Thế giới

Xung đột Hamas - Israel: LHQ nhấn mạnh giải pháp hai nhà nước

ClockThứ Năm, 30/11/2023 06:37
Ngày 29/11, Liên hợp quốc (LHQ) kêu gọi cộng đồng quốc tế tiến tới giải pháp hai nhà nước để giải quyết xung đột Palestine - Israel, tái khẳng định Jerusalem nên là thủ đô của cả hai nhà nước.
 Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres. Ảnh: THX/TTXVN

Đọc bài phát biểu do Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres soạn, Phó Tổng thư ký Tatiana Valovaya nêu rõ nghị quyết LHQ và luật pháp quốc tế đã quy định từ lâu về giải pháp hai nhà nước nhưng đến nay vẫn chưa có con đường nào tiến tới thực hiện giải pháp này một cách kiên định và không thể đảo ngược. Giải pháp này đồng nghĩa rằng hai Nhà nước Israel và Palestine ở cạnh nhau, trong môi trường hòa bình và an ninh, với Jerusalem là thủ đô của cả hai.

Phát biểu trên được đưa ra trong sự kiện được tổ chức tại Geneva, Thụy Sĩ, nhân Ngày quốc tế đoàn kết với nhân dân Palestine được tổ chức hằng năm. Cũng tại sự kiện này, Đại sứ Palestine tại LHQ, Ibrahim Khraishi, cho rằng cuộc xung đột hiện nay giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas là lời kêu gọi thiết thực rằng cộng đồng quốc tế cần ủng hộ giải pháp hai nhà nước một cách mạnh mẽ hơn, nhấn mạnh điều này tốt cả cho Israel.

Cùng ngày, Indonesia đã kêu gọi LHQ bỏ phiếu về việc cấp tư cách thành viên đầy đủ cho Palestine (hiện vẫn là quan sát viên phi thành viên), gọi đây là yếu tố then chốt. Phóng viên TTXVN tại Jakarta dẫn nội dung bài phát biểu trước Đại hội đồng LHQ của Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho rằng tư cách thành viên đầy đủ sẽ giúp Palestine có vị thế ngang bằng với Israel - một thành viên LHQ.

Quy chế quan sát viên phi thành viên cho phép Palestine phát biểu tại các cuộc họp của Đại hội đồng LHQ, song không được bỏ phiếu về các nghị quyết. Tư cách thành viên đầy đủ cần nhận được sự chấp thuận của HĐBA LHQ. Palestine sẽ cần 9 phiếu thuận trong số 15 thành viên của hội đồng này, với điều kiện không có phiếu chống nào từ các ủy viên thường trực. Trong trường hợp Palestine nhận được sự chấp thuận của HĐBA, ĐHĐ LHQ sẽ tổ chức bỏ phiếu. Palestine cần nhận được 2/3 phiếu ủng hộ để được công nhận là thành viên đầy đủ của LHQ.

Trong diễn biến liên quan, ngày 29/11, HĐBA LHQ tổ chức cuộc họp về xung đột Hamas - Israel tại New York, với nội dung thảo luận trọng tâm là việc gia hạn lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza. Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian thông báo nước này không thể tham dự cuộc họp do phái đoàn Iran được phía Mỹ cấp thị thực quá sát giờ, trước cuộc họp chưa đầy 1 ngày. Ngoại trưởng Hossein Amir-Abdollahian cho biết dù không thể tham dự nhưng Iran sẽ ủng hộ mọi nỗ lực nhằm gia hạn lệnh ngừng bắn nhân đạo ở Dải Gaza. Về nguyên tắc, Mỹ được yêu cầu cho phép các nhà ngoại giao quốc tế đến trụ sở LHQ ở New York. Iran và Mỹ không có quan hệ ngoại giao chính thức từ năm 198.

Việc gia hạn lệnh ngừng bắn trên Dải Gaza cũng là nội dung làm việc trọng tâm trong chuyến thăm Israel sắp tới của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ngày 29/11, phát biểu sau khi tham dự cuộc họp của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Brussels (Bỉ), ông Blinken cho biết trong vài ngày tới, Mỹ sẽ tìm cách kéo dài lệnh ngừng bắn để có thêm con tin được trả tự do và thêm hỗ trợ nhân đạo cho Dải Gaza. Ngoại trưởng Mỹ tin rằng Israel cũng có lợi khi lệnh ngừng bắn được gia hạn. Chuyến thăm sắp tới đến Israel đánh dấu lần thứ 3 nhà ngoại giao Mỹ tới Trung Đông kể từ khi xung đột Hamas - Israel bùng phát. Dự kiến, ông Blinken sẽ gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Tel Aviv và Tổng thống Palestine Mahmud Abbas ở Ramallah.

Lệnh ngừng bắn nhân đạo hiện nay ở Gaza sẽ kết thúc trong ngày 30/11, sau 6 ngày thực thi. Hamas cho biết sẵn sàng kéo dài lệnh ngừng bắn thêm 4 ngày và trả tự do cho các con tin bị lực lượng này bắt cóc từ Israel. Trong 6 ngày qua, Hamas đã trao trả 60 con tin cho Israel trong khi 180 tù nhân người Palestine được Israel trả tự do. Trong ngày 29/11 sẽ có thêm một đợt trao đổi được thực hiện theo thỏa thuận ngừng bắn.

 

Theo TTXVN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Châu Á đối mặt nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu do xung đột ở Trung Đông

Căng thẳng gia tăng giữa Israel và Iran đang đe dọa làm gián đoạn nguồn cung dầu được vận chuyển qua Eo biển Hormuz - một tuyến đường năng lượng quan trọng đối với châu Á. Khu vực này cũng đang đứng trước mối lo ngại ngày càng tăng rằng, một cuộc xung đột rộng hơn ở Trung Đông có thể làm tắc nghẽn nguồn cung và gây bất ổn thị trường dầu mỏ.

Châu Á đối mặt nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu do xung đột ở Trung Đông
Điểm lại các kế hoạch hoà bình cho xung đột Nga – Ukraine

Khi phiên họp thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc (UNGA) sắp kết thúc vào tuần trước, Trung Quốc và Brazil đã tổ chức một cuộc họp bên lề với sự tham dự của 17 thành viên. Mục đích của cuộc họp kín ngày 27/9 là tập hợp sự ủng hộ cho kế hoạch hòa bình về xung đột Ukraine.

Điểm lại các kế hoạch hoà bình cho xung đột Nga – Ukraine
Return to top