|
Phong trào rất phát triển, song bóng bàn thành tích cao của Huế đang là một khoảng lặng |
Mạnh ở phong trào
Giải bóng bàn Super League Huế 2023 khởi tranh vào cuối tháng 8 và kết thúc đầu tháng 12/2023, với sự quy tụ 18 CLB trong tỉnh và có hơn 100 VĐV tham gia. Kết thúc với giải Nhất thuộc về là CLB Thịnh Das, giải Nhì thuộc CLB Xịn Bóng bàn; đồng hạng Ba là 2 CLB Phường Đúc và CLB Dũng Phát 100.
Super League Huế là giải đấu dành cho các CLB bóng bàn trên địa bàn tỉnh, được tổ chức bởi Diễn đàn bóng bàn Việt Nam (bongban.org). Giải đấu với thể thức thi đấu khá hấp dẫn và điều lệ giải được Ban Tổ chức nghiên cứu kỹ nên có nhiều trận đấu gay cấn, kịch tính, cống hiến cho khán giả những pha bóng đẹp mắt. Đặc biệt, giải đấu được tổ chức theo hình thức xã hội hóa với sự ủng hộ của các mạnh thường quân, các doanh nghiệp. Đây là một hình thức tổ chức các hoạt động thể thao đang được khuyến khích và nhân rộng.
Gần như cùng lúc với Giải bóng bàn Super League Huế 2023 là Giải Cầu lông và Bóng bàn các nhóm tuổi toàn tỉnh Thừa Thiên Huế do Sở Văn hóa Thể thao tổ chức, quy tụ nhiều VĐV đến từ các CLB trên toàn tỉnh, với nhiều nội dung thi đấu, nhiều nhóm tuổi (từ 7 tuổi cho đến trên 50 tuổi). Trên bục nhận huy chương vẫn là những gương mặt quen thuộc khi giải Nhất đồng đội nam là CLB Xịn Bóng bàn, giải Nhì là CLB Bảo hiểm xã hội tỉnh, giải Ba thuộc CLB Hương Thủy. Ở giải đồng đội nữ, CLB Bình Minh (Nhất), CLB Xịn Bóng bàn (Nhì), CLB Phường Đúc (Ba)
Ngoài 2 giải đấu thuộc dạng có “số má” này, hằng năm, Thừa Thiên Huế còn có chừng 10 giải đấu lớn, nhỏ thu hút hơn cả ngàn VĐV tham gia tranh tài. Bóng bàn đã trở thành môn thể thao phổ thông với phong trào tập luyện rộng khắp tỉnh. Ngay tại các huyện, thị cũng đã hình thành các CLB, sân tập và thanh, thiếu niên dần lựa chọn môn thể thao này để chơi thường xuyên. Chi phí đầu tư cho môn bóng bàn rẻ nên dễ hình thành các CLB, nhóm tập và phát triển phong trào ở các địa phương. Nhiều gia đình còn sắm bàn để tập luyện.
Vắng bóng ở giải đỉnh cao
Điều đáng nói là, trong khi được đánh giá mạnh ở phong trào thì ở bóng bàn chuyên nghiệp đỉnh cao nhiều năm qua vắng bóng các VĐV bóng bàn đến từ Cố đô. Trả lời cho câu hỏi này của chúng tôi, ông Võ Minh Chánh, Chủ nhiệm CLB Bóng bàn Thanh Thiếu nhi Huế cho biết, vừa qua Thừa Thiên Huế có lập đội tuyển tham gia Giải vô địch bóng bàn trẻ, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc năm 2023 tại Quảng Nam nhưng không có giải.
Cũng không quá thất vọng khi vô địch bóng bàn trẻ, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc năm 2023 là giải đấu được xem là đợt tổng kiểm tra trình độ chuyên môn của các VĐV bóng bàn trẻ trên toàn quốc nhằm phát hiện, tuyển chọn những VĐV xuất sắc để bồi dưỡng, đào tạo, bổ sung vào các đội tuyển bóng bàn quốc gia trong thời gian tới. Điểm lại các gương mặt bóng bàn tiêu biểu chỉ thấy lác đác có Võ Minh Chánh và Hoàng Văn Thành Trung là lứa VĐV đội tuyển tỉnh cũ còn duy trì. Lớp trẻ bây giờ chỉ có Hoàng Văn Vương Phúc (học sinh lớp 10) và Võ Hoàng Quang (học sinh lớp 7) là nổi trội.
Thật bất ngờ khi được biết, trong quá khứ, Thừa Thiên Huế cũng có đội tuyển năng khiếu vào năm 1986 và từng rất thành công. Song, vì nhiều lý do, bộ môn bóng bàn phải giải tán đội tuyển năng khiếu vào năm 2004. Do hiện nay Sở Văn hóa và Thể thao không thành lập đội tuyển bóng bàn năng khiếu tỉnh nên việc phát hiện và đào tạo nhân tài trẻ cũng rất khó khăn, đa số các bạn nhỏ được bố mẹ yêu thích môn bóng bàn gửi đến các CLB để tập luyện.
Tương lai cũng khó xác định khi bóng bàn không chỉ không thấy xuất hiện trong 3 nhóm thể thao trọng điểm, mà ngay cả ở các môn thể thao xã hội hóa cũng không được nhắc tới trong Đề án phát triển thể thao thành tích cao tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Cần sự tự tin
Bóng bàn là môn thể thao nằm trong hệ thống thể thao Olympic. Nhìn lại 2 kỳ Đại hội Thể dục Thể thao Thừa Thiên Huế năm 2018 và 2022, có thể thấy so với trước, phong trào bóng bàn Huế đã có sự phát triển vượt bậc cả về chất lẫn lượng. Điều này cộng thêm cơ sở vật chất của môn thể thao này đang được đầu tư mạnh ở khắp các huyện, thị, cơ hội để đưa bóng bàn “vươn mình” ra khỏi khuôn khổ phong trào là rất lớn.
Phải hàng chục năm tập trung đầu tư, bóng bàn ở Thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hay tỉnh Hải Dương… mới có phong trào bóng bàn mạnh như hiện nay. Nhìn sang nhiều tỉnh, thành khác, việc các đội tuyển “sinh sau, đẻ muộn” tranh chấp huy chương tốt không phải không có, nhưng quan trọng vẫn là chiến lược xây dựng và đầu tư hợp lý. Trước mắt, ngành thể thao Thừa Thiên Huế cần đưa vào chính sách đào tạo huấn luyện viên, VĐV năng khiếu, sau đó từng bước hình thành các tuyến VĐV để phát triển thể thao thành tích cao.
Thực tế cho thấy, qua các giải phong trào và giải do Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức cũng phát hiện nhiều nhân tố mới. Thế nhưng, không tổ chức được lớp đội tuyển thì khó để duy trì và phát triển nhân tố trẻ. Cũng dễ dàng nhận thấy, khi bóng bàn có đội tuyển năng khiếu, thi đấu thành công ở các đấu trường lớn chắc chắn sẽ tác động ngược trở lại để thể thao phong trào phát triển.