Thể thao

Đua bơi - một góc nhìn khác

ClockChủ Nhật, 27/03/2022 05:24
TTH - Có câu “Không có đánh nhau không phải đua ghe”. Và liệu, đây có phải là “một phần tất yếu” của môn thể thao sông nước…?

Vui nhộn với đua ghe câu ở “Chợ quê ngày hội”Đội mưa rét cổ vũ đua ghe trên sông Hương

Một pha so kè quyết liệt tại giải đua ghe truyền thống TP. Huế lần I -  năm 2022

1 - Sau thời gian dài gián đoạn với nhiều lý do, ngày 19/3, UBND TP. Huế tổ chức giải đua ghe truyền thống lần I - năm 2022 trên sông Đông Ba và sông Hương, quy tụ gần 500 VĐV nam, nữ đến từ 12 phường, xã tham gia tranh tài, trong đó, có những phường, xã vừa mới sáp nhập vào TP. Huế, như: Thủy Bằng, Hương Vinh, Hương Phong, Phú Dương, Phú Mậu, Phú Thượng, Thuận An và Hải Dương.

Đánh giá tổng quan, giải đua diễn ra thành công cùng sự lan tỏa mạnh mẽ khi thu hút hàng chục ngàn lượt người theo dõi ở 2 bên bờ sông và hơn 500 ngàn người xem online thông qua hình thức live stream trên các nền tảng mạng xã hội.

Dù chỉ là một giải thể thao phong trào quy mô cấp thành phố, nhưng bên cạnh những tay máy chuyên và không chuyên của Huế, đã có không ít nhiếp ảnh gia từ 2 đầu đất nước đến cổ vũ và ghi lại những khoảnh khắc sôi động, gay cấn, kịch tính trên “đường đua xanh”. Và đây là một trong những thành công nổi bật nhất của giải.

Đáng tiếc, trong quá trình đua bơi, các bạn bơi nam của đơn vị Thuận An đã xảy ra ẩu đả với bạn bơi Hải Dương khiến cả người lẫn ghe Hải Dương chìm xuống sông. Quan sát hình ảnh từ clip ghi lại vụ ẩu đả, lỗi đầu tiên thuộc về Hải Dương. Trong quá trình vòng vè, mũi của ghe Hải Dương đã níu lái ghe Thuận An (sai luật thi đấu), buộc người cầm lái nhá chằm dọa, mục đích để Hải Dương thả tay. Nhưng không dừng ở mức nhá chằm mà tiếp đó, bạn bơi bên phía Thuận An đã vung chằm đánh bạn bơi Hải Dương. Điều này khiến ghe Thuận An từ “bị hại” thành có lỗi.

Cũng do hành vi bạo lực trên, khi thông tin ghe Thuận An được trao giải phong cách đã dấy lên nhiều bức xúc trong dư luận và trên các trang mạng xã hội.

“Sau sự cố không mong muốn này, chúng tôi đã nhanh chóng khắc phục bằng cách thu hồi giải phong cách của đội Thuận An, đồng thời nghiêm túc họp rút kinh nghiệm và có những hình thức kỷ luật nhất định với tổ trọng tài do đã không kịp thời thông tin với BTC giải về hành vi phi thể thao trên”, ông Trương Đình Hạnh – Phó Chủ tịch UBND TP. Huế - Trưởng BTC giải chia sẻ.

2 - Thực tế, việc xô xát ở giải đua ghe này không phải cá biệt, mà đây là chuyện thường xuyên xảy ra ở các giải đua ghe, đua trải hàng năm. Cũng từ đó, nhiều người nửa đùa nửa thật: “Không có đánh nhau không phải đua ghe”.

Khách quan nhìn nhận, câu nói này không phải cổ xúy cho hành động xấu xí, bạo lực, phi thể thao, mà để chỉ ra thực trạng cùng tính chất cạnh tranh gay cấn, kịch tính và khốc liệt giữa các bạn bơi trên “đường đua xanh”, dù rằng các giải đua bơi chỉ ở cấp độ phong trào và giá trị giải thưởng thường mang tính tượng trưng.

Ở các môn thể thao đỉnh cao, ngoài chuyên môn, các VĐV còn được rèn giũa, uốn nắn phong cách, đạo đức thi đấu, ứng xử và có sự quản lý cả trong lẫn ngoài sân tập. Dẫu vậy, các hành vi phi thể thao khiến đối phương gãy chân, tay, phải sống thực vật hay thậm chí tử vong là chuyện không phải chưa từng xảy ra.

