Từ trái qua: Hồ Thị Hoài Tành và Hồ Thị Hạ - 2 VĐV Karatedo giành được giải cao tại các đấu trường trong và ngoài nước
Yên tâm chọn VĐV
Nhiều năm qua, tuyển Karatedo Huế thu nhận, đào tạo không ít VĐV người dân tộc thiểu số. Trong quá trình tập luyện, thi đấu, những VĐV này đã thể hiện được năng khiếu, tố chất cũng như không ít lần giành được thành tích cao về cho tỉnh nhà.
Tuy nhiên, như Trưởng bộ môn Karatedo Huế - Lê Văn Lộc chia sẻ, không hiểu vì lý do gì, trong độ tuổi 12-17, các em tỏ ra rất có tiềm năng để phát triển cũng như giành thành tích ở những đấu trường lớn. Vậy nhưng tầm 18 tuổi trở lên, dù công tác đào tạo, huấn luyện, chế độ dinh dưỡng… thậm chí nhỉnh hơn một số VĐV khác nhưng chuyên môn, thành tích của VĐV người dân tộc thiểu số cứ tụt dần, đến mức bộ môn, trường (Trường trung cấp TDTT tỉnh) và ngành phải hướng các em theo con đường khác, ví như học văn hóa, kinh doanh… để tránh ảnh hưởng đến cuộc sống, đến phát triển sau này của các VĐV.
“Việc này đã diễn ra hơn chục năm nay. Không chỉ với 1, 2 VĐV mà xảy ra với toàn bộ VĐV người dân tộc thiểu số trong tuyển Karatedo tỉnh. Có thể do hạn chế trong giao tiếp khiến các em khó tiếp cận sâu những bài tập nâng cao, những thuật ngữ chuyên môn quốc tế…”, ông Lộc như tự lý giải.
Có lẽ với ông Lê Văn Lộc, khi chưa thể tìm ra cách hóa giải tồn tại không mong muốn trên thì bộ môn Karatedo Huế tiếp tục đối diện nỗi lo mất đi thành tích cùng lực lượng là những VĐV triển vọng người dân tộc thiểu số. Mừng là trong năm 2019, hai VĐV 19 tuổi là Hồ Thị Hạ và Hồ Thị Hoài Tành đã phá được “rào cản” khi lần lượt giành 1 HCB tại giải vô địch Đông Nam Á ở Thái Lan, 2 HCV tại giải vô địch cúp các CLB Karatedo mạnh quốc gia và giải vô địch Karate quốc gia. Mà nói như ông Lộc, bộ môn Karatedo Huế hiện yên tâm tuyển chọn, đào tạo VĐV người dân tộc thiểu số chứ không còn “lăn lăn” như trước.
Hồ Thanh Minh (áo trắng) được đánh giá cao trong màu áo CLB bóng đá Huế ở giải hạng Nhất 2019
“Mỏ vàng” & chất xúc tác
Được phát hiện cùng lúc trong lần tuyển Karatedo tỉnh lên A Lưới tuyển chọn VĐV, khi đó Hạ và Tành đang học lớp 6 tại Trường THCS Quang Trung. Trong đợt tuyển chọn này, cả 2 nhanh chóng lọt vào “mắt xanh” của các tuyển trạch viên khi vượt qua bài test về bật xa, chạy nước rút một cách xuất sắc. Và sau thời gian ngắn khoác áo năng khiếu, tuyển trẻ, 2 cô gái người Pa Cô cùng sinh năm 2001 nhanh chóng tạo ấn tượng ở các sân chơi quốc gia, khu vực.
Với Hồ Thị Hạ, đó là HCV cúp các CLB mạnh tại Đắk Lắk 2015; HCĐ giải Karatedo Việt Nam mở rộng 2016 tại Thanh Hóa. Từ thành tích này, Hạ trở thành thành viên tuyển quốc gia để rồi bên cạnh một loạt huy chương các giải trong nước và quốc tế, Hạ là chủ nhân của HCV giải vô địch trẻ Karatedo Đông Nam Á 2017 diễn ra tại Indonesia và mới đây nhất là HCB tại giải vô địch Đông Nam Á 2019 ở Thái Lan.
Còn với Hồ Thị Hoài Tành, tuy chưa được khoác áo tuyển quốc do không đạt chuẩn về chiều cao, nhưng bù lại, với sự nhanh nhẹn, khéo léo, cùng độ “lỳ” trong thi đấu, Hạ cũng đem về một loạt thành tích nổi bật, trong đó, đáng chú ý là HCB giải Karatedo Việt Nam mở rộng 2016, 2 HCV giải vô địch trẻ Karatedo toàn quốc 2017 và cùng danh hiệu kiện tướng quốc gia. Những năm tiếp theo, không tính thành tích các giải trẻ, trong tháng 8 và 9/2019, Hồ Thị Hoài Tành liên tiếp giành 2 HCV tại giải vô địch cúp các CLB Karatedo mạnh quốc gia và giải vô địch Karate quốc gia.
Đánh giá về 2 nữ học trò, Trưởng bộ môn Karatedo Huế - Lê Văn Lộc cho biết, nếu như Hồ Thị Hạ là niềm hy vọng của tuyển Karatedo Huế ở các giải quốc tế trong màu áo tuyển Việt Nam thì Hồ Thị Hoài lại là quân bài chủ lực ở các giải vô địch quốc gia, ĐH Thể thao toàn quốc… hạng 44kg – nội dung rất đông VĐV cả nước tranh tài.
Khoảng hơn 10 năm trở lại, bộ môn Karatedo xuất hiện nhiều VĐV đáng chú ý là người Pa Cô, Cơ Tu, Tà Ôi đến từ Nam Đông, A Lưới, như: Hồ Dương Giang, Hồ Văn Hưng, Hồ Anh Tuấn… và gần đây nhất là Hồ Thị Hoài Tành và Hồ Thị Hạ. Còn ở các bộ môn khác, đó là những cái tên như Hồ Thị Hồng Hạnh (Judo), Hồ Ngọc Min Hy và Hồ Thanh Minh (CLB bóng đá Huế)… “Nam Đông, A Lưới – nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống cùng cơ địa, tố chất đặc thù chính là “mỏ vàng” của thể thao Huế, nếu biết cách và có điều kiện khai thác nhiều hơn”, ông Hồ Đắc Quang – Hiệu trưởng Trường trung cấp TDTT tỉnh đánh giá.
Phong trào thể thao ở Huế gần đây lan tỏa khá mạnh mẽ khắp các huyện, thị, thành. Tuy nhiên, điều này chưa thật sự rộng khắp với cộng đồng người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, mà ở đó, điều kiện kinh tế-xã hội, cơ sở vật chất hạn chế cũng như chưa có “đầu tàu” để kích thích phong trào là nguyên nhân chủ yếu. Với sự tỏa sáng của Hồ Thị Hạ, Hồ Thị Hoài Tành ở môn Karatedo hay Hồ Ngọc Min Hy và Hồ Thanh Minh ở môn bóng đá, phần nào trở thành chất xúc tác giúp phong trào thể thao lan tỏa mạnh hơn, đồng thời, tạo thêm nhiều cơ hội để thể thao Huế có nguồn VĐV kế thừa trong hành trình “săn vàng” phía trước.
Bài, ảnh: HÀN ĐĂNG