Thể thao

Karatedo tìm lại hào quang

ClockChủ Nhật, 05/05/2024 06:37
TTH - Một lần nữa, Karatedo Thừa Thiên Huế lại lên ngôi khi có sự trở lại dẫn đầu ngoạn mục ở Giải Vô địch Karatedo miền Trung - Tây Nguyên lần thứ X năm 2024. Cũng vào cuối tháng 4 này, 2 VĐV Lê Văn Tình và Lê Minh Thuận góp mặt trong thành phần đội tuyển quốc gia thi đấu ở Giải Vô địch Đông Nam Á ở Thái Lan.

Võ sư, môn sinh Karatedo bái Tổ đầu nămKhởi đầu vui từ KaratedoHuế giành HCV ngay ngày đầu thi đấu

Karatedo Huế giữ vị thế “ông trùm” ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên

Xứng đáng ngôi đầu khu vực

Không quá bất ngờ khi cái tên dẫn đầu lại là Karatedo Thừa Thiên Huế. Tại Giải Vô địch Karatedo miền Trung - Tây Nguyên lần thứ X năm 2024 vừa mới kết thúc trong tháng Ba, tuyển Karatedo Thừa Thiên Huế có được 11 HCV, 6 HCB, 14 HCĐ. Đây là giải đấu quy tụ sự tham gia của 350 VĐV đến từ 17 đoàn của các tỉnh, thành phố trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên, tranh tài ở 74 nội dung của các nhóm tuổi.

11 tấm HCV của Karatedo Thừa Thiên Huế đáng được xướng tên là Trần Lê Minh Quân (Kata cá nhân nam, lứa tuổi 10 - 11), Nguyễn Minh Nhật (Kata cá nhân nam, lứa tuổi 12 - 14), Trương Hữu Nhật Minh (Kata cá nhân nam, lứa tuổi 15-17), Nguyễn Thị Thùy Trang (Kata cá nhân nữ, lứa tuổi 15 - 17), Trương Hữu Nhật Minh - Nguyễn Hoàng Nam - Nguyễn Thành Luân - Lê Nguyễn Thái Huy (Kata đồng đội nam, lứa tuổi 15 - 17), Nguyễn Hồng Đức (Kumite cá nhân nam, lứa tuổi 15 - 17), Phạm Đình Sơn - Lê Nguyễn Thái Hưng - Trần Đức Thái - Hồ Đình Thuận (Kata đồng đội nam, trên 18 tuổi), Trần Viết Duy Quân (hạng trên 74kg, trên 18 tuổi), Hồ Đình Thuận (hạng 82kg, trên 18 tuổi), Lê Minh Thuận (hạng trên 82kg, trên 18 tuổi), Hồ Thị Hoài Tành (hạng 47kg, trên 18 tuổi).

Ngay từ khi giải đấu lần đầu tiên được tổ chức tại Thừa Thiên Huế vào năm 2016 và sau đó được luân phiên tổ chức hằng năm tại các tỉnh, thành khác nhau trong khu vực, dù với vai trò là khách hay chủ nhà thì các đại diện Karatedo Thừa Thiên Huế vẫn khẳng định được phong độ vững chãi khi gần như độc tôn ở vị trí dẫn đầu. Thành tích này cũng là cơ sở để Karatedo Thừa Thiên Huế tiếp tục phấn đấu ở những giải đấu đẳng cấp hơn trong thời gian tới.

Hy vọng và chờ đợi

Cũng không phải ngẫu nhiên mà Karatedo Thừa Thiên Huế lại có vị thế “ông trùm” ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên khi biết rằng vùng đất này là cái nôi tại Việt Nam của môn võ đến từ xứ sở mặt trời mọc. Karatedo Huế từng có nhiều gương mặt tiêu biểu góp mặt ở đội tuyển quốc gia và mang về những tấm huy chương đầy vinh dự cho Tổ quốc. Có thể kể đến như Nguyễn Thị Thảo Quyên và sau đó là Lê Văn Lộc, Hà Kiều Trang, Bùi Tiến Thành và mới đây là Lê Minh Thuận.

Lê Minh Thuận đến từ Lộc Điền (Phú Lộc) chính là võ sĩ đã giải tỏa cơn khát sau 14 năm, kể từ khi võ sĩ Hà Kiều Trang đoạt “vàng” tại SEA Games 2003. Lúc đó anh là thành viên của tuyển đồng đội nam Quốc gia đoạt HCV tại SEA Games 29 năm 2018. Tuy không tái lập được thành tích đó trong những năm qua, nhưng Lê Minh Thuận cho thấy mình xứng đáng là niềm hy vọng của Karatedo Cố đô. Cùng với Lê Văn Tình, Lê Minh Thuận góp mặt trong thành phần đội tuyển quốc gia thi đấu ở Giải Vô địch Đông Nam Á tại Thái Lan, từ ngày 24 đến 27/4 tới. So với những VĐV còn lại, điểm khác biệt của Lê Minh Thuận là chiều cao hiếm có và rất biết cách tận dụng lợi thế này. Thuận còn có một ý chí sắt đá, lòng đam mê khó tả và khát khao cống hiến tuyệt vời. Đó là nhận xét của võ sư Lê Văn Lộc dành cho cậu trò cưng của mình.

