bật hơn trong hệ thống an ninh toàn cầu.
Nhìn lại năm 2023, các thành viên Nhóm G20 đã nhất trí chấp nhận Liên minh châu Phi (AU) là thành viên mới. Động thái được nhận định là đóng góp to lớn để trao tiếng nói lớn hơn và đại diện nhiều hơn cho các nước đang phát triển. 6 quốc gia, gồm Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã được mời tham gia vào Khối BRICS, một sự mở rộng đánh dấu cột mốc lịch sử trong việc củng cố cả động lực hợp tác BRICS và sự đoàn kết của Nam Bán cầu.
Trong một nhận định về tầm quan trọng của khu vực, đại biểu của Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế Andrew Carswell cho biết: “Có quá nhiều xung đột vũ trang xảy ra trên thế giới hiện nay. Khi nói đến các vấn đề nhân đạo, Nam bán cầu đang hợp tác chặt chẽ với Hội Chữ thập đỏ và đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn”.
Trước kỳ vọng của người dân toàn thế giới về an ninh và ổn định, Trung Quốc, một thành viên của Nam bán cầu, đã thực hành Sáng kiến An ninh Toàn cầu (GSI) bằng việc liên tục củng cố sự đồng thuận giữa tất cả các bên, thúc đẩy giải quyết nguyên nhân gốc rễ của các cuộc xung đột quốc tế và cải thiện chất lượng quản trị an ninh toàn cầu.
Sáng kiến GSI do Trung Quốc đề xuất được đánh giá cao, giúp Nam bán cầu xây dựng một khuôn khổ an ninh cân bằng, hiệu quả và bền vững, qua đó đạt được mục tiêu về an ninh toàn cầu và an ninh chung.
Cùng với việc đề xuất nhiều sáng kiến khác, có thể kể đến như Sáng kiến Phát triển Toàn cầu (GDI) và Sáng kiến Văn minh Toàn cầu (GCI), việc tổ chức Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh của Trung Quốc thể hiện thái độ cởi mở và toàn diện của nước này. Mặc dù vẫn có một số xung đột quốc tế có thể không được giải quyết trực tiếp tại diễn đàn, song Trung Quốc vẫn cung cấp một nền tảng cho đối thoại và giao tiếp, qua đó cho phép các quốc gia khác nhau hiểu được lập trường của nhau. Bản thân điều này đã là một đóng góp đáng kể cho hòa bình và an ninh toàn cầu, nhận định của các chuyên gia cho hay.