Thể thao quốc tế

SEA Games 32: Chiến tích từ sự chuẩn bị công phu

ClockThứ Năm, 18/05/2023 07:57
SEA Games 32 đã chính thức khép lại sau lễ bế mạc tối 17/5. Tại kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) lần thứ 32 này, Thể thao Việt Nam đã đạt được nhiều thành công hơn mong đợi và được đánh giá là có kỳ đại hội thành công nhất trong lịch sử khi Thể thao Việt Nam thi đấu ở nước ngoài.

Môn vật cũng “bội thu vàng” ở SEA Games 32SEA Games 32: Đô cử Nguyễn Quốc Toàn giành HCV, phá 3 kỷ lục đại hộiTấm HCV SEA Games thứ tư liên tiếp của bóng đá nữ

leftcenterrightdel
 Đội tuyển bóng rổ nữ 3x3 xuất sắc đánh bại đội tuyển nữ Philippines trong trận chung kết, giành HCV bóng rổ đầu tiên trong lịch sử các kỳ SEA Games cho thể thao Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Chiến thắng ấn tượng ở nhiều môn Olympic

Có thể nói trước khi lĩnh ấn tiên phong dự SEA Games lần này, Thể thao Việt Nam gặp khá nhiều áp lực, trong đó áp lực lớn nhất chính là thành tích xuất sắc với vị trí dẫn đầu toàn đoàn tại SEA Games 31. Áp lực nữa đến từ việc chúng ta phải chơi trên sân khách trong khi nước chủ nhà và các cường quốc thể thao trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Singapore, Malaysia cũng đầy tham vọng và đều có sự chuẩn bị tốt cho Đại hội, rồi xu hướng nhập tịch VĐV.

Thế nhưng bằng sự chuẩn bị kỹ lưỡng cùng nỗ lực và ý chí phi thường, các VĐV, HLV đã giúp cho Thể thao Việt Nam viết lên dấu ấn đáng tự hào tại SEA Games này.

Trên sân bóng rổ, không khí sôi động cùng sự cổ vũ nhiệt thành của khán giả nhà và nhiều Việt kiều đang sinh sống, làm việc tại Campuchia đã giúp các cô gái Việt Nam thi đấu ấn tượng, giành Huy chương Vàng (HCV) đầu tiên cho bóng rổ Việt Nam tại SEA Games.

Ở sân chơi “quý tộc” khác, lần đầu tiên golf Việt Nam không chỉ tham gia với vai trò “thi xong xuôi tất cả lại về” nữa mà đã xuất sắc giành HCV. Đáng chú ý, người mang về chiếc HCV quý hơn vàng này của golf Việt Nam là “thần đồng” 15 tuổi Lê Khánh Hưng. Điều đó cũng cho thấy Hưng sẽ còn tương lai dài rộng ở phía trước cùng golf Việt Nam.

Ngày 15/5, niềm vui như vỡ oà với bóng bàn Việt Nam khi cặp đôi Đinh Anh Hoàng và Trần Mai Ngọc giành HCV sau 26 năm chờ đợi ở nội dung đôi nam nữ. Đáng chú ý cặp đôi của chúng ta đã giành thắng lợi với tỉ số chung cuộc 3 - 1 trước đối thủ mạnh của Singapore là Clarance Zhe Yu Chew - Jian Zeng.

Từng được xem là “thần đồng” của bóng bàn Singapore, khi mới 19 tuổi, Jian Zeng đã giành được 3 danh hiệu đơn dưới 21 tuổi tại giải bóng bàn vô địch thế giới. Còn ở giải vô địch bóng bàn đồng đội thế giới 2022, Jian Zeng gây tiếng vang lớn khi đánh bại tay vợt hạng 35 thế giới Cheng I Ching và tay vợt hạng 22 thế giới Chen Szu-yu. Trong khi đó đồng đội của Jian Zeng là Clarance Zhe Yu Chew cũng sở hữu thành tích khủng không hề kém. Clarance Zhe Yu Chew từng giành HCV tại Đại hội thể thao Khối thịnh vượng chung 2014 nội dung đồng đội, giành HCV nội dung đôi nam ở SEA Games 31, từng đại diện cho Singapore tham dự Olympic Tokyo 2020... Thế nhưng cuối cùng chiến thắng đầy thuyết phục với tỉ số 3 - 1 đã thuộc về cặp đôi của Việt Nam và đây cũng được xem là chiếc HCV lịch sử của bóng bàn Việt Nam sau 26 năm chờ đợi.

