Người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong do COVID-19 cao hơn 40-50%. Ảnh minh họa: Ncdalliance/nhandan
Tính đến nay (1/6), hơn 171 triệu người đã nhiễm bệnh và hơn 3,5 triệu người đã tử vong vì COVID-19, thậm chí WHO gần đây cho rằng số người chết có khả năng cao hơn.
Trong khi cuộc khủng hoảng sức khoẻ toàn cầu này vẫn đang hoành hành khắp thế giới thì “đại dịch” hút thuốc lá tàn khốc không kém kéo dài hàng thập kỷ qua vẫn tiếp tục cướp đi sinh mạng và gây ra các vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng. Khoảng 25% tổng số ca tử vong do bệnh tim và 80% ca tử vong do ung thư phổi là do hút thuốc, và nhiều ca tử vong khác là do tiếp xúc với khói thuốc.
“Đại dịch” thuốc lá
Hút thuốc lá không chỉ là hình thức sử dụng thuốc lá phổ biến nhất mà còn là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây tử vong sớm vốn có thể ngăn ngừa được, giết chết hơn 8 triệu người mỗi năm, bao gồm cả người hút thuốc và người tiếp xúc với khói thuốc thụ động.
Bằng chứng từ Trung Quốc, Italy và các quốc gia khác cho thấy rằng những người hút thuốc có tỷ lệ diễn tiến bệnh nghiêm trọng và tử vong do COVID-19 cao hơn so với những người không hút thuốc. Ngoài ra còn có các chi phí chăm sóc sức khỏe đáng kể để điều trị các bệnh do sử dụng thuốc lá gây ra, cũng như các chi phí kinh tế gián tiếp do bệnh tật và tử vong do thuốc lá gây ra. Ước tính, trung bình, những người hút thuốc chết sớm hơn 10 năm so với những người không hút thuốc, dẫn đến việc tổn thất một nguồn nhân lực lớn ở các nước.
Những con số trên chỉ ra một thực tế đáng lo ngại rằng: mỗi năm, số người chết vì hút thuốc lá còn nhiều hơn cả vì COVID-19. Tệ hơn nữa, việc hút thuốc lá ước tính đã giết chết 100 triệu người trong thế kỷ 20, và dự báo tăng lên đến 1 tỷ người có thể chết vì hút thuốc trong thế kỷ này nếu thế giới không hành động.
Cần đối phó khẩn cấp với thảm họa thuốc lá
Trong bối cảnh đó, Công ước Khung về Kiểm soát Thuốc lá năm 2005 (FCTC), hiệp ước toàn cầu đầu tiên được đàm phán dưới sự bảo trợ của WHO đã được 182 quốc gia với hơn 90% dân số thế giới phê chuẩn, đưa ra một loạt các biện pháp hiệu quả nhằm giảm cung và cầu đối với thuốc lá.
Các biện pháp chính bao gồm tăng thuế đối với các sản phẩm thuốc lá để tăng giá bán, giảm tiêu dùng và rủi ro sức khỏe, đồng thời huy động thêm nguồn thu từ thuế nhằm nâng cao năng lực tài chính của các nước để tài trợ cho các chương trình mang lại lợi ích cho tất cả mọi người; các quy định bảo vệ người dân để không tiếp xúc với khói thuốc nơi công cộng; các lệnh cấm toàn diện đối với quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá…
Trong khi FCTC là một khuôn khổ vững chắc để kiểm soát thuốc lá, việc thực hiện đầy đủ một số điều khoản ở cấp quốc gia vẫn tiếp tục bị tụt hậu.
Cam kết bỏ thuốc lá
Trong một tuyên bố nhân Ngày Thế giới không Thuốc lá (31/5), Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết “người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong do COVID-19 cao hơn tới 50%, vì vậy bỏ thuốc là điều tốt nhất mà người hút thuốc có thể làm để giảm nguy cơ mắc COVID-19, cũng như nguy cơ bị ung thư, bệnh tim và các bệnh về hô hấp”. Từ đó, WHO kêu gọi tất cả các quốc gia tham gia chiến dịch “Cam kế bỏ thuốc lá” mà tổ chức này phát động và tạo ra môi trường không thuốc lá.
Đại dịch COVID-19 đã phơi bày tác động nghiêm trọng của các rủi ro về sức khỏe cộng đồng, xã hội và môi trường. Đại dịch là minh chứng rõ ràng cái giá đắt đỏ mà xã hội phải trả cho việc không hành động để đối phó với những thách thức toàn cầu, cả cũ và mới. Sử dụng thuốc lá là một đại dịch đã kéo dài hàng thập kỷ cần phải được dập tắt trên toàn thế giới để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và sự phát triển .
Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), việc ngăn chặn hút thuốc và sử dụng thuốc lá điện tử ở giới trẻ để thế hệ sau không còn thuốc lá không chỉ là việc làm đúng đắn mà quan trọng hơn, nó đại diện cho một nỗ lực toàn cầu được phối hợp để đối phó với những mối đe doạ có thể làm suy yếu các xã hội, hướng tới sự phát triển hiệu quả, bao trùm và bình đẳng hơn.
TỐ QUYÊN (Tổng hợp và lược dịch từ World Bank & UN)