Thế giới

WHO: Lợi ích của vắc xin COVID-19 công nghệ mRNA lớn hơn nguy cơ

ClockThứ Bảy, 10/07/2021 15:56
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết lợi ích của vắc xin ngừa COVID-19 sản xuất theo công nghệ mRNA, hiện dùng là loại Pfizer và Moderna, vượt trội so với nguy cơ viêm cơ tim cực kỳ hiếm gặp sau tiêm vắc xin.

Hàn Quốc đàm phán với Pfizer và Moderna để sản xuất 1 tỷ liều vaccine theo công nghệ mRNA

Vắc xin ngừa COVID-19 của Hãng Pfizer/BioNTech và Hãng Moderna sản xuất theo công nghệ mRNA - Ảnh: REUTERS

Trong tuyên bố ngày 9/7, theo Hãng tin Reuters, WHO cho biết các báo cáo về 2 triệu chứng hiếm gặp là viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim, thường xảy ra vài ngày sau khi tiêm vắc xin (vaccine), chủ yếu xảy ra ở những nam giới trẻ sau khi tiêm liều thứ hai.

"Các trường hợp cực kỳ hiếm gặp của chứng viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim đã được ghi nhận sau khi tiêm vắc xin COVID-19 dùng công nghệ mRNA. Lợi ích của các vắc xin COVID-19 mRNA vượt trội so với nguy cơ vì giúp giảm tỉ lệ nhập viện và tử vong do mắc COVID-19", tuyên bố nêu.

Cho tới nay, có hai loại vắc xin COVID-19 dùng công nghệ mRNA được WHO phê duyệt là của Hãng Pfizer/BioNTech và Moderna.

Theo WHO, thông tin sẵn có cho thấy các trường hợp viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim "nhìn chung là nhẹ" và khỏi bệnh sau điều trị như nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc kháng viêm không chứa steroid.

WHO cho biết họ vẫn tiếp tục giám sát các ca viêm cơ tim nói chung để xác định hệ quả về lâu dài.

"Những người đã tiêm vắc xin nên được hướng dẫn đến cơ sở y tế ngay nếu phát triển các triệu chứng liên quan đến viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim như đau ngực dai dẳng, khó thở hoặc tim đập nhanh" - WHO nêu thêm.

Trước đó, cũng trong ngày 9/7, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cho biết họ phát hiện có sự liên quan giữa chứng viêm cơ tim sau khi tiêm vắc xin của Pfizer/BioNTech và Moderna. Tuy nhiên, EMA cũng nhấn mạnh lợi ích của vắc xin vẫn lớn hơn rủi ro.

Viêm cơ tim là tình trạng lớp cơ dày của thành tim bị viêm, khiến cơ tim bị tổn thương và có thể hoại tử, từ đó ảnh hưởng tới chức năng co bóp của cơ tim.

Màng ngoài tim là màng mỏng bao quanh tim. Viêm màng ngoài tim là sự "phồng" lên, kích ứng của màng ngoài tim gây đau ngực và những triệu chứng khó chịu khác.

Các trường hợp viêm cơ tim chủ yếu xảy ra trong vòng 14 ngày sau tiêm, sau liều thứ hai ở người trẻ tuổi, là nam giới.

Những kết luận của EMA phù hợp với những phát hiện ngành y tế Mỹ đưa ra vào tháng trước với vắc xin COVID-19 của Pfizer và Moderna.

EMA đã xem xét hơn 300 trường hợp bị viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim ở EU, Iceland, Na Uy và Liechtenstein. Đa số các trường hợp xảy ra sau khi tiêm vắc xin của Pfizer, do vắc xin Pfizer được sử dụng rộng rãi ở EU hơn so với vắc xin của Moderna.

Công ty Pfizer cho biết đa số các trường hợp chỉ bị nhẹ, bệnh nhân có xu hướng hồi phục trong một thời gian ngắn sau khi được điều trị và nghỉ ngơi.

EMA cũng đã xem xét các trường hợp viêm tim với vắc xin COVID-19 một liều do Hãng Johnson & Johnson phát triển, và vắc xin hai liều của AstraZeneca, nhưng không tìm thấy sự liên hệ nào.

EMA xác nhận lợi ích của tất cả vắc xin COVID-19 đã được cấp phép vẫn vượt trội so với rủi ro. Ban an toàn của EMA cũng khuyến cáo những người có tiền sử rối loạn máu hiếm, gọi là hội chứng rò rỉ mao mạch (CLS), không tiêm vắc xin một liều của J&J.

Trước đó, cơ quan này đã yêu cầu bổ sung chứng rò rỉ mao mạch vào danh sách các tác dụng phụ của vắc xin AstraZeneca và khuyến cáo những người đã bị tình trạng này không nên tiêm.

Cả vắc xin AstraZeneca và J&J đều sử dụng các phiên bản khác nhau của virus gây cảm lạnh thông thường đã được biến đổi gene để tạo ra phản ứng miễn dịch với virus gây bệnh COVID-19.

Cần tiêm đến 95% dân số để chống chủng Delta

Trong một diễn biến khác, theo Hãng tin AFP, Hội đồng khoa học cố vấn y tế cho Chính phủ Pháp ngày 9-7 cảnh báo có thể phải tiêm chủng cho 95% người dân để ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta.

Hội đồng cho biết với số ca bệnh đang tăng, "một làn sóng dịch thứ tư liên quan đến biến thể Delta có thể ập đến nhanh chóng, gia tăng áp lực cho hệ thống y tế bất chấp tỉ lệ tiêm chủng cao".

"Chúng ta không thể kiểm soát được dịch bệnh trừ khi 90-95% người dân được tiêm hoặc bị bệnh" - hội đồng đưa ra nhận định.

Cho tới nay, chỉ khoảng 50% người dân Pháp đã tiêm liều vắc xin đầu tiên và khoảng 40% tiêm đủ hai liều. Chính phủ Pháp muốn 2/3 dân số, khoảng 35 triệu người, được tiêm đủ liều vào cuối tháng 8.

Theo Tuoitre

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nguy cơ mất an toàn tại các "điểm đen" giao thông

Gần đây, hệ thống giao thông ở Phong Điền không ngừng được đầu tư, nâng cấp, kết nối thông suốt. Tuy nhiên, hiện tại các ngã ba, ngã tư ở các quốc lộ (QL), tỉnh lộ (TL)… qua địa bàn Phong Điền có nguy cơ thành “điểm đen”, mất an toàn giao thông (ATGT).

Nguy cơ mất an toàn tại các điểm đen giao thông
Hội nghị Sức khỏe răng miệng toàn cầu lần đầu tiên được tổ chức

Từ ngày 26 - 29/11, các đoàn đại biểu từ hơn 110 quốc gia đang tập trung ở Thủ đô Bangkok, Thái Lan để đưa ra các lộ trình quốc gia và đàm phán một tuyên bố chung về sức khỏe răng miệng tại Hội nghị Sức khỏe răng miệng toàn cầu đầu tiên, do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức.

Hội nghị Sức khỏe răng miệng toàn cầu lần đầu tiên được tổ chức
27 điểm có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở khu vực Trung Bộ

Do ảnh hưởng của mưa kéo dài, mô hình độ ẩm đất tại một số khu vực ở Trung Bộ đã gần bão hòa hoặc đạt trạng thái bão hòa. Trong khi đó, dự báo trong 3-6 giờ tới, khu vực trên tiếp tục có mưa. Cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại nhiều địa phương.

27 điểm có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở khu vực Trung Bộ
Return to top