Trong số các môn thể thao Olympic, judo cũng đã kịp ghi dấu ấn khó quên tại kỳ Đại hội này với việc giành được tới 8 HCV, vượt chỉ tiêu tới 4 chiếc HCV quý giá. Trong đó có các chiến thắng ấn tượng là Nguyễn Thị Thanh Thuỷ thắng thuyết phục trước VĐV Campuchia nhập tịch người Nhật Bản - quốc võ của môn này trong trận chung kết để bước lên ngôi cao nhất, hạng dưới 52kg nữ. Ở hạng dưới 90kg nam, Lê Anh Tài thắng VĐV quốc tịch Thái Lan nhưng sinh ra và lớn lên tại Nhật Bản. Dù bước vào trận Tài bị trừ điểm tiêu cực nhưng anh đã đánh đòn tay để có điểm tuyệt đối ippon, giành chiến thắng thuyết phục trước đối thủ.

Thành quả đến từ quá trình đầu tư lâu dài, kỹ lưỡng và bài bản

Ngoài những chiến thắng ấn tượng trên, trong nhóm các môn Olympic, đội tuyển cử tạ cũng hoàn thành vượt chỉ tiêu. Dù phải phân bổ lực lượng cho 2 giải là SEA Games và giải vô địch châu Á được xem là vòng loại Olympic. Thế nhưng cử tạ Việt Nam đã đoạt tới 3 HCV. Trong đó chiếc HCV mang tính đột biến chính là của đô cử Trần Minh Trí, hạng cân 67kg nam. VĐV sinh năm 2004 này không chỉ giành HCV mà còn phá kỷ lục SEA Games ở nội dung cử đẩy. Đặc biệt trong ngày thi đấu hôm qua đô cử Nguyễn Quốc Toàn đã liên tiếp phá 3 kỷ lục SEA Games (cử giật, cử đẩy và tổng trọng) ở hạng dưới 89kg để giành HCV.

Theo phân tích của ông Ngô Ích Quân - Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao II (Tổng cục Thể dục Thể thao), thì dù điền kinh chỉ đoạt 12 HCV SEA Games 32, không bằng thành tích của kỳ SEA Games trước nhưng trong bối cảnh chúng ta không có đầy đủ lực lượng mạnh nhất thì những nỗ lực của các VĐV Việt Nam trên sân Morodok Techco là đáng để ghi nhận.

Với môn bơi, đấu trường chính được xác định chính là Asian Games, tổ chức vào tháng 9 tới tại Trung Quốc. Chính vì thế điểm rơi của Nguyễn Huy Hoàng được điều chỉnh vào tháng 9 tới. Tại SEA Games lần này, Hoàng gặp khó khi cả hai nội dung thế mạnh cần tốc độ, sức bền là 200m bướm và 400m tự do được xếp thi đấu liền nhau. Ngay khi Hoàng giành HCV nội dung 400m tự do, anh chỉ kịp leo lên bể rồi lại vội vã vào bục xuất phát ở nội dung 200m bướm, chính vì thế anh chỉ về đích ở vị trí thứ 4.

Môn vật cũng có kỳ Đại hội thành công khi chúng ta áp đảo đối thủ, chỉ riêng trong ngày 15/5, đã mang về tới 6 chiếc HCV.

Ông Quân cũng nhấn mạnh, thành tích của Thể thao Việt Nam tại SEA Games này đến từ quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, lâu dài và bài bản với bước đà là SEA Games 31. Nhóm các môn Olympic đã được đầu tư trọng điểm, đi tập huấn nước ngoài. Nhóm các môn SEA Games và Asian Games cũng có sự chuẩn bị kỹ càng, chuyển hướng linh hoạt đáp ứng yêu cầu của ban tổ chức. Nhiều môn trong chương trình thi đấu của SEA Games và Asian Games như karatedo hoàn thành vượt chỉ tiêu hay như aerobic đã giành trọn 5/5 HCV của Đại hội.

