Thế giới

Việt Nam với tiềm năng thành “Con hổ châu Á” tiếp theo

ClockChủ Nhật, 05/11/2023 07:37
TTH - Trong một bài phân tích mới được đăng tải trên trang Diễn đàn Đông Á (EAF), giới chuyên gia cho rằng dù vẫn còn một số thách thức, nhưng Việt Nam đang có nhiều tiềm năng để trở thành “con hổ châu Á” tiếp theo.

Châu Á - Thái Bình Dương: ADB chỉ ra những xu hướng mới nổi về bảo trợ xã hộiMỹ, Ấn Độ lên kế hoạch xây 'Vành đai và con đường' tới châu Âu

Nền kinh tế Việt Nam được đánh giá có những bước tiến vượt bậc và đang trên đà vươn mình trở thành "con hổ châu Á" tiếp theo. Ảnh minh họa: Vietnamnet

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gia tăng, Việt Nam đã vượt qua Hàn Quốc để trở thành đối tác thương mại lớn thứ 6 của Mỹ tính theo giá trị nhập khẩu vào năm 2022. Bước nhảy vọt này thể hiện một bước ngoặt quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam: mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang Mỹ không còn là hàng dệt may mà là các sản phẩm công nghệ cao.

Đến cuối năm 2023, nhiều sản phẩm chủ lực của Apple sẽ được lắp ráp tại Việt Nam. Thay vì cạnh tranh với danh hiệu “công xưởng thế giới” của Trung Quốc, Việt Nam đã tự coi mình là điểm đến sản xuất bổ sung cho Trung Quốc trong hệ sinh thái chuỗi cung ứng toàn cầu. Với định hướng đó, Việt Nam đã chiếm được một số thị phần xuất khẩu công nghệ của Trung Quốc.

Việt Nam đã mang đến một môi trường “trung lập” rất cần thiết để các công ty công nghệ tài chính (fintech) nước ngoài giảm thiểu rủi ro trước căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc - như việc Apple chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, hay việc tập đoàn Amkor Technology đầu tư 1,6 tỷ USD vào nhà máy sản xuất chất bán dẫn tại Việt Nam…

Theo EAF, Việt Nam có tiềm năng trở thành nước xuất khẩu hàng công nghệ cao lớn thứ 4, sau Trung Quốc, Đài Loan và Đức. Mặc dù Việt Nam hiện giữ vị trí thứ 7 nhưng tốc độ tăng trưởng của Việt Nam được đánh giá là “không có đối thủ”, khi hàng hóa công nghệ cao trong tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam đạt 42% vào năm 2020, tăng từ mức 13% năm 2010.

Tuy nhiên, sự gia tăng nhanh chóng trong xuất khẩu công nghệ cao của Việt Nam vẫn chưa đẩy nhanh tốc độ gia nhập câu lạc bộ độc quyền các nền kinh tế “con hổ châu Á”. Trong những thập kỷ trước, Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc đã gia nhập câu lạc bộ bằng cách chuyển từ sản xuất công nghệ thấp sang sản xuất công nghệ cao tiên tiến. Có thể phải mất khoảng 15 năm để GDP bình quân đầu người của Việt Nam (hiện ở mức 4.320 USD vào năm 2023) đạt được mức GDP bình quân đầu người năm 2023 của Trung Quốc là 12.540 USD.

Trong khi Apple đang yêu cầu các nhà cung cấp đầu tư, sản xuất và lắp ráp sản phẩm tại Việt Nam, câu hỏi đặt ra là liệu Việt Nam có nắm bắt được cơ hội và chứng kiến các công ty Việt Nam dần trở thành nhà cung cấp của Apple hay không. Điều này có vẻ khó xảy ra trong ngắn hạn, vì tất cả các nhà cung cấp của Apple đều là các công ty có vốn đầu tư nước ngoài của Trung Quốc hoặc Đài Loan đã chuyển đến Việt Nam.

