Thế giới
HỘI NGHỊ CẤP CAO ASEAN LẦN THỨ 36:

Vượt lên thách thức, duy trì tăng trưởng

ClockThứ Sáu, 26/06/2020 22:41
TTH - Ngày 26/6, các nhà lãnh đạo ASEAN nhóm họp tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36, lần đầu tiên được tổ chức bằng hình thức trực tuyến. Hội nghị thảo luận cách tăng cường hợp tác hơn nữa đối với các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng và đưa ra kế hoạch phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19.

Khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36ASEAN 36 sẽ bàn về Biển Đông và COC, không lẩn tránh vấn đề quốc tế

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36. Ảnh: asean2020.vn

Trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì lễ khai mạc Hội nghị, cùng sự tham gia của các nhà lãnh đạo đến từ các quốc gia thành viên ASEAN khác. Trong đó, các nhà lãnh đạo đánh giá những nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN, cũng như những thách thức phía trước và thông qua một số văn kiện quan trọng nhằm cải thiện cuộc sống của người dân khu vực sau đại dịch COVID-19. Hội nghị Cấp cao tái khẳng định sự cần thiết của một kế hoạch phục hồi sau đại dịch, trong đó sẽ bao gồm sự hợp tác giữa các ngành, khu vực tư nhân và các bên liên quan khác.

Trong bài phát biểu tại lễ khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kỳ vọng: “Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 sẽ là dịp để chúng ta một lần nữa khẳng định tình đoàn kết, ý chí chính trị mạnh mẽ và quyết tâm cao của các quốc gia thành viên ASEAN vượt lên các khó khăn thách thức, vững vàng đi tới. Một mặt, cần tiếp tục kiểm soát tốt dịch COVID-19, mặt khác, cần sớm khắc phục hậu quả của dịch, phục hồi và tiếp tục phát triển kinh tế; đồng thời, cần nỗ lực hoàn thành các mục tiêu hợp tác, liên kết ASEAN trong năm 2020”.

Bên cạnh đó, ông Dato Lim Jock Hoi, Tổng Thư ký ASEAN cho hay: “Dù đại dịch COVID-19 xảy ra, sự nhóm họp của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 là một minh chứng cụ thể cho sự đoàn kết và lãnh đạo của ASEAN được thể hiện trong hợp tác khu vực cụ thể. Sự đoàn kết như vậy là rất cần thiết để đối phó với đại dịch. Chúng tôi kỳ vọng sẽ có một nỗ lực hợp tác lớn hơn trong việc chia sẻ thông tin và kiến ​​thức không chỉ trong các lĩnh vực phát triển y tế, mà còn trong những chính sách nội địa liên quan đến an ninh xã hội và y tế từ những tác động đáng kể của COVID-19 lên cộng đồng”.

Được biết, quản lý rủi ro sức khỏe cộng đồng và phục hồi các nền kinh tế cho đến khi tìm ra vắc-xin hoặc phương pháp điều trị hiệu quả là trọng tâm trong chương trình nghị sự của Hội nghị. Những điểm nổi bật khác sẽ là sự kết nối của các nhà lãnh đạo với các bên liên quan của Cộng đồng ASEAN như thanh niên, nhóm doanh nghiệp, các nghị sĩ, những người có thể đóng góp đáng kể vào nỗ lực xây dựng cộng đồng. Các nhà lãnh đạo cũng sẽ trao đổi quan điểm về những vấn đề khu vực và quốc tế, cũng như tiếp tục thảo luận về cách tăng cường hợp tác khu vực, củng cố tính trung tâm của ASEAN, thúc đẩy hòa bình và ổn định khu vực.

Kết thúc Hội nghị, các nhà lãnh đạo đã công bố Tuyên bố Chủ tịch về kết quả Hội nghị, thông qua Tuyên bố “Tầm nhìn về ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng: Vượt lên các thách thức và duy trì tăng trưởng” và Tuyên bố ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực cho một thế giới công việc đang đổi thay.

Trong khu vực ASEAN, gần 140.000 trường hợp nhiễm COVID-19 và hơn 4.000 trường hợp tử vong đã được ghi nhận.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ asean.org, asean2020.vn & Straits Times)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

PMI:
Ngành sản xuất ASEAN duy trì tăng trưởng

Tổ chức S&P Global ngày hôm nay (4/11) công bố Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) toàn phần ngành sản xuất Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trong đó, ngành sản xuất ASEAN vào tháng 10/2024 đã ghi nhận sự cải thiện bền vững, mặc dù một lần nữa chỉ là mức cải thiện nhẹ.

Ngành sản xuất ASEAN duy trì tăng trưởng
Return to top