Một trận đấu tại giải Futsal tỉnh 2016
Mới chỉ là cái tên
Futsal ghi tên vào danh sách những môn thể thao đáng nhớ tại Huế với định hướng sẽ trở thành môn thể thao truyền thống. Đến nay, Cố đô có 4 lần tổ chức thành công giải futsal với sự góp mặt của nhiều CLB. Song, những gì mà các chân sút thể hiện vẫn để lại cho người xem sự hoài nghi, nhất là khi tuyển Futsal Việt Nam vừa “nổ phát súng” tuyệt vời trên đấu trường quốc tế. Khi các đội bạn ở phía Nam như TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa cũng mới đầu tư cho futsal và đã định hình được vị trí của mình tại bản đồ futsal toàn quốc thì sân chơi thể thao này ở Huế vẫn được chính người Cố đô nhỏ to: “futsal “kiểu” Huế”. Nhìn vào giải futsal tỉnh lần IV – 2016 sẽ thấy, cách thể hiện của các cầu thủ trên sân có chút gì đó chưa phải của futsal. Bóng đá futsal cần lối chơi giàu kỹ thuật, tốc độ nhanh và đòi hỏi cầu thủ phải có thể lực tốt, song, thẳng thắn mà nói, người ta thấy một lối chơi trên sân cỏ đang xuất hiện tại giải đấu mà bề mặt sân là sàn gỗ.
Rõ ràng, không thể trách cầu thủ khi những gương mặt quen thuộc tại giải futsal vừa qua cũng là những người thi đấu tại các giải bóng đá sân cỏ nhân tạo, sân cỏ tự nhiên trong tỉnh. Ngoại trừ Trung tâm Thể thao Huế - nơi diễn ra giải bóng đá futsal có sân thi đấu được xem là “đúng chuẩn” nhất thì các cầu thủ vẫn phải tập luyện trên sân cỏ nhân tạo, thi đấu loại bóng không phù hợp (futsal yêu cầu loại bóng không nảy) và chiến thuật thi đấu gần như là dùng chung giữa bóng đá ngoài trời và trong nhà.
Sự khác biệt về chất liệu bề mặt sân, diện tích sân đã làm khó các chân sút, ngay sân cỏ nhân tạo tại Huế đa số cũng là sân thi đấu 7 người, trong khi đó bóng đá futsal chỉ cần 5 người. Điều này dẫn đến cầu thủ khó làm quen được lối chơi futsal và khó áp dụng chiến thuật bóng đá trong nhà với một địa điểm tập luyện không đúng.
Ông Lê Ngọc Tư, Trưởng phòng Quản lý Thể dục thể thao (Sở Văn hóa & Thể thao), Tổng Thư ký Liên đoàn bóng đá Thừa Thiên Huế thừa nhận, ngoài cái tên, bóng đá futsal tại Huế chưa thể hiện đúng chất của loại hình bóng đá trong nhà. Thiếu thốn nhiều mặt khiến bóng đá futsal ở Huế phần nào kém hấp dẫn.
Cần hướng đến chuyên nghiệp
Phải nhấn mạnh rằng, futsal Việt Nam cũng có xuất phát điểm từ bóng đá đường phố lên thành phong trào rồi tham gia các giải đấu quốc tế. Chỉ hơn 10 năm, futsal Việt Nam tiến thẳng đến đấu trường thế giới và làm được kỳ tích hạ đương kim vô địch châu Á Nhật Bản để lần đầu tiên dự Cúp Thế giới Futsal 2016 tại Colombia; rồi thầy trò Bruno Garcia đã có màn trình diễn ấn tượng khi vượt qua Italia góp mặt vào vòng 1/8.
Nhìn lại Huế, đội bóng futsal cũng bắt đầu trong khó khăn chung ấy với khát khao mãnh liệt của những chân sút đam mê thể thao “vua”. Nhiều cầu thủ chia sẻ, futsal giải quyết “cơn thèm khát” bóng đá vào mùa đông, trong khi đó, Phó Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao Lê Xuân Bình từng tiết lộ định hướng sẽ đưa futsal thành giải đấu truyền thống. Đây là cơ hội tốt để futsal tại Huế phát triển.
Cơ hội sánh vai với thách thức. Bóng đá futsal Huế cần sự chủ động từ nhiều phía, không chỉ ngành thể thao mà còn của các CLB, huấn luyện viên và cầu thủ, trong đó, phải tạo ra được chiến thuật rõ ràng cho futsal. Đồng thời, phải đầu tư cơ sở vật chất, sân tập, bóng phù hợp để hướng đến sự chuyên nghiệp.
Cố đô có những người con gốc Huế đang thi đấu futsal chuyên nghiệp như Lê Quốc Nam – trụ cột của CLB Thái Sơn Nam, Huế cũng có đội bóng futsal Vinh Hải Vinh Hiền với tên gọi Futsal.vn từng bảo vệ ngôi á quân giải futsal bán chuyên Quốc gia 2015 và giành hạng ba giải futsal 2030 seriB1 2015. Nếu tỉnh nhà có phương án “triệu hồi” họ về để giúp cầu thủ tỉnh nhà gia tăng kinh nghiệm thì tin rằng không xa, người hâm mộ thể thao “vua” Cố đô có thể vui với những kỳ tích của futsal.
Bài, ảnh: LÊ HỮU PHÚC