Việt Nam là thị trường tốt để doanh nghiệp Singapore tiếp cận đầu tư. Ảnh minh họa: Dân trí
Cụ thể, Việt Nam có mức tăng trưởng mạnh mẽ. Trong đó thị trường Việt Nam thu hút một lượng lớn đầu tư nước ngoài trong nhiều lĩnh vực như chế biến và sản xuất, bất động sản và thương mại buôn bán.
Trong vài năm tới, nhu cầu trong nước sẽ được thúc đẩy bởi một số yếu tố bao gồm tăng trưởng về lương nhanh chóng, ngành du lịch bùng nổ, cũng như thúc đẩy trong việc cải cách chính sách nhà nước để khuyến khích khu vực tư nhân.
Thêm vào đó, Việt Nam cũng đang đạt được tình trạng kinh tế bền vững với tự do hóa kinh tế tiếp tục có đà phát triển tốt ở Việt Nam. Bên cạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chính phủ cũng đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy môi trường kinh doanh và tạo nên sân chơi bình đẳng hơn thông qua những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và tư nhân hóa các doanh nghiệp của nhà nước.
Về vấn đề này, khi tiếp cận thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp, công ty Singapore có thể tham gia vào môi trường đầu tư cởi mở. Ngoài ra, với những thay đổi trong luật bất động sản của nhà nước, doanh nghiệp Singapore có thể dễ dàng mua đất và bất động sản ở Việt Nam (với những điều kiện nhất định).
Việt Nam cũng là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở châu Á hiện nay. Được biết, từ năm 2010, Việt Nam chứng kiến mức tăng trưởng hằng năm mạnh mẽ trên 6%. Tính riêng năm 2019, tổng mức đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đạt 38,2 tỷ USD, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong quan hệ giữa Singapore và Việt Nam, Singapore là nhà đầu tư lớn thứ ba của Việt Nam trong năm 2019, với 4,5 tỷ USD. Xuyên suốt trong thập kỷ qua, đầu tư trực tiếp của Singapore vào Việt Nam đã tăng gấp 3 lần. Bảy khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIPs) cũng thu hút được 12,9 tỷ USD tiền đầu tư từ hơn 800 công ty, tính đến năm 2018.
Việt Nam là một địa điểm tốt cho sản xuất, cần được các ngành công nghiệp hàng đầu của Singapore xem xét do: Việt Nam có mức lương và chi phí sản xuất cạnh tranh, mạng lưới FTA của Việt Nam cũng rất tốt. Với kết nối với các trung tâm sản xuất và tiêu dùng hiện có ở châu Á, các doanh nghiệp Singapore có thể dễ dàng tích hợp Việt Nam vào chuỗi cung ứng hiện có. Không dừng lại ở đó, các nhà sản xuất Singapore cũng có thể tận dụng các khu công nghiệp, đơn cử như 7 khu công nghiệp VSIPs để mở đường vào thị trường Việt Nam sâu hơn. Với nhiều yếu tố hỗ trợ khác, mối quan hệ công nghiệp giữa Việt Nam và Singapore cũng được thiết lập để phát triển mạnh mẽ hơn...
Đương nhiên, khi đầu tư vào thị trường Việt Nam, doanh nghiệp Singapore cũng phải đối mặt với một số thách thức. Mặc dù hầu hết các lĩnh vực ở Việt Nam rất rộng mở chào đón doanh nghiệp nước ngoài, song Singapore có thể sẽ gặp khó khăn trong điều tiết cảnh quan và điều hướng kinh doanh, cũng như tìm kiếm các đối tác địa phương là những người am hiểu về văn hóa kinh doanh và động lực thị trường.
Đan Lê (Lược dịch từ CNA)