Thể thao

Lớp cờ tướng mang tên “hy vọng”

ClockThứ Bảy, 07/11/2020 12:36
TTH - Thật ra cái tên nói trên do người viết tự đặt, còn lớp cờ tướng miễn phí cho trẻ mồ côi, tật nguyền được nhắc đến trong bài viết này không hề có tên, dù rằng bản thân nó đang được gửi gắm nhiều hy vọng.

Lớp cờ tướng tại Mái ấm hy vọng Nguyệt Biều

Thêm hành trang vào đời

Sau những giờ sinh hoạt, học tập, phục hồi chức năng, gần đây, các bạn nhỏ tại cơ sở Mái ấm hy vọng Nguyệt Biều (560 Bùi Thị Xuân – TP. Huế) cứ mong ngóng nhanh đến Chủ nhật để được học, được vui đùa, được đấu trí với những học viên đến từ CLB cờ Minh Tâm.

Ấp ủ triển khai từ đầu năm, nhưng do COVID – 19, phải đến đầu tháng 10, dự định mở lớp dạy cờ tướng miễn phí cho trẻ em mồ côi, khuyết tật ở Mái ấm hy vọng Nguyệt Biều của cô và trò CLB cờ Minh Tâm mới thành hiện thực. Và chỉ sau một vài buổi, nơi đây đã nhiều hơn những tiếng cười.

Sau một lần đến thăm Mái ấm hy vọng Nguyệt Biều, suy nghĩ muốn làm 1 việc ý nghĩa, có tính chất lâu dài nhằm góp phần trang bị thêm kiến thức, hành trang cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn cứ mãi hiện hữu trong Bùi Thúy Nga - Chủ nhiệm CLB cờ Minh Tâm, đồng thời là HLV bộ môn cờ tướng Trường trung cấp TDTT tỉnh.

Qua nhiều ngày trăn trở, bàn bạc với các cộng sự, học trò của CLB và các sơ – những người đang hết lòng chăm sóc trẻ thiệt thòi, Nga và các học trò tại CLB cờ Minh Tâm có một buổi giao lưu, một phần tạo sự gắn kết ban đầu; mặt khác, để hiểu thêm những mong ước, sở thích… thông qua những câu chuyện, những sẻ chia của các em nơi đây.

Không khí vui vẻ ở lớp cờ tướng

Với những hỗ trợ nhiệt tình của các sơ, việc mở lớp dạy cờ tướng cho trẻ nơi đây không quá khó như suy nghĩ ban đầu của mọi người. Thậm chí, có một số em tuy khả năng nghe, nói… có phần hạn chế, nhưng khi thấy bàn cờ được bày ra, tất cả đều tỏ ra rất thích thú và tranh nhau để được tham gia môn thể thao trí tuệ này.

Quá trình giảng dạy, buổi đầu cả 2 vẫn gặp những khó khăn nhất định trong việc truyền tải, tiếp thu, nhưng với cách truyền đạt vừa học vừa chơi được lồng ghép khéo léo cùng sự nhẫn nại xuất phát từ trái tim của các thành viên CLB cờ Minh Tâm, chỉ sau thời gian ngắn, cả người dạy lẫn người học đã vượt qua khó khăn để cùng đắm mình trong niềm đam mê từ những thế cờ.

Theo chủ nhiệm CLB cờ Minh Tâm – Bùi Thúy Nga, ngoài tạo sân chơi góp phần giúp các em phát triển tư duy, trí tuệ, mục đích của lớp cờ tướng còn là phát hiện, tiến tới bồi dưỡng một số em có năng khiếu trở thành VĐV chuyên nghiệp. Nếu không tỏa sáng ở các đấu trường thì với những gì được học, các em có thể dạy lại cho những ai có nhu cầu, và đó ít nhiều cũng xem là 1 nghề, là hành trang khi ra đời - hy vọng mà các thành viên CLB cờ Minh Tâm gửi gắm ở lớp học này.