SEA Games thành công nhất khi thi đấu trên sân khách

Ông Hoàng Quốc Vinh - Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao I (Tổng cục Thể dục Thể thao) khẳng định, có thể nói đây là kỳ SEA Games thành công nhất trong lịch sử khi Thể thao Việt Nam thi đấu ở nước ngoài. Với 136 HCV, 105 HCB, 114 HCĐ, Đoàn thể thao Việt Nam vững vàng ở ngôi đầu Đại hội.

leftcenterrightdel
 Hình ảnh Nguyễn Thị Oanh bỏ xa các đối thủ trên cùng đường chạy thể hiện đẳng cấp của chân chạy Việt Nam. Ảnh: TTXVN

“Chúng ta đã hoàn thành vượt chỉ tiêu đặt ra trước khi lên đường sang Campuchia. Đây là nỗ lực chung của toàn thể vận động viên, huấn luyện viên, chuyên gia và các thành viên Đoàn Thể thao Việt Nam”, ông Vinh đánh giá.

Cũng theo ông Vinh, thành công về số lượng, chất lượng của các tấm huy chương tại SEA Games này đã cho thấy chúng ta có lực lượng tương đối dày và toàn diện ở các nhóm môn Olympic, Asian Games và SEA Games. Vì thế số HCV dải đều ở các môn chúng ta tham dự. Chúng ta cũng có nhiều VĐV đạt HCV rất đẳng cấp như Nguyễn Thị Oanh (điền kinh), Trần Hưng Nguyên (bơi), Thanh Bảo (bơi), Minh Trí, Quốc Toàn (cử tạ), đôi nam nữ môn bóng bàn… Nhiều môn đã hoàn thành vượt chỉ tiêu đặt ra trước lúc lên đường.

“Tại SEA Games này, Đoàn Thể thao Việt Nam cũng đã lan toả, truyền cảm hứng về lòng tự hào dân tộc, ý chí quyết tâm, không lùi bước, không từ bỏ trước mọi khó khăn. Trong đó các nữ VĐV đã phát huy truyền thống của con cháu bà Trưng, bà Triệu, miệt mài, vượt khó khổ luyện; thi đấu kiên cường để toả sáng mang vinh quang về cho đất nước. Đó là hình ảnh các cô gái của môn bóng đá nữ, đã bảo vệ thành công ngôi vô địch lần thứ 8 hay các nữ VĐV môn thể thao Olympic đầy cực nhọc là môn vật đã giành trọn bộ 6 tấm HCV của Đại hội. Còn nữa là hình ảnh VĐV ở các môn thể thao đối kháng, võ thuật đã thi đấu thật kiên cường, đóng góp tới 63 HCV, hơn 50% tổng số HCV hiện có, thể hiện được truyền thống thượng võ, sự dũng cảm, mưu trí của người Việt Nam.

Với chúng tôi, các thành viên của Đoàn Thể thao Việt Nam, đây cũng là kỳ SEA Games mà nước bạn đã để lại nhiều ấn tượng về đất nước Campuchia xinh đẹp, nhiệt tình, mến khách. Họ đã cố gắng làm tốt nhất vai trò của mình để tạo nên kỳ Đại hội thành công hơn mong đợi và Thể thao Việt Nam cũng đã kịp ghi dấu ấn về một kỳ Đại hội thành công rực rỡ trên sân khách”, ông Hoàng Quốc Vinh nhấn mạnh.

Theo Báo Tin tức
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bảng tổng sắp huy chương Olympic Paris 2024 (đến 6h ngày 10/8)

Olympic Paris 2024 diễn ra từ ngày 26/7 đến 11/8/2024. Có hơn 10.700 vận động viên tranh tài ở 32 môn thi với 329 nội dung. Tính đến 6h ngày 10/8/2024 theo giờ Việt Nam, đoàn thể thao Mỹ đứng đầu bảng xếp hạng với 33 Huy chương Vàng, 39 Huy chương Bạc và 39 Huy chương Đồng. Tiếp đến lần lượt là các đoàn: Trung Quốc, Australia, Nhật Bản, Vương Quốc Anh…

Bảng tổng sắp huy chương Olympic Paris 2024 đến 6h ngày 10 8
Olympic 2024: Đoàn Mỹ tiếp tục bứt tốc trên bảng tổng sắp huy chương

Trong ngày thi đấu thứ 12 của Olympic Paris 2024, đoàn thể thao Mỹ tiếp tục chứng tỏ sức mạnh của ứng cử viên số 1 cho vị trí nhất toàn đoàn khi giành 3 huy chương vàng (HCV), trong đó có kỷ lục thế giới ở nội dung chạy 1.500m nam của Cole Hocker với 3 phút 27,65 giây, để củng cố vị trí đứng đầu trên bảng tổng sắp huy chương với 24 HCV.

Olympic 2024 Đoàn Mỹ tiếp tục bứt tốc trên bảng tổng sắp huy chương
Return to top