Cùng với Lê Văn Tình và Lê Minh Thuận, Karatedo Thừa Thiên Huế hiện còn có những niềm hy vọng lớn như Hồ Thị Hoài Tành, Hồ Đình Thuận và Trần Viết Duy Quân. Cô gái Karate Hồ Thị Hoài Tành đến từ vùng cao A Lưới là đương kim vô địch Giải Karatedo Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ IX – 2022. Hay như Hồ Đình Thuận, HCV Đại hội TDTT toàn quốc 2018, HCB tại Giải Vô địch Đông Nam Á 2019 và HCV Cúp Quốc gia năm 2020, HCĐ Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ IX – 2022. Tất nhiên, sẽ là thiếu sót nếu bỏ sót Trần Viết Duy Quân, HCB Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ IX – 2022.

Cần sự đầu tư đặc biệt cho Karatedo

Trong câu chuyện với chúng tôi, đã nhiều lần HLV Lê Văn Lộc, người phụ trách bộ môn Karatedo của tỉnh bày tỏ sự băn khoăn về chế độ, chính sách dành cho các VĐV thể thao nói chung và Karatedo nói riêng đang rất thấp. Đã thấp mà lại còn chậm. Ví như trong thời điểm hiện tại, đã bước sang tháng 4 rồi mà kinh phí dành cho các VĐV đi thi đấu vẫn chưa được cấp. Cũng theo ông Lộc, ngoài tham gia thi đấu cũng cần có những hoạt động thi đấu mang tính giao lưu, cọ sát và học hỏi kinh nghiệm, đặc biệt là với các đơn vị mạnh trước các giải đấu. Muốn vậy, phải tạo điều kiện hỗ trợ thêm ít nhất là tiền tàu xe và tiền ngủ cho các đội tuyển. Cần có sự quan tâm đãi ngộ thỏa đáng hơn từ phía Nhà nước và chính quyền địa phương dành cho các VĐV.

Cùng với vật, điền kinh, cờ vua, taekwondo và bơi - lặn, karatedo được xác định là bộ môn thể thao trọng điểm nhóm 1 cần tập trung đầu tư trong giai đoạn trước mắt của tỉnh Thừa Thiên Huế. Thực tế thời gian gần đây, tuy chưa có những thành tích mang tính đột phá, nhưng Karatedo Thừa Thiên Huế đã có một đội ngũ HLV có bề dày kinh nghiệm và một lực lượng VĐV có chiều sâu, mang tính kế thừa và rất giàu tiềm năng. So với nhiều môn thể thao khác, kể cả các môn thể thao ở nhóm 1, Karatedo vẫn nổi trội khi Thừa Thiên Huế được xem là cái nôi của môn thể thao này. Bởi vậy, cần có sự quan tâm đặc biệt và chính sách đầu tư mạnh mẽ mang tính chiến lược để phát huy thế mạnh, bề dày truyền thống của karatedo như một số bộ môn khác. Thiết nghĩ, đó mới là cách đầu tư thể thao đúng hướng và hiệu quả nhất.

Bá Trí
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thể thao thành tích cao cần thêm điều kiện để đột phá

Ngày 15/10, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục, thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nhấn mạnh mục tiêu thể thao Việt Nam đạt vị trí tốp ba Đông Nam Á, tốp 20 châu Á, có huy chương tại Olympic và Paralympic. Theo các chuyên gia, hầu hết các mục tiêu đề ra phù hợp với thực lực của thể thao nước ta, nhưng cần sớm có điều chỉnh, tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, nhất là về kinh phí trong việc huy động nguồn lực đầu tư.

Thể thao thành tích cao cần thêm điều kiện để đột phá
Chuyển đổi để nâng tầm

Thực hiện Quyết định số 2117 ngày 6/8/2024 của UBND tỉnh, Trường trung cấp Thể dục Thể thao được chuyển đổi thành Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh. Mô hình hoạt động mới này nhằm đưa thể thao thành tích cao, các môn thế mạnh của Thừa Thiên Huế phát triển đúng hướng, vươn lên tầm vóc mới.

Chuyển đổi để nâng tầm
Return to top