Từ trái tim đến trái tim

Với quân số dao động từ 15 – 20 em, lớp cờ có nhiều em tiếp thu rất nhanh. Nhanh đến mức người dạy phải bất ngờ, như 2 chị em sinh đôi Thiên An, Thiên Bình (SN 2011), em Lê Thị Thủy (SN 2014)… Nhưng kể cả khi tiếp thu chậm, việc được thấy các em vui vẻ, hòa đồng, tự tin hơn về bản thân khi tham gia lớp cờ mới là điều toàn thể những người “đứng lớp” mong đợi nhất.

“Với em, mỗi lần dạy là mỗi lần bản thân được truyền cảm hứng. Cảm hứng về nghị lực, về tình cảm, sự chân thành cùng những sẻ chia về thiệt thòi các bạn đang gánh chịu. Trong quá trình truyền đạt, tuy có một vài bạn khó khăn khi tiếp thu nhưng điều này không đồng nghĩa các bạn không phát triển tư duy, mà là chưa có cơ hội để thể hiện. Chúng ta nên hiểu và đồng cảm với điều đó”, Nguyễn Thị Trà My – một trong những VĐV trụ cột của tuyển cờ tướng tỉnh kiêm HLV CLB cờ Minh Tâm chia sẻ.

Sau những buổi hướng dẫn các bạn nhỏ thiệt thòi tại Mái ấm hy vọng Nguyệt Biều, những thành viên CLB cờ Minh Tâm đều tự nhắc mình rằng, kiên trì thôi chưa đủ mà hãy xuất phát bằng cả trái tim, bởi những gì từ trái tim sẽ đến được trái tim. Và chứng minh cho điều này là những nụ cười ấm áp, những cái ôm thật chặt, những giờ phút quấn quýt mỗi khi họ có mặt ở Mái ấm hy vọng Nguyệt Biều.

“Ở đây có em khuyết tật cả chân lẫn tay nói thành thạo 2 ngoại ngữ Anh và Pháp. Có em không biết gì về cờ, nhưng chỉ cần qua 1 lần truyền đạt là có thể tự bày cờ ra thi đấu với các học viên của CLB. Rồi đến giờ giải lao, ngay lập tức em chạy đi lấy nước, em hỏi han các cô, các bạn có mệt không… Kể điều này để thấy, chúng tôi dạy các em học cờ, nhưng ở chiều ngược lại, các em đã dạy cho chúng tôi hiểu hơn thế nào nghị lực, là phấn đấu, là tình yêu, là sự sẻ chia…”, chị Nga tâm sự.

Bài, ảnh: Hàn Đăng

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao 108 suất học bổng cho học sinh khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam và khó khăn

Sáng 25/9, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ bảo trợ trẻ em (CTXH-QBTTE) phối hợp với Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và Quỹ Hy vọng tổ chức chương trình trao học bổng cho học sinh khuyết tật, học sinh là nạn nhân chất độc da cam của các huyện, thị xã, TP. Huế và trẻ em là con ngư dân có hoàn cảnh khó khăn của 2 huyện Quảng Điền và Phú Lộc.

Trao 108 suất học bổng cho học sinh khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam và khó khăn
Điểm nhấn & hy vọng làm mới Festival Huế

Kể từ lần đầu diễn ra vào năm 2000, Festival Huế đã đều đặn “đến hẹn lại lên” và xen kẽ giữa năm chẵn Festival Huế là năm lẻ với Festival Nghề truyền thống Huế. Mỗi kỳ Festival Huế đi qua, bên cạnh những ấn tượng vui, đầy lắng đọng về các hoạt động, lễ hội góp phần làm thức dậy và thăng hoa văn hóa truyền thống Huế vẫn là sự băn khoăn về bài toán kinh tế, tính chuyên nghiệp cần có, cũng như yêu cầu tổ chức mang tính công nghệ của sự kiện văn hóa đặc sắc này. Đặc biệt, một câu hỏi lớn: Sau mỗi kỳ festival, Huế sẽ còn gì và lấy gì để phục vụ cho nhu cầu du khách vào ngày thường?

Điểm nhấn  hy vọng làm mới Festival Huế
Return to top