Trong khi đó, thể thao phong trào, cụ thể ở đây là đua bơi, các bạn bơi thường ngày lo mưu sinh, nên mỗi năm, nhiều lắm chỉ tham gia các giải đua bơi 2 lần, còn thường là 1 lần/năm và thời gian tập trung tập luyện chuẩn bị cho thi đấu chỉ khoảng 1 tuần. Một yếu tố nữa, các bạn bơi đều là dân sông nước. Mà đã dân sông nước, hầu hết “ăn sóng nói gió”, hào sảng, bộc trực nhưng nóng nảy, không ngại va chạm và hành động có phần ngẫu hứng.

Trong đua bơi, tuy giá trị giải thưởng không nhiều, nhưng với các bạn bơi, việc đạt giải lại là niềm vinh dự không chỉ với cá nhân mà còn với cả xóm làng, họ mạc, bởi nó gắn liền với yếu tố tâm linh. Cũng chính điều này đã khiến tính chất cạnh tranh càng được đẩy lên cao, không chỉ qua từng nhịp chèo mà còn từ những tiếng reo hò, cổ vũ “gà nhà” của khán giả trên bờ.

Ngoài ra, ở một số giải, không phải đơn vị cũng đủ lực lượng là người địa phương. Có đơn vị thiếu VĐV phải đi thuê người nên tâm lý một số bạn bơi được thuê cho rằng, nếu xảy ra sự cố gì, “cùng lắm” giải sau đầu quân đội khác, hoặc kể cả không được thi đấu thì cũng chẳng ảnh hưởng nhiều (vì chẳng có sự ràng buộc nào), nên trong quá trình tranh đua, họ hành động theo bản năng mà không có sự kiềm chế nhất định.

Kết hợp những yếu tố trên, phần nào có thể lý giải tình trạng thường xuyên xảy ra xô xát, đánh nhau tại các giải đua bơi, dù rằng, trước và trong khi thi đấu, BTC giải liên tục yêu cầu các bạn bơi phải biết kiềm chế, không để xảy ra hành vi bạo lực, làm mất hình ảnh đẹp của giải.

Nói câu chuyện này không phải để cổ xúy cho hành vi phi thể thao tại các giải đua bơi. Mà ở góc độ khán giả, cũng cần có cái nhìn nhẹ nhàng, cảm thông hơn với BTC giải khi xảy ra ẩu đả. Còn về phía BTC, cụ thể ở đây là BTC giải đua ghe TP. Huế, sau sự cố vừa rồi, cần tính đến phương án phối hợp với Sở Văn hóa & Thể thao - đơn vị kinh nghiệm trong tổ chức các giải đua bơi nhiều năm qua - cho những giải tiếp theo; đồng thời, thắt chặt lại công tác trọng tài, an ninh trật tự; bổ sung điều lệ với những ràng buộc cụ thể; tăng nặng mức độ xử lý, như: treo ghe cảnh cáo, cấm thi đấu vĩnh viễn… nếu đội nào để xảy ra ẩu đả khi đua bơi.

Bài: HÀN ĐĂNG - Ảnh: ĐĂNG TUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

230 tay vợt dự giải bóng bàn các câu lạc bộ thị xã Hương Thủy mở rộng

Trong 2 ngày (14-15/12), Trung tâm Văn hoá Thông tin & Thể thao thị xã Hương Thủy phối hợp với Cảng hàng không quốc tế Phú Bài tổ chức giải bóng bàn các câu lạc bộ (CLB) Hương Thủy mở rộng năm 2024. Giải thu hút 230 tay vợt của 32 CLB trên địa bàn thị xã, toàn tỉnh và các CLB đến từ Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Hưng Yên, tham gia tranh tài.

230 tay vợt dự giải bóng bàn các câu lạc bộ thị xã Hương Thủy mở rộng
Thể thao thành tích cao cần thêm điều kiện để đột phá

Ngày 15/10, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục, thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nhấn mạnh mục tiêu thể thao Việt Nam đạt vị trí tốp ba Đông Nam Á, tốp 20 châu Á, có huy chương tại Olympic và Paralympic. Theo các chuyên gia, hầu hết các mục tiêu đề ra phù hợp với thực lực của thể thao nước ta, nhưng cần sớm có điều chỉnh, tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, nhất là về kinh phí trong việc huy động nguồn lực đầu tư.

Thể thao thành tích cao cần thêm điều kiện để đột phá
Bắn cung & chu kỳ “thịnh - suy”

Giai đoạn 2018 - 2023, bắn cung Huế được xem là “hiện tượng” khi nhiều lần đăng quang ở các giải đấu danh giá cấp quốc gia, khu vực và châu lục. Nhưng hiện tại, bắn cung Huế đang đối diện nguy cơ thoái trào.

Bắn cung  chu kỳ “thịnh - suy”
Return to top