Thế giới
Hướng tới Ngày Thế giới Phòng chống lao (24/3):

WHO: Mỗi USD đầu tư vào cuộc chiến chống bệnh lao sẽ mang lại lợi ích 39 USD

ClockThứ Tư, 20/03/2024 07:18
TTH - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây đã lên tiếng kêu gọi tăng cường tài trợ cho các chương trình sàng lọc và phòng ngừa bệnh lao (TB) để bảo vệ những nhóm dân số dễ bị tổn thương và đạt được các mục tiêu y tế quan trọng.

Phát hiện sớm và điều trị kịp thời để chấm dứt bệnh laoVương quốc Anh cam kết 1,18 tỷ USD phòng chống AIDS, lao và sốt rétLãnh đạo các nước cam kết hàng tỷ USD để chống lại bệnh AIDS, lao và sốt rét

 Nhân viên y tế điều trị cho trẻ em mắc bệnh lao tại một bệnh viện ở Nam Sudan. Ảnh: AFP/TTXVN

Công bố kết quả của một dự án đầu tư cho sàng lọc và điều trị dự phòng bệnh lao ở 4 nước Brazil, Georgia, Kenya và Nam Phi, WHO cho biết khoản đầu tư mới tương đối khiêm tốn có thể mang lại lợi ích kinh tế và sức khỏe đáng kể, với lợi tức lên tới 39 USD cho mỗi USD đầu tư.

Vượt ra ngoài phạm vi tiền tệ, lợi ích còn bao gồm những cải thiện vượt bậc về kết quả y tế công cộng và giảm thiểu tác động tàn phá của bệnh lao đối với các cá nhân, gia đình và cộng đồng.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Ngày nay, chúng ta có kiến thức, công cụ và cam kết chính trị để có thể chấm dứt căn bệnh đã tồn tại hàng thiên niên kỷ này, khi đây vẫn là một trong những căn bệnh truyền nhiễm giết người hàng đầu thế giới”.

Theo báo cáo, việc thực hiện sàng lọc bệnh lao cộng với điều trị dự phòng có thể làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh lao. Do vậy, những khoản đầu tư y tế công cộng quan trọng này là rất cần thiết để giải quyết nhu cầu của những nhóm dân cư dễ bị tổn thương và đạt được các mục tiêu Chấm dứt bệnh lao.

Công cụ quan trọng

Mặc dù đã có những bước tiến đáng kể trong việc phòng chống lao, với ước tính khoảng 75 triệu sinh mạng đã được cứu kể từ năm 2000, căn bệnh này vẫn tiếp tục gây ra khoảng 1,3 triệu ca tử vong hàng năm và ảnh hưởng đến hàng triệu người khác trên toàn thế giới.

Hơn nữa, bệnh lao đa kháng thuốc (MDR-TB) đang là mối lo ngại ngày càng tăng về sức khỏe cộng đồng, với chỉ khoảng 2/5 số bệnh nhân được tiếp cận điều trị vào năm 2022.

WHO cho biết tiến trình phát triển các phương pháp chẩn đoán bệnh lao, thuốc và vắc-xin mới vẫn bị hạn chế bởi mức đầu tư tổng thể vào các lĩnh vực này và rõ ràng cần phải làm nhiều hơn nữa để chống lại bệnh lao.

Trong bối cảnh đó, dự án đầu tư nói trên đã được đưa ra để hỗ trợ các nước vận động và phân bổ nguồn lực tăng cường nhằm mở rộng quy mô sàng lọc và điều trị dự phòng bệnh lao, hướng tới đạt được các mục tiêu mới mà các nguyên thủ quốc gia đã cam kết tại Hội nghị cấp cao của LHQ về bệnh lao năm 2023.

Ngày Thế giới Phòng, chống lao năm 2024

Với chủ đề “Vâng! Chúng ta có thể chấm dứt bệnh lao!”, Ngày Thế giới phòng chống lao năm nay (24/3) nhằm truyền tải thông điệp thế giới có thể chấm dứt bệnh lao, thông qua sự lãnh đạo cấp cao, tăng cường đầu tư và đẩy nhanh việc tiếp thu các khuyến nghị quan trọng của WHO.

Thực hiện các cam kết của các Nguyên thủ quốc gia tại Hội nghị cấp cao về bệnh lao của LHQ năm 2023 nhằm đẩy nhanh tiến độ chấm dứt bệnh lao, trọng tâm của năm nay chuyển sang biến những cam kết này thành hành động cụ thể. Điều này bao gồm việc triển khai sáng kiến hàng đầu của Tổng Giám đốc WHO về bệnh lao trong giai đoạn 2023-2027.

Tereza Kasaeva, Giám đốc Chương trình Bệnh lao Toàn cầu của WHO khẳng định: “5 năm tới sẽ rất quan trọng để đảm bảo rằng động lực chính trị mà chúng ta hiện có được chuyển thành các hành động cụ thể nhằm đạt được các mục tiêu về bệnh lao toàn cầu”.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ UN)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhân rộng mô hình chuyển hóa địa bàn

Công tác phòng, chống ma túy (PCMT) và nhân rộng mô hình chuyển hóa tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy trên địa bàn TP. Huế đạt nhiều kết quả tích cực.

Nhân rộng mô hình chuyển hóa địa bàn
Nigeria trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai vaccine mới chống viêm màng não

Trong một động thái lịch sử, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây cho biết, Nigeria đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai loại vaccine 5 trong 1 mới “mang tính cách mạng” chống viêm màng não, nhằm bảo vệ con người, chống lại 5 chủng vi khuẩn não mô cầu chính là A, C, W, Y và X.

Nigeria trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai vaccine mới chống viêm màng não
Phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy đầu tư xanh

Chiều 10/4, tại Nghệ An, Trường đại học Kinh tế, Đại học Huế phối hợp với Viện Nghiên cứu kinh doanh, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Trường đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng và Trường đại học Kinh tế Nghệ An tổ chức hội thảo khoa học Quốc gia “Phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy đầu tư xanh hướng tới mục tiêu phát triển bền vững”.

Phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy đầu tư xanh
Return to top