Thể thao

Sôi động tháng 3

ClockThứ Bảy, 05/03/2022 07:00
TTH - Tháng 3, cùng với các tỉnh, thành trên cả nước, Thừa Thiên Huế sôi động trở lại với nhiều hoạt động thể thao cả ở đỉnh cao lẫn phong trào…

Trải đua rộn khúc sông quêXuân về nhớ vật, nhớ ghe

Tại giải vô địch các cung thủ xuất sắc quốc gia 2022

Tất bật thể thao đỉnh cao

Mới đây nhất là giải vô địch cung thủ xuất sắc quốc gia 2022, khởi tranh từ 1 – 6/3 tại Trung tâm Thể thao tỉnh, thu hút gần 200 VĐV của 16 tỉnh, thành trên cả nước tham dự. Không chỉ là khởi đầu cho chuỗi các giải đấu cấp quốc gia mà thể thao Thừa Thiên Huế đăng cai, tham dự trong năm 2022, động thái này còn cho thấy, Huế đã và đang tự tin tái khởi động các hoạt động thể thao sôi nổi trong trạng thái bình thường mới với phạm vi toàn quốc.

Ngay sau giải bắn cung, trong tháng 3, những người làm thể thao Cố đô lại tất bật chuẩn bị một loạt các giải vô địch quốc gia: bơi, lặn bể 25m; bóng rổ U23; vô địch đá cầu các CLB và tham gia giải bóng đá hạng Nhất… Theo ông Bùi Thanh Dũng – Phó Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao, đây là những giải đấu mà bên cạnh sự nỗ lực để chu toàn trong công tác tổ chức, chuyên môn… nhằm tạo ấn tượng đẹp trong mắt bạn bè cả nước, những người làm thể thao Huế còn phải rất cẩn trọng trong công tác phòng, chống dịch.

Sôi động lễ hội đua trải trên sông Như Ý

“Bận rộn, cẩn trọng nhưng không quá căng thẳng. Bởi, sau khi đăng cai các giải vô địch: Taekwondo, đá cầu và cầu lông cuối năm 2021 với nguyên tắc “Một cung đường, hai điểm đến: địa điểm lưu trú - nhà thi đấu - địa điểm lưu trú” cùng sự phối hợp của Sở Y tế, Sở Du lịch, hiện chúng tôi đã có kinh nghiệm trong khâu tổ chức cùng những công tác liên quan đến phòng, chống dịch. Chính điều này là cơ sở để trong năm 2022, thể thao Huế tự tin đăng cai tổ chức thành công các giải đấu lớn mà giải bắn cung nói riêng, các giải vô địch quốc gia diễn ra trong tháng 3 nói chung là một minh chứng”, ông Bùi Thanh Dũng chia sẻ.

Mong đợi các giải cộng đồng

Không chỉ thể thao đỉnh cao, nhiều hoạt động thể thao cộng đồng sôi động cũng dự kiến diễn ra trong tháng 3, như: giải chạy “Hue Jogging - Vì một Huế xanh”, giải đua thuyền TP. Huế, Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân, giải việt dã truyền thống tỉnh, giải việt dã TP. Huế… Còn trước đó, cuối tháng 2/2022, là thành công từ lễ hội đua trải trên sông Như Ý, đua ghe câu, trò chơi dân gian, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật… trong khuôn khổ “Chợ quê ngày hội – cầu ngói Thanh Toàn 2022” (21-25/2) khi thu hút gần 20 ngàn lượt người tham gia trong suốt 5 ngày diễn ra.

Từ sự trở lại này cho thấy, Huế vẫn tiếp tục đẩy mạnh thích ứng an toàn trong trạng thái bình thường mới để cùng với bạn bè cả nước thực hiện thành công mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch COVID-19 vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, và tạo đà cho những hoạt động trong thời gian tiếp theo.

Anh Phùng Hữu Trung (Thủy Dương - TX. Hương Thủy) chia sẻ: “Tôi tin Huế sẽ rất sôi động khi tái khởi động các hoạt động thể thao cộng đồng. Không chỉ giúp mọi người được vận động, thụ hưởng không khí thể thao vui khỏe sau thời gian bị hạn chế, đây còn là dịp để tiếp tục thay đổi tâm thế, tư duy, thói quen trong cuộc sống, sinh hoạt nói chung, thể thao nói riêng nhằm bảo vệ bản thân, cộng đồng và tạo động lực để phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế”.

Ngoài những ý nghĩa trên, thể thao nói chung, thể thao cộng đồng nói riêng còn là một trong những phương tiện hữu hiệu để tạo dựng hình ảnh địa phương cũng như là cách quảng bá du lịch rất hiệu quả. Ví như nói đua ghe ngo người ta nghĩ ngay đến Sóc Trăng, đua bò người ta nhớ đến An Giang… Điều này cho thấy sự gắn kết chặt chẽ của thể thao - du lịch.

Và trong trạng thái bình thường mới, việc tổ chức trở lại các hoạt động thể thao cộng đồng vừa là thách thức, nhưng cũng vừa là cơ hội để thể thao nói riêng, Thừa Thiên Huế nói chung chạy đà cho mục tiêu tạo dựng “thương hiệu”, nâng tầm và mở rộng quy mô, nhất là các giải chạy bộ, từ đó hướng đến xây dựng một thành phố của những giải marathon đẳng cấp thế giới, góp phần kích cầu du lịch, phát triển kinh tế - xã hội.

Bài, ảnh: HÀN ĐĂNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thể thao thành tích cao cần thêm điều kiện để đột phá

Ngày 15/10, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục, thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nhấn mạnh mục tiêu thể thao Việt Nam đạt vị trí tốp ba Đông Nam Á, tốp 20 châu Á, có huy chương tại Olympic và Paralympic. Theo các chuyên gia, hầu hết các mục tiêu đề ra phù hợp với thực lực của thể thao nước ta, nhưng cần sớm có điều chỉnh, tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, nhất là về kinh phí trong việc huy động nguồn lực đầu tư.

Thể thao thành tích cao cần thêm điều kiện để đột phá
Chuyển đổi để nâng tầm

Thực hiện Quyết định số 2117 ngày 6/8/2024 của UBND tỉnh, Trường trung cấp Thể dục Thể thao được chuyển đổi thành Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh. Mô hình hoạt động mới này nhằm đưa thể thao thành tích cao, các môn thế mạnh của Thừa Thiên Huế phát triển đúng hướng, vươn lên tầm vóc mới.

Chuyển đổi để nâng tầm
Thiếu nhi tham gia bảo vệ môi trường

Ngày 11/10, Tỉnh đoàn - Hội đồng Đội tỉnh tổ chức Ngày hội thiếu nhi tham gia bảo vệ môi trường năm 2024 tại Trường THCS Nguyễn Khánh Toàn (phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà).

Thiếu nhi tham gia bảo vệ môi trường
Return to top