Mặc dù xuất khẩu công nghệ cao của Việt Nam đang thúc đẩy tăng trưởng đất nước, vẫn có sự phụ thuộc quá mức vào đầu tư và đổi mới của nước ngoài, với khoảng 70% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam do các công ty nước ngoài chi phối và nắm giữ. Tiềm năng tăng trưởng GDP bình quân đầu người của Việt Nam thấp hơn đáng kể so với các “con hổ châu Á” khác sau khi đạt mức thu nhập trung bình thấp. Điều này là do năng suất nhân tố tổng hợp và vốn nhân lực của Việt Nam vẫn chưa được thúc đẩy bởi đầu vào trong nước và sự lan tỏa công nghệ diễn ra chưa đủ nhanh.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn sở hữu một điểm sáng đáng kể: dòng vốn FDI hiện tại từ các công ty fintech đang giúp đất nước có thêm thời gian để giải quyết sự phụ thuộc vào đầu vào đổi mới nước ngoài. Ví dụ, chính phủ Việt Nam có thể kích thích Apple đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, cũng như tăng cường mối quan hệ với các trường đại học và sinh viên Việt Nam, như Apple đã làm ở Trung Quốc.

Theo đánh giá của EAF, Việt Nam đã có vị thế đặc biệt để trở thành “một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong thập kỷ tới”. Và thành công của nước này trong việc kiểm soát COVID-19 với tư cách là nền kinh tế hoạt động hàng đầu châu Á trong thời kỳ đại dịch đã củng cố uy tín và danh tiếng của đất nước như một môi trường an toàn và thân thiện cho đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Thực tế, cuộc đua trở thành “con hổ châu Á” tiếp theo của Việt Nam vẫn còn những thách thức, như việc làm thế nào để giảm sự phụ thuộc quá mức của đất nước vào đầu vào đổi mới nước ngoài… Thế nhưng, có vẻ như các yếu tố cốt lõi của hệ sinh thái đổi mới đang bén rễ khi Việt Nam khẳng định mình là “cường quốc xuất khẩu công nghệ cao”.

Trong bối cảnh đại dịch và mất cân bằng toàn cầu, Việt Nam đã nổi lên như một trường hợp ngoại lệ, cho thấy chủ nghĩa tư bản nhà nước là một mô hình tăng trưởng có năng lực cao. Nhờ vậy, Việt Nam đã tiết kiệm được nhiều thời gian hơn - nếu không muốn nói là tìm được “đường tắt” - trong cuộc đua trở thành “con hổ châu Á” tiếp theo.

Tố Quyên (Lược dịch từ EAF)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Danh sách đội tuyển Việt Nam chuẩn bị tham dự ASEAN Mitsubishi Electric Cup 2024

Ngày 18/11, huấn luyện viên trưởng Kim Sang Sik đã công bố danh sách 30 cầu thủ được triệu tập vào đội tuyển Việt Nam, chuẩn bị cho giải vô địch Đông Nam Á – ASEAN Mitsubishi Electric Cup 2024. Danh sách sẽ tiếp tục có sự bổ sung sau khi câu lạc bộ Thép Xanh Nam Định hoàn thành thi đấu tại vòng bảng AFC Champions League Two 2024/25.

Danh sách đội tuyển Việt Nam chuẩn bị tham dự ASEAN Mitsubishi Electric Cup 2024
Đội tuyển Việt Nam sẽ thi đấu AFF Cup 2024 trên sân vận động Việt Trì

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ cho biết, ngày 13/11, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã chính thức có công văn đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ xem xét và chấp thuận giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Liên đoàn tổ chức các trận thi đấu của Đội tuyển Việt Nam trong khuôn khổ vòng loại Giải Bóng đá vô địch Đông Nam Á Mitsubishi Electric Cup 2024 (AFF Cup 2024).

Đội tuyển Việt Nam sẽ thi đấu AFF Cup 2024 trên sân vận động Việt Trì
Nhiều công ty nước ngoài mở rộng năng lực thử nghiệm và đóng gói chip tại Việt Nam

Hãng tin Reuters hôm qua (12/11) dẫn lời các giám đốc điều hành cho biết, nhiều công ty nước ngoài đang mở rộng năng lực thử nghiệm và đóng gói chip tại Việt Nam, trong khi các công ty trong nước đang “để mắt” đến việc hợp tác đầu tư, giữa bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang nhanh chóng dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc để tránh tác động từ căng thẳng thương mại.

Nhiều công ty nước ngoài mở rộng năng lực thử nghiệm và đóng gói chip tại Việt Nam
Return to top