|
Các nhà khoa học lo ngại virus mpox dường như đang đột biến và tạo ra các chủng mới một cách nhanh chóng. Ảnh: AFP/TTXVN |
“Các đợt bùng phát dịch mpox ở Congo và các nước láng giềng có thể được kiểm soát và ngăn chặn… Nhưng để làm được như vậy, cần có một kế hoạch hành động phối hợp và toàn diện”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố.
Theo đó, WHO đã phát động “Kế hoạch chuẩn bị và ứng phó chiến lược”, dự kiến triển khai từ tháng 9/2024 đến tháng 2/2025 với kinh phí ước tính 135 triệu USD. Trong thời gian chờ đợi các khoản tài trợ, WHO đã giải ngân khoảng 1,5 triệu USD từ quỹ dự trữ khẩn cấp của tổ chức.
Mpox, trước đây thường gọi là bệnh đậu mùa khỉ, đã là một vấn đề sức khỏe cộng đồng ở một số vùng của châu Phi kể từ năm 1970, nhưng ít được chú ý cho đến khi bùng phát trên toàn thế giới vào năm 2022, khiến WHO phải ban bố tình trạng khẩn cấp về sự lây lan quốc tế của chủng mpox nhánh IIb, chủ yếu ảnh hưởng đến nam giới quan hệ tình dục đồng giới. Báo động này đã được dỡ bỏ vào tháng 5/2023.
Tuy nhiên, đến ngày 14/8/2024, WHO tiếp tục ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu vì mpox sau khi các ca bệnh liên quan đến chủng mpox mới (Ib) tăng đột biến ở Congo, sau đó đã lan ra ngoài biên giới nước này. Chủng này là phiên bản đột biến của nhánh I, một dạng mpox lây lan qua tiếp xúc với động vật bị nhiễm bệnh đã lưu hành ở Congo trong nhiều thập kỷ.
Bệnh mpox gây sốt, đau cơ và tổn thương da, và đang ngày càng dẫn tới nhiều trường hợp tử vong.
Theo WHO, tính đến cuối tuần trước, hơn 100.000 ca xác nhận mắc mpox đã được ghi nhận kể từ khi dịch bệnh bắt đầu vào năm 2022, trong đó Congo là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất. WHO cho biết chỉ từ đầu năm đến nay, nước này đã có hơn 18.000 trường hợp nghi nhiễm mpox nhánh I và nhánh Ib (chiếm hơn 90% số ca trên toàn cầu), và 615 ca tử vong vì mpox.
Đáng lưu ý, các nhà khoa học nghiên cứu chủng mpox mới nói rằng loại virus này đang biến đổi nhanh hơn dự kiến và thường diễn ra ở những khu vực mà các chuyên gia không có đủ kinh phí và thiết bị để theo dõi đúng cách. Điều đó có nghĩa là có nhiều điều chưa biết về bản thân loại virus này, mức độ nghiêm trọng và cách lây truyền của virus, làm phức tạp thêm quá trình ứng phó.
Tiến sĩ Dimie Ogoina, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đại học Niger Delta ở Nigeria, người chủ trì ủy ban khẩn cấp mpox của WHO, bày tỏ lo ngại trước thực tế là “virus dường như đang đột biến và tạo ra các chủng mới một cách nhanh chóng”.
Ông cho biết phải mất 5 năm hoặc hơn nữa, nhánh IIb ở Nigeria mới tiến hóa đủ để lây lan liên tục giữa người với người, gây ra đợt bùng phát toàn cầu năm 2022. Tuy nhiên, quá trình này ở nhánh Ib chỉ diễn ra trong vòng chưa đầy 1 năm.
Theo các nhà khoa học, virus mpox nhánh I thường gây ra bệnh nghiêm trọng hơn, với tỷ lệ tử vong từ 4% - 11%, so với khoảng 1% đối với nhánh II. Đồng thời, trẻ em, phụ nữ mang thai và những người có hệ miễn dịch suy yếu có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng và tử vong cao hơn vì mpox.