Biển báo cấm hút thuốc lá được đặt trong một nhà hàng ở thủ đô Athens, Hy Lạp. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Con số này dự kiến sẽ tiếp tục giảm xuống còn 1,27 tỷ người vào năm 2025, theo báo cáo về xu hướng hút thuốc lá toàn cầu lần thứ 4 do WHO công bố.
Hiện nay, 60 quốc gia đang trên đường đạt được mục tiêu tự nguyện toàn cầu là giảm 30% số người sử dụng thuốc lá vào năm 2025. Điều này đánh dấu mức tăng so với 2 năm trước, khi chỉ có 32 quốc gia.
Tin vui
Đối với Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Ghebreyesus, những con số này là rất đáng khích lệ; song, người đứng đầu WHO cũng cho biết: “Chúng ta vẫn còn một chặng đường dài phía trước”.
Qua đó, báo cáo của WHO kêu gọi các quốc gia thành viên đẩy nhanh việc thực hiện những biện pháp được nêu trong Công ước khung của WHO về Kiểm soát thuốc lá (WHO FCTC).
Trong một nhận định liên quan, ông Ruediger Krech, Giám đốc Chương trình Nâng cao sức khỏe của WHO cho rằng: “Rõ ràng, việc kiểm soát thuốc lá là có hiệu quả, và chúng ta có nghĩa vụ đạo đức đối với người dân để tích cực hành động, nhằm đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG)”.
Những phát hiện chính
Năm 2020, 22,3% dân số toàn cầu đã sử dụng thuốc lá, trong đó có 36,7% nam giới và 7,8% nữ giới. Đáng chú ý, hiện có khoảng 38 triệu trẻ em trong độ tuổi từ 13 - 15 đang sử dụng thuốc lá, bao gồm 13 triệu trẻ em gái và 25 triệu trẻ em trai.
Tính theo trung bình, các quốc gia có thu nhập trung bình cao đang đạt được tiến độ chậm nhất; tuy nhiên, với chất lượng dữ liệu thấp hoặc không đủ tại 29 quốc gia, WHO cho rằng, cần theo dõi nhiều hơn để đưa ra đánh giá về các xu hướng.
Theo khu vực
Trong tất cả các khu vực của WHO, mức giảm mạnh nhất được ghi nhận ở châu Mỹ, nơi tỷ lệ người sử dụng thuốc lá trung bình giảm từ mức 21% trong năm 2010, xuống còn 16% vào năm ngoái.
Tại khu vực châu Phi, tỷ lệ này giảm từ mức 15% xuống còn 10%, và lục địa này đang tiếp tục ghi nhận những con số thấp nhất.
Ở khu vực châu Âu, 18% nữ giới vẫn sử dụng thuốc lá, nhiều hơn đáng kể so với bất kỳ khu vực nào khác của WHO, trong khi tất cả những khu vực khác đang tiến tới mức giảm ít nhất 30% tỷ lệ sử dụng thuốc lá của nữ giới vào năm 2025.
Mặc dù Đông Nam Á có tỷ lệ người sử dụng thuốc lá cao nhất, với khoảng 432 triệu người, tương đương 29% dân số của khu vực này, nhưng đây cũng là khu vực mà các con số đang giảm với tốc độ nhanh nhất.
Cuối cùng, Tây Thái Bình Dương được dự báo sẽ trở thành khu vực có tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao nhất ở nam giới, khi các chỉ số cho thấy, hơn 45% sẽ vẫn sử dụng thuốc lá trong năm 2025.
Theo WHO, thuốc lá cướp đi mạng sống của hơn 8 triệu người mỗi năm. Đáng chú ý, hơn 7 triệu người trong số đó tử vong do hút thuốc lá trực tiếp; trong khi khoảng 1,2 triệu người khác tử vong do hút thuốc lá thụ động.
Lê Thảo (Lược dịch từ UN News)