|
Cô Nina Martinez vào phòng phẫu thuật ở Baltimore (Mỹ) để hiến thận cho người nhiễm HIV năm 2019. Ảnh: baltimoresun.com
|
Nghiên cứu mới đã xem xét 198 ca ghép thận được thực hiện trên khắp nước Mỹ. Những người tham gia nghiên cứu là những người dương tính với HIV, bị suy thận và đồng ý nhận nội tạng từ một người hiến tạng đã chết dương tính hoặc âm tính với HIV, tùy theo nguồn thận nào có trước.
Các nhà nghiên cứu đã theo dõi những người nhận thận hiến tặng trong tối đa 4 năm và tiến hành so sánh những bệnh nhân nhận thận từ người hiến tạng dương tính với HIV với những người nhận thận từ người hiến tạng không nhiễm HIV.
Kết quả cho thấy cả hai nhóm đều có tỷ lệ sống sót nói chung ở mức cao và tỷ lệ đào thải nội tạng thấp tương đương nhau. “Điều đó chứng minh tính an toàn và kết quả tuyệt vời từ những ca ghép tạng này”, Tiến sĩ Dorry Segev của NYU Langone Health - đồng tác giả nghiên cứu, nhấn mạnh.
Năm 2010, các bác sĩ phẫu thuật ở Nam Phi đã cung cấp bằng chứng đầu tiên cho thấy việc sử dụng nội tạng của người hiến tạng dương tính với HIV là an toàn ở những người nhiễm HIV. Nhưng điều này không được phép ở Mỹ cho đến năm 2013, khi chính phủ dỡ bỏ lệnh cấm và cho phép tiến hành các nghiên cứu, theo lời kêu gọi của Tiến sĩ Segev. Lúc đầu, các nghiên cứu được thực hiện với những người hiến tạng đã chết. Sau đó, vào năm 2019, Tiến sĩ Segev và những chuyên gia khác tại Đại học Johns Hopkins ở Baltimore đã thực hiện ca ghép thận đầu tiên trên thế giới từ người hiến tạng sống nhiễm HIV cho người nhận dương tính với HIV.
Được biết, tổng cộng khảng 500 ca ghép thận và gan từ những người hiến tạng nhiễm HIV đã được thực hiện tại Mỹ.
Với những phát hiện mới, “chúng không chỉ có thể giúp những người đang sống chung với HIV có thêm nguồn thận hiến tặng mà còn giúp giải phóng nhiều nội tạng hơn để những người không bị nhiễm HIV có thể nhận được sớm hơn… Đây là chiến thắng cho tất cả mọi người”, Giáo sư xã hội học Carrie Foote tại Đại học Indiana (Mỹ), người dương tính với HIV và đã đăng ký hiến tạng, cho biết.
Theo Mạng lưới mua sắm và cấy ghép nội tạng Mỹ (OPTN), hiện có hơn 90.000 người trong danh sách chờ ghép thận. Năm 2022, có hơn 4.000 người đã chết khi chờ đợi được ghép thận.
Trong một bài xã luận trên tạp chí, Tiến sĩ Elmi Muller của Đại học Stellenbosch ở Nam Phi dự đoán nghiên cứu mới sẽ có những tác động sâu rộng ở nhiều quốc gia không thực hiện việc cấy ghép nội tạng từ những người hiến tạng nhiễm HIV.
“Và trên hết, chúng ta đã tiến thêm một bước nữa hướng tới sự công bằng và bình đẳng cho những người sống chung với HIV”, Tiến sĩ Muller nêu rõ.