Xuân trên sới vật
Hội vật làng Sình (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang) diễn ra vào ngày mồng 10 tháng Giêng. Đây là lễ hội thể thao truyền thống có lịch sử hơn 200 năm, duy trì liên tục cho đến nay. Tại hội vật, các đô dự đấu không nhất thiết phải là người địa phương, và bất kỳ khán giả nào cũng có thể được lên sới đấu vật.
Ngoài giải cạn dành cho chức vô địch, làng còn dành riêng một khoản tiền để thưởng cho tất cả những đô tham gia hội vật. Có thể do điều kiện dự hội khá đơn giản, nên ngày xưa, cứ đến trước ngày làng mở hội vật, trai tráng khắp nơi theo nhau về làng Sình.
Hội vật làng Sình về cơ bản cũng áp dụng theo nguyên tắc của luật thi đấu vật dân tộc, các đô vật muốn vượt qua vòng đấu loại phải giành chiến thắng trước 3 đối thủ. Để giành chiến thắng, các đô vật phải đánh bại đối thủ của mình với đòn đánh làm cho đối phương “lấm lưng, trắng bụng” (nghĩa là một phần hoặc cả hai phần lưng của đối phương phải lấm đất, bụng ngửa lên trời). Nếu vượt qua vòng đấu loại, các đô vật sẽ bước vào vòng bán kết. Ở vòng bán kết, các đô vật phải vượt qua 1 đối thủ nữa mới lọt được vào vòng chung kết.
Trước hội vật làng Sình vài ngày, vào ngày mồng 6 tháng Giêng, tại làng Thủ Lễ ở huyện Quảng Điền cũng diễn ra hội vật. Nét riêng của hội vật làng Thủ Lễ là sau phần nghi lễ, hội vật mở đầu bằng màn biểu diễn của hai đô vật cao niên trong làng với những pha biểu diễn đầy kinh nghiệm, đẹp mắt.
Tiếc là do COVID-19, hai năm nay, những người yêu thể thao, yêu hội vật vẫn chưa thể đắm mình trở lại với bầu không khí tưng bừng, sôi động và đầy tinh thần thượng võ tại 2 sới vật nói trên.
Xuân vui sông nước
Ở Huế, các lễ hội đua ghe trên các con sông hầu như được tổ chức quanh năm. Đó là các cuộc đua ghe trên sông Hương trong các ngày lễ lớn của đất nước, trong dịp Festival Huế, hay đua ghe mùa nước lụt trên sông Ô Lâu, sông Bồ... Và ở mùa xuân mở đầu cho một năm, một số địa phương ở Huế cũng tổ chức đua ghe, đua trải.
Vật làng Sình, đua trải trên sông Vực là những lễ hội được người dân mong đợi
Sáng mùng 6 Tết hàng năm, người dân làng An Cư Đông, thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc) và khách thập phương lại đổ về vịnh Lăng Cô để tham gia lễ hội cầu ngư và đua thuyền truyền thống.
An Cư Đông là làng chài có truyền thống lâu đời ở Lăng Cô, người dân quanh năm gắn liền với nghề sông nước. Lễ hội đua thuyền có truyền thống hơn 300 năm, gắn bó với đời sống sinh hoạt của ngư dân và trở thành nét đẹp văn hóa của ngôi làng ven biển.
Theo truyền thống, lễ hội đua thuyền có 3 giải: giải xụa, giải cầu mùa và giải chính thức; trong đó, giải xụa mang tính giao lưu, thăm dò đối thủ; giải cầu mùa báo hiệu “khai sơn, hạ thủy”, mùa mở cửa biển mới bắt đầu; giải chính thức quan trọng nhất, nếu đội nào giành chiến thắng sẽ gặp nhiều may mắn trong cả năm, đánh bắt được nhiều thủy, hải sản, nuôi trồng thắng lợi.
Lễ hội đua trải được tổ chức tại sông Vực (TX. Hương Thủy) trước miếu Bà Hồ ngày mùng 9 tháng Giêng Âm lịch hàng năm được đông đảo người dân và du khách thập phương tụ hội về xem.
Sông Vực là nơi có phong cảnh tươi đẹp, sông nước hữu tình, từng được các vua quan triều Nguyễn đến thưởng ngoạn. Đây cũng là nơi người dân địa phương thường tổ chức lễ cúng tế, cầu cho mưa thuận gió hòa, nhất là những năm hạn hán kéo dài, khi có mưa thì tổ chức hội đua với ý nghĩa tạ ơn trời đất. Mặc dù đã trải qua hàng trăm năm với nhiều biến thiên của lịch sử nhưng nét đẹp truyền thống ấy vẫn được các thế hệ con cháu gìn giữ cho đến ngày nay.
Lễ hội cầu ngư Thuận An (Phú Vang) theo tục lệ “Tam niên đáo lệ” vào các ngày từ mồng 10 đến 12 tháng Giêng. Nét độc đáo nhất của lễ hội văn hóa lớn này chính là màn biểu diễn làm trò “cầu ngư” ngay trước sân đình, gồm các tiết mục như đẩy thuyền ra khơi, câu cá, bủa lưới, mua bán thủy, hải sản... Và tiếp sau hội làm trò “cầu ngư” là hội đua ghe trên phá Tam Giang ngay trước sân đình làng Thuận An...
Không chỉ là thể thao
Hội vật hay đua ghe, đua trải ngày xuân ở các vùng quê xứ Huế không chỉ là những hoạt động thể thao đơn thuần, mà đó là các lễ hội mang yếu tố tâm linh, mang nhiều màu sắc văn hóa dân gian cầu mưa thuận gió hòa, người yên vật thịnh. Chính vì vậy, đây là các lễ hội mang nhiều màu sắc vui khỏe, tinh thần lạc quan, khát vọng chinh phục của người dân. Lễ hội thu hút đông đảo người dân địa phương, du khách gần xa đến để hòa trong không khí cộng đồng. Đây cũng là những “ảnh trường” phong phú cho các nhiếp ảnh gia tác nghiệp. Nhiều bức ảnh đẹp thể hiện vẻ đẹp của những đường nét mạnh mẽ, vui tươi của con người của các nhiếp ảnh gia đã được chụp tại các lễ hội này.
Dịch COVID-19 đã khiến 2 năm qua các lễ hội không thể tổ chức. Năm ngoái, lễ hội cầu ngư Thuận An “tam niên đáo lệ” dù đã chuẩn bị chu đáo cũng phải hoãn lại cùng các lễ hội thường niên khác. Tết Nhâm Dần 2022, những sới vật trước sân đình, những đường đua xanh trên sông phải tiếp tục “án binh bất động” khiến người dân Cố đô lại nhớ vật, nhớ ghe...
Bài: PHI TÂN - Ảnh: HÀN ĐĂNG