Bóng đá bãi biển luôn thu hút giới trẻ tham gia
Không thể thiếu bóng đá
Mặc dù vừa qua có thêm nhiều xã, phường sáp nhập vào, nhưng con số 27 đội bóng tham gia giải bóng đá trong khuôn khổ Đại hội TDTT TP. Huế lần thứ IX - năm 2022 vẫn khiến nhiều người bất ngờ. Đây là giải đấu có nhiều đội, nhiều cầu thủ tham gia nhất và có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Các đội bóng chia thành 9 bảng đấu loại, chọn 9 đội nhất bảng và 7 đội nhì bảng có thành tích tốt nhất vào vòng 1/8 thi đấu loại trực tiếp đến trận chung kết. Các trận đấu diễn ra trên sân vận động Tự Do, sân bóng đá phường Phú Thượng, phường Hương Sơ và sân 168 Nguyễn Trãi.
Bóng đá là 1 trong số 16 môn thi đấu tại Đại hội TDTT tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ IX - năm 2022. Cùng với thành phố Huế, bóng đá cũng là môn thi đấu tại Đại hội TDTT các huyện, thị như: Quảng Điền, Hương Thủy… Môn bóng đá nam 11 người trong chương trình thi đấu Đại hội TDTT huyện Quảng Điền lần thứ VII, diễn ra vào đầu tháng 7/2022 cũng có đến 11 đội bóng đến từ các xã, thị trấn. Ông Lê Ngọc Tư, Trưởng phòng Quản lý Thể dục Thể thao, Sở Văn hóa và Thể thao cho biết, có đến 70% phường, xã đưa bóng đá vào môn thi đấu trong đại hội thể dục thể thao. Cũng theo ông Tư, thiếu bóng đá Đại hội TDTT kém vui, mất đi tính hấp dẫn và sự ganh đua cần có trong thi đấu thể thao.
Vô tư nên hấp dẫn
Đã 4 năm rồi, nhưng nhiều người yêu thích vẫn nhớ về trận chung kết môn bóng đá nam trong chương trình đại hội TDTT tỉnh lần thứ VIII - năm 2018, trên sân vận động Tự Do giữa 2 đội tuyển Phong Điền - Hương Trà. Trận đấu diễn ra hấp dẫn và kịch tính. Hương Trà sớm có bàn mở tỷ số và gần cuối hiệp 1 có thêm bàn thắng thứ 2. Song ở hiệp 2, đội tuyển Phong Điền dâng cao đội hình và họ đã có bàn thắng rút ngắn tỉ số còn 1 -2. Hương Trà đã giành cúp vô địch.
Khó có thể tuyển chọn được cầu thủ giỏi như Hồ Thanh Minh (áo trắng) ở các giải đấu phong trào
Đại hội TDTT tỉnh và cơ sở tổ chức có nhiều môn thể thao hiện đại và dân tộc, nhưng bóng đá vẫn được chọn lựa hàng đầu bởi là môn thể thao được nhiều người yêu thích. Chính sự vô tư và tinh thần thi đấu nhiệt tình, không quá tính toán ăn thua đã tạo nên sự hấp dẫn của các giải đấu bóng đá phong trào, trong đó có giải bóng đá trong khuôn khổ Đại hội TDTT từ cấp cơ sở đến Trung ương.
Mới đây, được dự khán một số trận bóng ở Giải bóng đá Đại hội TDTT thị xã Hương Thủy lần IX, chúng tôi có dịp tiếp xúc với một số cầu thủ. Họ là nông dân, là công nhân, làm nghề tự do và cả học sinh, sinh viên nữa… được mời là tham gia đội bóng ngay. Không có nhiều thời gian để tập luyện, thầy giỏi để nâng cao trình độ, vừa đá bóng phải vừa lo chuyện mưu sinh, nhưng họ vẫn tập luyện chăm chỉ và được vào sân là… “cháy” hết mình, nhất là khi được khán giả, bà con, bạn bè thân thương cổ vũ. Không lương bổng, chỉ chơi bóng và thi đấu bằng đam mê nhưng họ không hề thiếu máu ăn thua, luôn thi đấu vì màu cờ sắc áo của địa phương mình.
Khó tìm ở sân chơi nghiệp dư
Giải bóng đá trong khuôn khổ đại hội TDTT chỉ là một trong số nhiều sân chơi của bóng đá phong trào. Thử điểm các giải đấu bóng đá mùa hè mới trở lại sau dịch COVID-19, thấy có đủ các giải đấu truyền thống, dành cho các đối tượng thanh niên, thiếu niên, nông dân, công nhân viên chức… với các loại hình, từ sân cỏ truyền thống, nhân tạo, đến bãi biển. Có dịp về một số địa phương, bất ngờ khi được biết nhiều xã, phường duy trì lâu nay vẫn tổ chức đều đặn giải bóng đá truyền thống hằng năm, như Thủy Phương, Thủy Lương (thị xã Hương Thủy), Hương Vinh, Xuân Phú, Thuận An (TP. Huế), Bình Điền, Hương Xuân (thị xã Hương Trà)...
Đặc biệt, có cả giải đấu bóng đá cấp thôn vẫn hấp dẫn và thu hút người xem. Có thể kể là giải bóng đá thôn Hải Thành (Phong Hải, Phong Điền) mới đây. Chỉ là cấp làng, nhưng giải đấu gây được sự chú ý khi có tới 6 đội bóng tham gia. Đặc biệt năm nay, ban tổ chức “chơi sang” áp dụng công nghệ VAR. Khác biệt là, VAR hiện đại của FIFA có riêng một tổ trọng tài với nhiều góc quay, còn ở Hải Thành, ban tổ chức cho phép đội trưởng và huấn luyện viên có quyền khiếu nại, yêu cầu trọng tài xem lại video hỗ trợ nếu xảy ra các tình huống chưa rõ ràng dẫn đến penalty, bàn thắng và thẻ đỏ.
Theo ông Lê Ngọc Tư, cơ sở vật chất ở các địa phương trong tỉnh được cải thiện nâng cấp, hệ thống sân bóng đá nhân tạo, sân cỏ tự nhiên khá nhiều nên đã có nhiều câu lạc bộ, nhóm, đội bóng ở thôn, xóm, khu phố, các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, doanh nghiệp được hình thành tự nguyện, xã hội hóa tập luyện và tham gia thi đấu. Tuy nhiên, tất cả chỉ dừng lại ở phong trào vui khỏe để học tập tốt và lao động giỏi. Không như nhiều người suy nghĩ, khó có thể tuyển chọn được cầu thủ giỏi ở các giải đấu phong trào khi cầu thủ có nhiều thành phần và độ tuổi khác nhau. Trong khi, để có được một cầu thủ giỏi, thi đấu chuyên nghiệp phải được phát hiện sớm; phải đạt được những tiêu chí khó về chiều cao, tầm vóc, thể lực, kỹ thuật, chiến thuật.
Không có thể đòi hỏi bóng đá phong trào như một lò đào tạo và phát triển tài năng bóng đá, nhưng không vì thế mà nó mất đi sự hấp dẫn và khả năng thu hút người xem. Hè về đong đầy nỗi nhớ, niềm vui và đối với nhiều người là hạnh phúc khi chiều tà được ra sân thỏa thích với trái bóng tròn.
Bài, ảnh: BÁ TRÍ