Thể thao

Tuyển đá cầu & “vũ khí” mang tên “bất ngờ

ClockThứ Sáu, 10/07/2020 14:17
TTH - Hiện tại, dù đã bị đối thủ “bắt bài” nhưng tuyển đá cầu Huế vẫn còn nhiều “vũ khí” để giành thành tích cao, cũng như tạo nên dấu ấn trên bản đồ đá cầu Việt Nam trong hành trình phía trước.

Huế đứng thứ 3 toàn đoàn tại giải vô địch đá cầu cá nhân toàn quốc

Một buổi tập của tuyển đá cầu Huế

Không còn là ẩn số

Kết thúc giải vô địch đá cầu cá nhân toàn quốc 2020 tại Đồng Tháp hồi cuối tháng 6, tuyển đá cầu Thừa Thiên Huế xuất sắc đứng thứ 3 toàn đoàn với 1 HCV, 1 HCB và 2 HCĐ.

Nói xuất sắc bởi lẽ, bên cạnh nằm trong top 3 đơn vị dẫn đầu ở giải đấu quan trọng nhất trong năm của làng đá cầu Việt Nam, thì số huy chương của tuyển đá cầu Huế tại giải so với 2 đơn vị đứng nhất, nhì lần lượt là Đồng Tháp (2 HCV, 3 HCB, 3 HCĐ) và TP. Hồ Chí Minh (1 HCV, 2 HCB, 4 HCĐ) không quá chênh lệch. Không chỉ vậy, trong khoảng 2-3 năm trở lại, dù lực lượng còn non trẻ nhưng tuyển đá cầu Huế đã có sự tiến bộ đáng kinh ngạc.

Cũng chính sự tiến bộ cùng danh hiệu vô địch thế giới của VĐV Thùy Linh, không chỉ tại giải đấu mới đây mà ở những giải cuối năm 2019, tuyển đá cầu Thừa Thiên Huế không còn là ẩn số khi luôn nhận được sự “quan tâm đặc biệt” của các đơn vị có tiếng tăm trên cả nước, như: Đồng Tháp, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Nghệ An…, khiến thầy trò HLV Nguyễn Văn Hiền vừa chịu thêm áp lực mỗi lần tranh tài, vừa mất đi “vũ khí” từng góp phần giúp họ giành nhiều thành tích cao những năm trước.

Sau Thùy Linh, tuyển đá cầu Huế đã xuất hiện bộ đôi Lê Văn Đông - Phan Thị Tuyết

“Những năm trước, nhiều đơn vị bạn có tâm lý Huế chưa phải là đối thủ phải quá dè chừng, cũng như Thùy Linh tuy tài năng nhưng dù sao vẫn còn trẻ, non kinh nghiệm. Tận dụng điều này, Thùy Linh cùng đồng đội đã tạo nên bất ngờ ở các giải đấu quan trọng. Đáng tiếc, Thùy Linh hiện tại luôn được VĐV đội bạn “kèm cặp”, bằng không, vị trí của Huế tại giải vô địch đá cầu cá nhân toàn quốc không chỉ là thứ 3 toàn đoàn”, HLV tuyển đá cầu Huế - Nguyễn Văn Hiền chia sẻ.

Trong thi đấu thể thao, yếu tố bất ngờ có thể giúp 1 trong 2 đội/VĐV đang đối đầu nhiều thêm cơ hội chiến thắng, nhưng nếu bị “bắt bài” thì “vũ khí” này rất khó phát huy tác dụng. Dẫu vậy, điều này không có nghĩa, thành tích của Thùy Linh, của tuyển đá cầu Huế giành được thời gian qua hoàn toàn dựa vào sự bất ngờ mà chủ yếu vẫn từ thực lực. Minh chứng là khi các đối thủ đã cẩn thận đề phòng, thầy trò HLV Nguyễn Văn Hiền vẫn có mặt trong top 3 dẫn đầu toàn đoàn tại giải đấu vừa qua.

