Thế giới

WHO kêu gọi quyên góp 135 triệu USD ứng phó với đậu mùa khỉ

ClockThứ Bảy, 24/08/2024 15:19
Ngày 23/8, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi hành động chung toàn cầu để kiểm soát đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ (mpox) mới, đồng thời cho biết kế hoạch ứng phó sẽ cần ít nhất 135 triệu USD trong 6 tháng tới.

Thận trọng và chủ động ứng phó bệnh đậu mùa khỉNhững điều cần biết về bệnh đậu mùa khỉ hiện nayWHO tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu

Bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ ở Liberia. Ảnh: Getty Images/TTXVN 

Tổng Giám đốc Ghebreyesus khẳng định thế giới có thể kiểm soát và ngăn chặn đợt bùng phát dịch đậu mùa khỉ mới này. Tuy nhiên, để ứng phó hiệu quả đòi hỏi phải có hành động toàn diện và phối hợp của quốc tế.

Trong một diễn biến liên quan, WHO cho biết các đối tác của tổ chức như Liên minh vaccine (Gavi) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) có thể bắt đầu mua vaccine mpox trước khi vaccine này được WHO cấp phép. Điều này nhằm đẩy nhanh hơn việc đưa vaccine đến châu Phi trong bối cảnh lục địa này đang phải chống chọi với sự bùng phát của bệnh. 

Theo truyền thống, các tổ chức như Gavi, giúp các nước thu nhập thấp mua vaccine, chỉ có thể bắt đầu mua vaccine sau khi được WHO cấp phép sử dụng. Nhưng các quy tắc đã được nới lỏng trong trường hợp này để thúc đẩy các cuộc đàm phán. Đầu tháng này, WHO đã yêu cầu các nhà sản xuất vaccine gửi thông tin để có thể đẩy nhanh quá trình phê duyệt và cấp giấy phép khẩn cấp vào giữa tháng 9.

Hai loại vaccine do hãng dược Bavarian Nordic của Đan Mạch và KM Biologics của Nhật Bản sản xuất đã được các cơ quan quản lý dược phẩm trên toàn thế giới chấp thuận và đã được sử dụng rộng rãi để phòng ngừa đậu mùa khỉ kể từ năm 2022. Tại Mỹ, khoảng 1,2 triệu người đã tiêm vaccine của Bavarian Nordic. WHO dự kiến sẽ cấp giấy phép khẩn cấp cho các vaccine này vào tháng 9.

Trong tuần này, Bavarian Nordic cho biết họ cần đơn đặt hàng ngay lập tức từ các tổ chức như Gavi và WHO để sản xuất thêm trong năm nay, làm dấy lên lo ngại rằng các nước thu nhập thấp có thể bỏ lỡ hoặc một lần nữa buộc phải phụ thuộc vào nguồn tài trợ không chắc chắn từ các nước giàu, như đã xảy ra trong đại dịch COVID-19.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi cho biết một số lô vaccine phòng đậu mùa khỉ được tài trợ dự kiến sẽ đến châu lục này trong tuần tới. Cơ quan này ước tính châu Phi cần khoảng 10 triệu liều vaccine phòng bệnh này.

Đậu mùa khỉ là bệnh do virus lây lan qua tiếp xúc gần và thường biểu hiện nhẹ, nhưng có thể gây tử vong. Tuần trước, WHO đã tuyên bố là tình trạng khẩn cấp toàn cầu do đậu mùa khỉ sau khi một chủng mới của virus này gây tử vong cao hơn và dễ lây truyền hơn, là Clade 1b, lây lan ở CHDC Congo và nhiều nơi khác trên thế giới.

Mới nhất, ngày 23/8, Bộ Y tế Gabon cho biết nước này đã ghi nhận trường hợp mắc đậu mùa khỉ đầu tiên, song chưa xác định được bệnh nhân nhiễm biến thể nào của virus. Bệnh nhân là nam giới 30 tuổi, trở về từ Uganda và có biểu hiện sốt cùng các tổn thương trên da.

Cùng ngày,  Bộ Y tế Argentina thông báo đã phát hiện trường hợp đậu mùa khỉ đầu tiên tại nước này kể từ khi WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp.

Theo phóng viên TTXVN tại Buenos Aires, bệnh nhân nam, 22 tuổi, sống tại huyện San Isidro, tỉnh Buenos Aires, hiện đang tự cách ly tại nhà. Trước đó, người này không có tiền sử đi du lịch ra ngoài lãnh thổ Argentina.

Các cơ quan chức năng huyện San Isidro đã áp dụng quy trình do Bộ Y tế thiết lập và bệnh nhân được cách ly tại nhà. Các hoạt động giám sát dịch tễ học để phát hiện, chẩn đoán sớm, chăm sóc đầy đủ và thực hiện các biện pháp cách ly cũng như truy tìm dấu vết tiếp xúc của các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm đã được ưu tiên thực hiện.

Trước đó, ngày 20/8, Bộ Y tế Argentina đã kích hoạt tình trạng khẩn cấp sau khi phát hiện một thủy thủ trên tàu vận tải Ina-Lotte mang cờ Liberia đến từ Brazil có triệu chứng lâm sàng bệnh đậu mùa khỉ. Ngay lập tức, toàn bộ thủy thủ và nhân viên trên tàu Ina-Lotte được yêu cầu kiểm tra sức khỏe, làm các xét nghiệm giám sát dịch tễ học và không được rời khỏi tàu. Các biện pháp giám sát theo quy định quốc tế cũng đã được tăng cường tại các cửa khẩu cả trên đất liền, hải cảng và sân bay.

Theo baotintuc.vn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hội nghị Sức khỏe răng miệng toàn cầu lần đầu tiên được tổ chức

Từ ngày 26 - 29/11, các đoàn đại biểu từ hơn 110 quốc gia đang tập trung ở Thủ đô Bangkok, Thái Lan để đưa ra các lộ trình quốc gia và đàm phán một tuyên bố chung về sức khỏe răng miệng tại Hội nghị Sức khỏe răng miệng toàn cầu đầu tiên, do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức.

Hội nghị Sức khỏe răng miệng toàn cầu lần đầu tiên được tổ chức
Giới lãnh đạo doanh nghiệp APEC kêu gọi hành động để thúc đẩy tăng trưởng bền vững

Trước thềm cuộc đối thoại thường niên giữa các thành viên Hội đồng Tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC) với các nhà lãnh đạo APEC sẽ diễn ra ở Peru vào cuối tuần này, giới lãnh đạo doanh nghiệp từ khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương kêu gọi các nhà lãnh đạo APEC có hành động quyết đoán hơn để thúc đẩy tăng trưởng bền vững và toàn diện giữa những thách thức xuyên biên giới hiện nay.

Giới lãnh đạo doanh nghiệp APEC kêu gọi hành động để thúc đẩy tăng trưởng bền vững
COP29: WHO yêu cầu đưa vấn đề sức khỏe vào các cuộc đàm phán về khí hậu

Ngay trước thềm Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lên tiếng kêu gọi chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, đồng thời ủng hộ sự thích ứng và phục hồi lấy con người làm trung tâm.

COP29 

WHO yêu cầu đưa vấn đề sức khỏe vào các cuộc đàm phán về khí hậu
Return to top