|
Giải Bóng đá vô địch các CLB tỉnh Thừa Thiên Huế đã dần trở nên chuyên nghiệp hơn |
Đến hẹn lại lên
Trở nên quen thuộc và gần gũi khi được tổ chức đều đặn từ năm 2012 đến nay, Giải Bóng đá vô địch các CLB tỉnh Thừa Thiên Huế đã dần trở thành một sân chơi thường niên, thúc đẩy phong trào tập luyện và thi đấu bóng đá ở lứa cầu thủ trẻ. Qua đó, phát hiện những tài năng để phát triển bóng đá Thừa Thiên Huế.
Giữa tháng 7 này, bóng đá có vẻ như “bội thực” khi EURO và Copa America cùng lúc diễn ra. Tuy vậy, Giải Bóng đá vô địch các CLB tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 vẫn thu hút được sự quan tâm đặc biệt, với 31 trận đấu được tổ chức trên sân vận động Tự Do và sân tại Trung tâm Thể thao Huế luôn có đông đảo khán giả đến xem và cổ vũ. Con số 16 đội bóng trên địa bàn toàn tỉnh, gồm CLB Trường An, Tân Sơn, Cori, Minh Tiến, Quý Trần, U17 Huế, Scavi Huế, Thành phố Huế, Nọ, Zuka miền Trung, Ben Ben, Quang Doanh, Auto MOBILE, Hội đồng hương Hà Tĩnh, Bảo Nam Bình Minh và U15 Huế, là minh chứng cho sân bóng đá 11 người có tính truyền thống lớn nhất địa phương này.
Không chỉ dừng lại số đội tham dự mà quan trọng là chất lượng ở các trận đấu và “thái độ” của đội bóng tham gia. Theo đánh giá của Ban Tổ chức, mùa giải năm nay chuyên môn rất cao. Một số trận đấu diễn ra hấp dẫn và kịch tính, đặc biệt là trận chung kết của giải giữa tuyển U17 Huế gặp FC Trường An với chức vô địch được xem là “sự trở lại của nhà vua” FC Trường An.
Bền bỉ và tâm huyết
Thập niên 2010 - 2020, nhắc đến bóng đá phong trào Thừa Thiên Huế, mọi người thường nhắc đến FC Trường An đầu tiên. Đội bóng được thành lập dựa vào nòng cốt các sinh viên Khoa Giáo dục Thể chất – Đại học Huế đã có lịch sử, truyền thống hàng đầu của phong trào bóng đá phủi Huế. Đội bóng của bầu Sơn là đội duy nhất vô địch tất cả các sân từ Futsal, sân 7, sân 11 và bãi biển. Kỷ lục này chắc khó có CLB nào ở Huế san bằng.
Sau nhiều năm phải “nhường ngôi” bởi có sự trỗi dậy mạnh mẽ của FC Scavi, FC Cori và FC Zuka miền Trung, năm nay FC Trường An lại vào chung kết và giành được cúp vàng lần thứ 6 tại Giải Bóng đá vô địch các CLB tỉnh Thừa Thiên Huế. Trên đường vào chung kết, FC Trường An đã vượt qua FC Cori, FC Minh Tiến để gặp đương kim vô địch U17 Huế. Thắng trận chung kết không chỉ là chức vô địch mà chính là sự trở lại của một CLB lớn của Huế, một thương hiệu gầy dựng qua hơn 10 năm.
Đáng chú ý là sự xuất hiện của tân binh FC Quý Trần. Lần đầu tiên góp mặt ở sân chơi 11 người, FC Quý Trần đã có sự chuẩn bị tốt về nhân sự. Đội bóng tổ chức tập luyện và thi đấu tập huấn trước mùa giải với một số đội bóng để qua đó chọn lựa những VĐV có chuyên môn cao. FC Quý Trần đã thi đấu rất tốt khi xếp thứ nhất tại bảng đấu, sau đó vượt qua vòng tứ kết. Ở bán kết, đội bóng tân binh Quý Trần chỉ thua các cầu thủ trẻ U17 Huế trên chấm luân lưu 11m, xếp thứ 3 tại giải lần này và được trao tặng giải phong cách.
Một Festival thu nhỏ
Các giải Futsal (trong nhà) hay sân 7 người (sân cỏ nhân tạo) có thể mở ra quanh năm. Song, bóng đá 11 người lại khác, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết khí hậu ở Huế mưa gió kéo dài. Thời điểm này là lúc nở rộ các giải bóng đá 11 người được tổ chức trên sân cỏ tự nhiên. Livestream đã trở nên quen thuộc ở các giải đấu phong trào, các trận đấu được trực tiếp trên các fanpage như: Phủi miền Trung, Phủi Cố Đô, Phủi Huế… hay kênh YouTube: Cố Đô Media.
Trong tháng 7 này, cùng lúc với Giải Bóng đá vô địch các CLB tỉnh Thừa Thiên Huế, đã có nhiều giải bóng đá truyền thống trên sân bóng 11 cầu thủ được tổ chức. Chỉ tính ở thị xã Hương Thủy có Giải Bóng đá truyền thống phường Phú Bài, Giải bóng đá Thanh niên xã Dương Hòa, Giải Bóng đá truyền thống phường Thủy Phương, Giải Bóng đá truyền thống phường Thủy Dương. Thị xã Hương Trà có Giải Bóng đá truyền thống phường Hương Văn. Huyện Quảng Điền có Giải Bóng đá truyền thống xã Quảng Vinh. Huyện Phú Vang có Giải Bóng đá làng văn hóa làng Triều Thủy, Giải Bóng đá truyền thống Thanh niên xã Phú Hồ. Thành phố Huế có Giải Bóng đá Thiếu niên phường Hương Vinh...
Để hiểu sâu sắc sự yêu thích và giá trị đích thực của các giải đấu này, hãy dừng lại ở Giải Bóng đá làng văn hóa Triều Thủy (Phú Vang). Giải đấu cấp làng này được tổ chức nhằm kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, chào mừng lễ Thu tế của làng. Giải được duy trì thường niên, là sân chơi chung cho tất cả bà con làng Triều Thủy, từ các cháu thiếu nhi đến các “lão tướng” trên 40 tuổi. Các cầu thủ đều là con cháu nội ngoại của làng. Cùng với 18 trận đấu bóng đá liên tục trong hơn nửa tháng ở sân bóng Tam Bảo, đây là lễ hội văn hóa, thể thao có ý nghĩa như một... festival thu nhỏ của làng văn hóa Triều Thủy.