|
|
Điểm số khoảng cách giới tính ở 146 quốc gia năm 2023 là 68,4% - chỉ tăng nhẹ 0,3% so với năm 2022. Ảnh minh hoạ: Institute of Entrepreneurship Development/TTXVN |
Chỉ số khoảng cách giới tính tổng thể là thước đo về sự bình đẳng được thể hiện trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, y tế và giáo dục. Báo cáo của WEF cho thấy điểm số khoảng cách giới tính ở 146 quốc gia năm 2023 là 68,4% - chỉ tăng nhẹ 0,3% so với năm 2022.
Bà Saadia Zahidi, Giám đốc điều hành của WEF, viết trong báo cáo rằng “tiến bộ chậm chạp” trong việc thu hẹp khoảng cách giới và các dấu hiệu cho thấy sự trượt dốc của tỷ lệ bình đẳng trong các lĩnh vực như kinh tế tạo ra một “trường hợp khẩn cấp đòi hỏi hành động đổi mới và phối hợp”.
“Những năm gần đây được đánh dấu bằng những thất bại lớn đối với bình đẳng giới trên toàn cầu, với những tiến bộ trước đó bị gián đoạn do tác động của đại dịch COVID-19 đối với phụ nữ và trẻ em gái trong giáo dục và lực lượng lao động, sau đó là các cuộc khủng hoảng kinh tế và địa chính trị… Ngày nay, một số nơi trên thế giới đang chứng kiến sự phục hồi một phần, trong khi những nơi khác đang trải qua tình trạng suy thoái khi các cuộc khủng hoảng mới diễn ra”, bà Zahidi nêu rõ.
Chỉ số Khoảng cách Giới tính của WEF đo lường sự bình đẳng giới trên bốn lĩnh vực cụ thể gồmsự tham gia và cơ hội kinh tế, trình độ học vấn, sức khỏe và sự sống, và trao quyền chính trị. Nếu xem xét các chỉ số này ở 102 quốc gia được đề cập liên tục trong báo cáo từ năm 2006 đến năm 2023, điểm số của năm 2023 là 68,6%, tương đương với mức tăng 4,1% - mức tăng được xem là khiêm tốn kể từ ấn bản đầu tiên của báo cáo được công bố năm 2006.
Mặc dù báo cáo cho thấy có sự tiến bộ trong các lĩnh vực trình độ học vấn (95,2%), sự gia tăng trong các hạng mục sức khỏe và sự sống (đạt 96%), và trao quyền chính trị, nhưng khoảng cách tham gia kinh tế cho thấy một số sự thụt lùi (61,1%), và tỷ lệ trao quyền chính trị cho phụ nữ so với nam giới chỉ ở mức thấp (22,1%), gióng lên hồi chuông cảnh báo về một “cuộc khủng hoảng hậu đại dịch”.
|
|
Báo cáo của WEF năm 2023 cho thấy đã có sự tiến bộ về bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục, đạt 95,2%. Ảnh: Vietnamnet |
Báo cáo cho biết: “Sự phục hồi sau cú sốc và cuộc khủng hoảng tiếp theo diễn ra chậm và cho đến nay vẫn chưa hoàn thiện. Trong bối cảnh hiện tại, cùng với sự phát triển của công nghệ và biến đổi khí hậu, có nguy cơ gây ra sự thụt lùi hơn nữa trong việc trao quyền kinh tế cho phụ nữ”. “Không chỉ hàng triệu phụ nữ và trẻ em gái mất cơ hội tiếp cận kinh tế, mà những đảo ngược này còn gây ra những hậu quả trên diện rộng cho nền kinh tế toàn cầu”, báo cáo nêu rõ.
Với thực tế đó, WEF ước tính thế giới sẽ cần 131 năm nữa để đạt tới tình trạng cân bằng giới tính hoàn toàn, 169 năm để đạt được sự bình đẳng giới trong kinh tế và 162 năm để đạt được sự bình đẳng về chính trị.
Báo cáo của WEF khẳng định hiện chưa có quốc gia nào đạt được bình đẳng giới hoàn toàn. Thế giới hiện chỉ có 9 quốc gia đã thu hẹp ít nhất 80% khoảng cách giới tính, bao gồm Iceland, Na Uy, Phần Lan, New Zealand, Thụy Điển, Đức, Nicaragua, Namibia và Litva. Trong năm thứ 14 liên tiếp, Iceland là quốc gia bình đẳng giới nhất khi đã thu hẹp 91,2% khoảng cách.
Trong Báo cáo Khoảng cách Giới tính Toàn cầu 2023, Mỹ đứng thứ 43, với điểm số tương đương là 74,8%. Mỹ đã tụt hạng trong bảng xếp hạng tổng thể so với năm 2022 (khi đứng thứ 27 với điểm số tương đương 76,9%) do sự sụt giảm mạnh trong chỉ số trao quyền chính trị - thước đo khoảng cách giữa nam giới và nữ giới trong các cấp ra quyết định chính trị cao nhất.
Nhật Bản cũng tụt từ vị trí 116 trong bảng xếp hạng năm 2022 xuống vị trí 125 trong năm nay, với sự tham gia của phụ nữ Nhật Bản vào lĩnh vực chính trị và kinh tế chưa có sự cải thiện – được xem là nguyên nhân dẫn tới sự tụt hạng này. Tuy nhiên, Nhật Bản đã đạt được điểm số cao về trình độ học vấn và sức khỏe của phụ nữ.
Cũng theo WEF, Việt Nam hiện xếp hạng 72 trong danh sách này với tiến độ bình đẳng giới đạt 71,1%, tăng 11 bậc so với vị trí năm 2022. Về từng chỉ số cụ thể, Việt Nam xếp hạng 31 (74,9%) trong lĩnh vực kinh tế, hạng 89 trong lĩnh vực giáo dục (98,5%), hạng 144 trong lĩnh vực y tế (94,6%) và hạng 89 trong lĩnh vực chính trị (16,6%).
Giám đốc WEF Zahidi khẳng định, “đẩy nhanh tiến độ hướng tới bình đẳng giới sẽ không chỉ cải thiện kết quả cho phụ nữ và trẻ em gái mà còn mang lại lợi ích rộng rãi hơn cho các nền kinh tế và xã hội, phục hồi tăng trưởng, thúc đẩy đổi mới và tăng cường khả năng phục hồi”.