Thế giới

Lãnh đạo các nước cam kết hàng tỷ USD để chống lại bệnh AIDS, lao và sốt rét

ClockThứ Năm, 22/09/2022 21:07
TTH.VN - Tin từ Reuters cho biết Quỹ Toàn cầu phòng chống bệnh AIDS, lao và sốt rét hôm qua (21/9) đã nhận được các cam kết tài trợ trị giá 14,25 tỷ USD từ các nhà lãnh đạo thế giới nhằm đẩy mạnh các nỗ lực chống lại các căn bệnh chết người này sau khi tiến trình bị tụt lại bởi đại dịch COVID-19.

Cuộc chiến chống bệnh AIDS, lao và sốt rét đã phục hồi sau COVID, nhưng vẫn chưa đủSẽ có thêm nhiều ca tử vong vì lao, AIDS ở các nước nghèo vì COVID-19Pháp kêu gọi gây quỹ 14 tỷ USD cho Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rétCần 14 tỷ USD để chống lại đại dịch AIDS, lao và sốt rét

Lấy mẫu máu để xét nghiệm HIV/AIDS tại một cơ sở y tế tại Zambia. Ảnh: TTXVN

Tổng thống Mỹ Joe Biden, người chủ trì hội nghị ở New York – diễn ra bên lề cuộc họp cấp cao hàng năm của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, cho biết nguồn tài trợ này có vai trò rất quan trọng để chống lại dịch bệnh.

“Đây là khoản đầu tư sẽ cứu sống thêm 20 triệu người, giảm tỷ lệ tử vong vì những căn bệnh này thêm 64% trong 4 năm tới”, Tổng thống Biden nói.

Trước đó, Mỹ đã cam kết sẽ quyên góp 6 tỷ USD cho quỹ này trong chu kỳ tài trợ tiếp theo.

Là một liên minh công - tư có trụ sở tại Geneva, Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, lao và sốt rét, đang tìm cách huy động 18 tỷ USD cho chu kỳ 3 năm tiếp theo từ các chính phủ, khu vực xã hội dân sự và tư nhân để hỗ trợ việc phòng ngừa, chăm sóc và điều trị các bệnh này. Được biết, trước khi hội nghị ngày 21/9 diễn ra, quỹ đã huy động được hơn 1/3 tổng số tiền nói trên.

Theo Quỹ Toàn cầu phòng chống bệnh AIDS, lao và sốt rét, con số 14,25 tỷ USD có thể sẽ còn tiếp tục tăng lên do dự kiến ​​sẽ có thêm nhiều khoản quyên góp hơn nữa.

Cam kết góp 1 triệu USD cho quỹ, Tổng thống Malawi khẳng định rằng “đối với chính phủ và người dân Malawi, đây không phải là một hội nghị mà là một cứu cánh”.

Theo Chương trình phối hợp của Liên Hiệp Quốc về HIV và AIDS (UNAIDS), năm 2021, có 990.000 người lớn và trẻ em ở Malawi sống chung với HIV, và bệnh lao cũng là một “vấn đề lớn về sức khỏe cộng đồng” ở nước này.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu - bà Ursula von der Leyen đã cam kết 715 triệu euro (703,63 triệu USD) cho quỹ, tăng 30% so với cam kết trước đó. “Chúng ta có thể chữa khỏi bệnh lao. Chúng ta có thể ngăn ngừa bệnh sốt rét. Chúng ta có thể chống lại những căn bệnh khủng khiếp này. Chúng ta sẽ chấm dứt AIDS, lao và sốt rét mãi mãi” - bà nói.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cam kết thêm 300 triệu euro nữa, nâng tổng số tiền đóng góp của nước này lên 1,6 tỷ euro. Thêm vào đó, Nigeria cam kết 13,2 triệu USD, Hà Lan cam kết 180 triệu euro và Indonesia cam kết 15,5 triệu USD, cùng với nhiều cam kết từ khu vực tư nhân.

Trong báo cáo năm 2022, Quỹ Toàn cầu phòng chống bệnh AIDS, lao và sốt rét cho biết phạm vi của các nỗ lực điều trị và phòng ngừa các căn bệnh này đã phục hồi trở lại vào năm ngoái sau khi giảm lần đầu tiên sau gần 20 năm vào năm 2020, nhưng thế giới vẫn chưa đi đúng hướng để đánh bại những căn bệnh này. 

