Tại Mexico 86, cả thế giới ngả mũ trước tài năng của Diago Maradona. Mặc dù ở giải đấu đó có sự góp mặt của không ít danh thủ nổi tiếng như, Zico, Platini, Laundrup… nhưng với phong độ chói sáng, “Cậu bé vàng” góp công lớn trong việc đưa đội bóng xứ Tango chiếm lĩnh ngai vàng.
Nhắc đến chức vô địch của Argentina năm 1986, người hâm mộ sẽ không quên những khoảnh khắc kỳ diệu và đầy tranh cãi về các pha làm bàn của Diago Maradona tại trận tứ kết gặp Tam Sư. Ông ghi 2 bàn, đều là những bàn thắng để đời. Nếu như bàn nâng tỉ số lên 2-0 thuộc dạng kiệt tác của bóng đá - bàn thắng được đánh giá đẹp nhất trong lịch sử World Cup thì với bàn mở tỉ số đầy tranh cãi, Maradona nói rằng: “Tôi đã ghi bàn bằng cái đầu của tôi và bàn tay của Chúa”. Ở cấp độ CLB, “Cậu bé vàng” cũng giúp Napoli trở thành một thế lực ở Châu Âu với các danh hiệu như, vô địch Serie A, UEFA, Coppa Italia, Italian Supercup…
Messi vẫn chưa thành công cùng đội tuyển Argentina. Ảnh: FIFA
Sau Maradona, người Argentina kỳ vọng nhiều ở L.Messi. Xét về tài năng, cầu thủ thuộc biên chế CLB Bacerlona chẳng hề thua kém người tiền bối, thế nhưng, dù no nê danh hiệu cùng CLB xứ Catalan, Messi chưa vẫn chưa bao giờ chạm tay vào cúp vô địch cùng đội tuyển quê nhà. World cup lần này, vẫn kịch bản cũ, tên của Messi xuất hiện đầy rẫy trên những trang báo lẫn mạng xã hội. Argentina thua hay thắng cũng đều do…Messi. Dù không thiếu những ngôi sao sáng giá, nhưng họ coi tập thể này là của Messi. Đoàn quân của HLV Jorge Sampaoli chơi trầy trật ở vòng bảng. Đến vòng 1/8, chỉ bại trận với cách biệt 1 bàn, nhưng những gì Messi và các đồng đội thể hiện thì ai cũng thấy rằng, họ thất bại một cách toàn diện trước người Pháp.
So với Argentina, “Gà trống Gô loa” không hề thua kém ngôi sao, thậm chí nhỉnh hơn nhưng giải đấu này họ không hề phụ thuộc vào một cá nhân nào. Nhìn cách Benjamin Pavard lập siêu phẩm hay cú đúp của ngôi sao tuổi teen K. Mbappe để thấy rằng, giá trị tập thể lớn hơn nhiều so với việc sở hữu một siêu sao.
Ronaldo "tắt điện" trước hàng phòng thủ Uruguay. Ảnh: FIFA
Cùng xếp ngang hàng với Messi nhưng C.Ronaldo có màn thể hiện có phần “nhỉnh” hơn. Nhưng điều đó chưa đủ để kéo đoàn tàu Bồ Đào Nha tiến sâu vào giải. Ngài Ferguson từng nói về ông thầy cũ của “Rô điệu” là Zidane rằng: “Chỉ cần cho tôi Zinedine Zidane và 10 miếng gỗ, tôi sẽ vô địch Champions League”, câu nói đề cao vai trò cá nhân ở cái thời Zizou cùng đội tuyển Pháp giành chức vô địch World Cup 1998 và Euro 2000. Lúc đó, Zidane rất nổi bật nhưng bên cạnh huyền thoại người Pháp là một loạt những tên tuổi như, Blanc, Thuram, Wiltord…
Tại Word Cup lần này, hỗ trợ “Rô điệu” gồm những ai?! Đó là một hàng phòng thủ “già cỗi”, một hàng tiền vệ thiếu sáng tạo, khác hẳn với những người đồng đội trong màu áo Real Madrid hay Manchester United. Chạm trán Uruguay ở vòng 1/8, trước những cầu thủ phòng ngự ma mãnh, đầy kỷ luật, Ronado hoàn toàn bị vô hiệu hóa cộng với mà trình diễn đỉnh cao của E.Cavani, Bồ Đào Nha buộc phải sớm dừng cuộc chơi. Rõ ràng một mình Ronaldo là không đủ, một cánh én không thể làm nên mùa xuân.
