Thế giới

Vượt quá dịch cúm năm 1918, COVID-19 là đại dịch gây tử vong nhiều nhất ở Mỹ

ClockThứ Ba, 21/09/2021 11:23
TTH.VN - COVID-19 chính thức là đợt bùng phát gây chết người nhiều nhất trong lịch sử cận đại của Mỹ khi số ca tử vong liên quan đến SARS-CoV-2 đã vượt quá số tử vong ước tính trong đại dịch cúm năm 1918, dữ liệu do Đại học Johns Hopkins tổng hợp cho thấy.

Thế giới vượt ngưỡng 4,5 triệu ca tử vong do COVID-19Toàn cầu vượt mốc 200 triệu ca nhiễm, tăng 100 triệu ca chỉ trong nửa đầu năm 2021Mỹ mở cửa nền kinh tế, vượt lên nỗi đau hơn 600.000 người chết do COVID-19

Cánh đồng cắm hàng trăm ngàn lá cờ trắng – biểu tượng cho số người tại Mỹ đã chết vì COVID-19, gần Đài tưởng niệm Washington ở Washington DC. Ảnh: Getty Image

Theo báo cáo của Johns Hopkins, tính đến ngày 20/9, số trường hợp tử vong do COVID-19 được ghi nhận ở Mỹ đã vượt qua 675.000 người và đang tăng trung bình hơn 1.900 ca tử vong mỗi ngày (trong khi trang Worldometers ghi nhận số ca tử vong là hơn 694.000 ca). Mỹ hiện đang trải qua một làn sóng lây nhiễm mới, chủ yếu do sự bùng phát của biến thể Delta rất dễ lây lan.

Dịch cúm năm 1918 xảy ra ba đợt, vào mùa xuân năm 1918, mùa thu cùng năm và từ mùa đông 1918 kéo dài sang mùa xuân năm 1919, ước tính đã giết chết khoảng 675.000 người Mỹ, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC). Tính đến trước đại dịch COVID-19, đây được coi là đại dịch gây chết người nhiều nhất của Mỹ trong lịch sử gần đây.

Tiến sĩ Howard Markel, bác sĩ và nhà sử học y tế tại Đại học Michigan cho rằng việc so sánh các số liệu với lịch sử đang được thực hiện khá tốt. Cũng theo Tiến sĩ Markel, đã đến lúc ngừng nhìn lại đại dịch năm 1918 như một hướng dẫn cho cách hành động trong hiện tại và bắt đầu suy nghĩ về tương lai từ năm 2021.

“Đây là đại dịch mà tôi sẽ nghiên cứu và giảng dạy cho các bác sĩ và sinh viên y tế công cộng thế hệ tiếp theo”, ông nói.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Markel và các chuyên gia y tế khác cho rằng việc so sánh song song trực tiếp các số liệu thô trong mỗi đại dịch không cung cấp tất cả các bối cảnh, xét về những tiến bộ lớn về công nghệ, y tế, xã hội và văn hóa trong thế kỷ qua. Theo các chuyên gia y tế và thống kê, điều quan trọng là phải xem xét đến khía cạnh dân số khi nói về các đợt bùng phát hoặc thảm họa.

Ví dụ, vào năm 1918, dân số Mỹ ước tính chỉ khoảng 103 triệu người, chưa đến 1/3 so với dân số hiện nay với gần 330 triệu người. Điều đó có nghĩa là cứ 150 người Mỹ thì có 1 người chết vì dịch cúm năm 1918, so với tỷ lệ 1 ca tử vong trên 500 người vì COVID-19 như hiện nay.

Các chuyên gia cho biết virus cúm năm 1918 cũng có xu hướng gây chết người đối với các nhóm đối tượng khác với COVID-19. Với Chiến tranh thế giới thứ nhất, đã có một sự dịch chuyển rất lớn đàn ông trên khắp châu Mỹ và châu Âu. Trong khi virus corona có thể đặc biệt nghiêm trọng đối với người già và những người có bệnh lý nền, thì loại virus năm 1918 khác thường ở chỗ nó đã giết chết nhiều thanh niên hơn.

Trên toàn cầu, dịch cúm năm 1918 đã giết chết nhiều người hơn, ước tính khoảng từ 20 đến 50 triệu người, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Trong khi đó theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, tính đến nay, COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của khoảng 4,7 triệu người trên toàn thế giới.

Không giống như hiện nay, ngày đó không có vaccine phòng bệnh cúm năm 1918. Cũng không có CDC hoặc hệ thống y tế công cộng quốc gia. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) dù đã tồn tại nhưng chỉ bao gồm một nhóm rất ít người. Ngoài ra, cũng không có thuốc men hoặc các phương pháp điều trị như kháng sinh, đơn vị chăm sóc đặc biệt, máy thở hoặc dịch truyền tĩnh mạch.

Vào thời điểm đó, các nhà khoa học thậm chí còn chưa nhìn thấy virus dưới kính hiển vi. Họ không có công nghệ và hầu như không biết gì về virus học, vốn được coi là một ngành khoa học sơ khai vì virus có kích thước vật lý nhỏ hơn dưới kính hiển vi và khó xác định hơn các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn.

Tiến sĩ Paul Offit, người tư vấn cho FDA về vaccine COVID-19, cho rằng sau 100 năm, rõ ràng là giờ đây chúng ta có nhiều lợi thế hơn hẳn, khi ngành khoa học về y tế, sức khoẻ ngày càng phát triển.

Tuy nhiên, theo tiến sĩ Offit, tình hình dịch COVID-19 tại Mỹ hiện đang tồi tệ hơn so với một năm trước vì một phần lớn dân số của quốc gia này vẫn chưa tiêm chủng. Nước này cũng đang ghi nhận số trẻ em nhập viện vì COVID-19 tăng cao kỷ lục kể từ khi đại dịch xuất hiện vào đầu năm 2020.

BẢO NGHI (Lược dịch từ CNBC)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mỹ thúc đẩy xây nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên

Hai công ty năng lượng Westinghouse Electric và CORE POWER vừa công bố thỏa thuận hợp tác phát triển nhà máy điện hạt nhân nổi (FNPP), đánh dấu bước tiến mới của Mỹ trong lĩnh vực đang được Nga và Trung Quốc dẫn đầu.

Mỹ thúc đẩy xây nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên
Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS:
Số ca nhiễm và tử vong do HIV giảm đáng kể

Số ca nhiễm mới và tử vong do HIV đã và đang ghi nhận sự giảm đi đáng kể trên toàn thế giới, đánh dấu bước tiến đáng kể trong cuộc chiến chống lại căn bệnh này.

Số ca nhiễm và tử vong do HIV giảm đáng kể
Return to top