Ước tính, các hoạt động của Quỹ Toàn cầu đã cứu sống khoảng 50 triệu người kể từ khi được thành lập vào năm 2002. Nhưng vào năm 2020, số người được điều trị bệnh lao đã giảm 19% xuống còn 4,5 triệu người. Đến năm 2021, con số này đã tăng trở lại 12%, lên 5,3 triệu người được điều trị, nhưng con số này vẫn còn thấp hơn mức 5,5 triệu người được hỗ trợ trước đại dịch.

Mặc dù các chương trình về sốt rét và AIDS đã vượt qua mức năm 2019, nhưng tác động của đại dịch khiến thế giới vẫn chưa thể đạt được mục tiêu chấm dứt các dịch bệnh này vào năm 2030. Đồng thời, quỹ cũng cảnh báo xung đột ở Ukraine và cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu có thể làm trầm trọng thêm tình hình hiện nay.

Được biết, trong khi hội nghị về phòng chống AIDS, lao và sốt rét đang diễn ra ở New York thì ở Pakistan, số người chết vì bệnh sốt rét và các bệnh khác ởc các khu vực bị lũ lụt tàn phá của nước này đã lên tới 324 người, tính đến ngày 21/9. 

Giới chức Pakistan cho biết hàng trăm nghìn người đã phải di dời vì lũ lụt đang sống trong những điều kiện hết sức khó khăn. Nước lũ ứ đọng, trải dài hàng trăm km, có thể phải mất từ ​​2 đến 6 tháng để rút đi. Tình trạng này dẫn đến các trường hợp nhiễm trùng da và mắt, tiêu chảy, sốt rét, thương hàn và sốt xuất huyết trên diện rộng.

Theo dữ liệu từ Liên Hiệp Quốc, số ca sốt rét, thương hàn và tiêu chảy ở Pakistan đang lan nhanh, chỉ riêng tỉnh Sindh đã ghi nhận thêm 44.000 ca sốt rét trong tuần này.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ Reuters)

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

WHO và các ngân hàng phát triển đa phương khởi động nền tảng tài trợ y tế mới

Nền tảng đầu tư tác động y tế mới, một quan hệ đối tác mang tính bước ngoặt giữa các ngân hàng phát triển đa phương, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình sẽ giải quyết nhu cầu cấp thiết về các nỗ lực phối hợp nhằm tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu ở những cộng đồng dễ bị tổn thương và chưa được phục vụ đầy đủ, qua đó giúp xây dựng khả năng phục hồi nhanh trước các mối đe dọa.

WHO và các ngân hàng phát triển đa phương khởi động nền tảng tài trợ y tế mới
Châu Á - Thái Bình Dương:
Hoạt động tài trợ của IFC tăng lên mức kỷ lục trong năm tài chính 2024

Tạp chí Nikkei Asia ngày hôm nay (16/8) cho hay, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), chi nhánh khu vực tư nhân của Nhóm Ngân hàng thế giới (WBG) đã cam kết các khoản đầu tư và cho vay ở mức cao kỷ lục tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm tài chính 2024.

Hoạt động tài trợ của IFC tăng lên mức kỷ lục trong năm tài chính 2024
Tập trung vào khoảng cách đào tạo và tài trợ để tăng cường khả năng phục hồi khí hậu

Đây là nhận định được đưa ra trong một bài viết đăng tải trên trang web của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB). Theo đó, bà Sabah Abdulla và ông Vinod Thomas, các chuyên gia phát triển của ADB, đồng thời là tác giả của bài viết cho rằng, tăng cường đầu tư vào khả năng phục hồi khí hậu đóng vai trò rất quan trọng để giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là ở các khu vực dễ bị tổn thương như châu Á và Thái Bình Dương.

Tập trung vào khoảng cách đào tạo và tài trợ để tăng cường khả năng phục hồi khí hậu
LHQ kêu gọi “sự thay đổi mạnh mẽ” để chuyển đổi giáo dục trên toàn thế giới

Tham gia Sự kiện đặc biệt về Giáo dục chuyển đổi - một phần của Diễn đàn chính trị cấp cao (HLPF) đang diễn ra và hướng tới Hội nghị thượng đỉnh Tương lai sắp tới vào tháng 9/2024, Tổng thư ký LHQ António Guterres nhấn mạnh giữa cuộc khủng hoảng toàn cầu về giáo dục hiện nay, cần một “sự thay đổi mạnh mẽ” để hình thành một thế giới hòa bình, bền vững và công bằng hơn.

LHQ kêu gọi “sự thay đổi mạnh mẽ” để chuyển đổi giáo dục trên toàn thế giới
Return to top