Sau bất ngờ là…nhiều bất ngờ

Cũng tại giải đấu trên, với việc bộ đôi Lê Văn Đông - Phan Thị Tuyết xuất sắc vượt qua cặp VĐV chủ nhà Thanh Điền – Hồng Xuân (đương kim vô địch 4 năm liền) để đứng trên bục cao nhất nội dung đôi nam – nữ cùng một số VĐV trẻ giành HCB, HCĐ đã cho thấy, sức mạnh tuyển đá cầu Huế có chiều sâu và khá đồng đều chứ không tập trung vào bất cứ cá nhân nào.

Sau giải vô địch đá cầu cá nhân toàn quốc, trong năm nay, tuyển đá cầu Huế sẽ tham dự thêm 4 giải: vô địch bãi biển, vô địch trẻ, vô địch các đội mạnh và vô địch đồng đội. “Ngoài sức trẻ, phong độ và khá “già rơ”, cặp VĐV Lê Văn Đông - Phan Thị Tuyết còn có lợi thế là tập luyện chung với nhau từ nhỏ nên rất hiểu ý nhau qua từng động tác. Đó chính là “lợi khí” để chúng tôi tiếp tục gây bất ngờ ở nội dung đôi nam – nữ tại những giải đấu nói trên. Còn nếu Đông và Tuyết được đội bạn “chú ý” thì vẫn còn đó Ánh Nguyệt, Kim Yến, Thu Thủy, Võ Thị Lành… cùng phương án 2, phương án 3”, HLV Nguyễn Văn Hiền tiết lộ.

Thầy trò HLV Nguyễn Văn Hiền đang dồn sức chuẩn bị cho giải vô địch bãi biển toàn quốc diễn ra từ 20-25/7 tại Huế. “Do ảnh hưởng COVID-19 nên khi khởi tranh trở lại, lịch thi đấu các giải quá sát nhau, VĐV không đủ thời gian làm quen với cầu dùng thi đấu ở giải bãi biển – loại cầu bằng nhựa, có trọng lượng nặng hơn. Và một khi đối đầu với Hải Phòng, Nghệ An, Hà Nội… - những đơn vị có phong trào đá cầu bãi biển mạnh, thường xuyên tổ chức các giải phủi thì rõ ràng, VĐV Huế gặp nhiều bất lợi hơn”, HLV Nguyễn Văn Hiền chia sẻ.

Không quá khó hiểu khi HLV Nguyễn Văn Hiền bày tỏ nỗi lo ở giải đấu sắp đến, tuy nhiên, như đã nói, sức mạnh của đá cầu Huế không chỉ ở Thùy Linh, Lê Văn Đông hay Phan Thị Tuyết mà còn ở dàn VĐV dưới 20 tuổi – lứa tuổi tham dự các giải trẻ nhưng không ít lần giành thành tích cao tại các giải vô địch. Và phải chăng, đây là “vũ khí” giúp tuyển đá cầu Cố đô vượt qua khó khăn cũng như tiếp tục tạo nên dấu ấn trong làng đá cầu Việt Nam ở hành trình phía trước.

Bài, ảnh: HÀN ĐĂNG

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để bơi lặn... hái “trái ngọt”

Sau giải đấu “trắng tay” ngay ở sân nhà, bơi lặn Huế đang hướng đến những tấm huy chương tại Giải bơi lặn vô địch các CLB quốc gia 2024 vào tháng 9 tới. Thực tế cho thấy, muốn có được “trái ngọt”, bơi lặn Thừa Thiên Huế phải có những đầu tư thỏa đáng.

Để bơi lặn  hái “trái ngọt”
Người đứng sau thành công của bắn cung Huế

Dân “tay ngang” và tự mò mẫm, dò đường nhưng bằng ý chí, nghị lực cùng sự ham học hỏi, Lại Đăng Quang đã đưa bắn cung Thừa Thiên Huế là đầu tàu của khu vực miền Trung, gặt hái nhiều thành công ngoài sự mong đợi.

Người đứng sau thành công của bắn cung Huế
“Bùng phát” trộm bình điện, xe đạp thể thao

Một ngày tháng 4/2024, nhóm học sinh khối 10 của một trường THPT đang tổ chức hoạt động ngoại khóa tại khu vực Bia Quốc Học Huế thì phát hiện, một bạn trong nhóm bị đối tượng xấu lấy mất hệ thống bình ắc quy xe máy điện từ lúc nào...

“Bùng phát” trộm bình điện, xe đạp thể thao
Return to top