World Cup 2018 đã để lại nhiều trận đấu đầy cảm xúc và bất ngờ. Trước giải đấu, chẳng ai ngờ hai đội bóng thuộc hàng thế lực của thế giới là Đức và Tây Ban Nha lại về nước sớm đến như vậy. Thời điểm hiện tại, Đức lẫn Tây Ban Nha đều sở hữu một đội hình toàn sao ở tất cả các tuyến nhưng lại thất bại một cách đầy thất vọng.
Là đội bóng nổi tiếng lạnh lùng, đề cao tính tập thể nhưng tại giải đấu này, “Cỗ xe tăng” bất ngờ bị “lỗi”, trở thành một trong 5 nhà đương kim vô địch bị loại ngay ở vòng bảng trong lịch sử. Đã có nhiều trang báo thể thao phân tích về nguyên nhân thất bại của người Đức, rằng Joachim Loew đã mang đến giải đấu một lối chơi cũ kỹ trong khi bóng đá hiện đại đã phát triển theo một hướng khác; rằng người Đức vẫn còn sống trong hào quang quá khứ dẫn đến bảo thủ và không làm mới mình hay những tuyển thủ đã “vắt kiệt” sức lực sau một giải đấu dài đằng đẵng… Tất cả đều có lý, những nguyên nhân đó đều dẫn đến một điều, khi một mắt xích bì lỗi thì “cỗ xe tăng” chẳng thể vận hành trơn tru.
Các cầu thủ Nga ăn mừng sau khi lọt vào vòng tứ kết. Nguồn: Getty Images
Đêm qua (1/7), Tây Ban Nha thất bại trước chủ nhà Nga sau loạt “đấu súng” cân não. Kết thúc trận đấu, không ít người cho rằng, đoàn quân của HLV Stanislav Cherchesov chơi phòng ngự tiêu cực, lớp lang. Thế nhưng với thực lực hiện tại không cho phép “Gấu Nga” chơi sòng phẳng với Tây Ban Nha.
Nga vào tứ kết với màn tỏa sáng của thủ thành Igor Akinfeev, người mà CLB giàu thành tích nhất nước Anh – Manchester Utd từng để ý. Và người hâm mộ của MU có chút chạnh lòng khi FIFA công bố những thông số tệ hại của De Gea (đối thủ của Igor Akinfeev), thủ thành số một của họ trong nhiều năm qua. De Gea trải qua kỳ World Cup đầu tiên đáng thất vọng khi chỉ có duy nhất một pha cứu thua trong 7 lần đối mặt với đối phương, khác hẳn với những gì anh đã thể hiện tại đội chủ sân Old Traffod. Trách De Gea cũng không sai nhưng Tây Ban Nha bị loại lỗi không chỉ một mình anh mà lỗi của cả một tập thể. Vẫn lối đá kiểm soát bóng mang tên tiki-taka trứ danh. Họ kiểm soát bóng đến 74%, thực hiện 1.029 đường chuyền chính xác sau 120 phút những chẳng làm được gì trước lối đá phòng ngự với cự ly đội hình quá hợp của người Nga. Trong quá khứ, Tây Ban Nha đầy ánh hào quang nhưng với những thất bại gần đây (bị loại tại vòng bảng World Cup 2014, dừng bước tại vòng 1/8 ở EURO 2016, bị loại vòng 1/8 World Cup 2018), như người Đức, La Roja cần phải thay đổi.
Tối nay (2/7), một thế lực khác của Nam Mỹ là Brazil sẽ bước vào trận Knock out với niềm hy vọng mang tên Neymar. Nếu vũ điệu Samba có lỗi nhịp thì cũng đừng nên dồn toàn bộ lời trách cứ vào ngôi sao của Paris Saint Germain, bởi cánh én không thể làm nên mùa xuân.
Sơn Xuân