Thể thao trong nước

Trà My & nghị lực tuổi 20

ClockChủ Nhật, 06/01/2019 10:02
TTH - So với một số VĐV khác, thành tích của Trà My không tính là nhiều. Thế nhưng, khi biết hoàn cảnh của Trà My thì lại là chuyện khác…

Huế tham dự giải vô địch cờ tướng trẻ châu Á mở rộng 2018

Trà My (trái) luôn hoạt bát, năng nổ

Cơ duyên

Là người đầu tiên gia nhập tuyển cờ tướng tỉnh, Nguyễn Thị Trà My – cô gái 20 tuổi, hiện đang là sinh viên năm 2 Khoa Chẩn đoán hình ảnh – ĐH Y dược Huế biết đến cờ tướng từ những lần lủi thủi chơi một mình ngoài sân, dần dà là… chầu rìa bên bàn cờ tướng mấy chú, mấy bác bày ra mỗi khi ghé vào quán cà phê cóc của bà nội từ khi mới học lớp 2.

Với tầm tuổi đó, tiếng Việt đọc, viết còn chưa sõi thì làm sao phân biệt được con nào là xe, là pháo, làm sao biết pháo trùng, mã đội, song xa… mà chơi? Thì em ngồi, vừa nghe vừa nhìn, riết cũng nhớ mặt quân cờ. Thấy ai đi sao mình bắt chước đi theo, rồi mấy chú mấy bác chỉ, từ từ cũng thuộc nước, sau đó cứ thế mà vận dụng. Thường đánh với người lớn, người cao cờ hơn mình, bản thân lại có đam mê và năng khiếu, chẳng mấy chốc Trà My “lên tay”. Nhưng phải đến cuối năm lớp 8, đầu lớp 9 – thời điểm tỉnh thành lập bộ môn cờ tướng – My mới chính thức trở thành VĐV năng khiếu. “Với tài năng của My, nếu thành lập sớm em sẽ vào tuyển năng khiếu tỉnh sớm hơn nhiều”, HLV tuyển cờ tướng tỉnh Bùi Thúy Nga nhận xét.

Nếu tính từ thời điểm vào tuyển năng khiếu tỉnh cho đến bây giờ, ngoài lương VĐV 3 triệu đồng/tháng, trung bình một năm My kiếm thêm tầm 5 triệu đồng, phần thưởng từ huy chương đạt được. “Năm 2017, tiền thưởng em nhiều hơn mấy năm trước, được 10,5 triệu đồng. Còn năm nay, hy vọng nhiều hơn chút nữa nhờ 2 tấm huy chương (1 HCB, 1 HCĐ) tại giải vô địch các lứa tuổi châu Á mở rộng 2018 vừa kết thúc ngày 21/12”, Trà My thật thà.

Thật ra, nếu so với một số VĐV khác, thành tích và tiền thưởng mỗi năm của My không nhiều, có thể không kể cũng được. Nhưng một khi biết hoàn cảnh của My thì lại là chuyện khác.

Trà My (trái) trong một trận đấu tại giải vô địch các lứa tuổi châu Á mở rộng 2018

Nghị lực tuổi 20

Hai tấm huy chương lứa tuổi U.20 tại giải vô địch các lứa tuổi châu Á mở rộng 2018 là thành tích cao nhất từ khi làm quen với môn cờ tướng đến hiện tại của Trà My. Còn trước đó, Trà My chỉ góp mặt tại các giải miền Trung, giải trẻ quốc gia, dù em đủ trình độ để tham dự nhiều giải đấu đẳng cấp hơn. Nguyên do, gia đình không lo được kinh phí cho My như một số VĐV khác.

Gia đình 7 người, ba làm “thợ đụng”, mẹ bán trái cây ở chợ, đằng sau Trà My là 4 đứa em, ngoài đứa kế đang học lớp 10 ở Trường THPT Nguyễn Huệ, 3 đứa còn lại còn nhỏ. Và, số tiền hàng tháng kiếm được My phải lo toan nhiều thứ. Nhưng nếu như vậy thì cũng chưa đến nỗi quá chật vật, dù rằng gia đình My xếp vào hộ cận nghèo của phường Phú Bình.

Tháng 3/2018, sau khi thi đấu ở Quảng Bình trở về, Trà My mới biết ba mình bị tai nạn lao động. Hậu quả là phải nằm tầng 6 – Bệnh viện Trung ương Huế. Và đến bây giờ, ông Nguyễn Văn Hậu – ba của em – liệt tứ chi, nằm một chỗ, mọi sinh hoạt phải có người giúp. “Mẹ nói lúc ba bị tai nạn mẹ không dám báo, sợ em không tập trung thi đấu”, My kể, mắt đỏ hoe.

Ba là lao động chính trong nhà, giờ phải nằm liệt giường, bao nhiêu gánh nặng dồn xuống đôi vai quắt queo của mẹ với gánh trái cây miệt mài hôm sớm, dồn xuống những gương mặt non nớt của My và bầy em tuổi ăn chưa no, lo chưa tới. “Thời điểm đó, nhờ thầy cô và VĐV bộ môn cờ vừa hết lòng chung tay, vừa kêu gọi các mạnh thường quân trợ giúp nên mới trả được viện phí, thuốc thang cho ba. Cô Nga còn gọi em về dạy thêm cho các bạn học cờ ở CLB cờ Minh Tâm của 2 vợ chồng cô để tạo điều kiện cho em thêm ít tiền trang trải cuộc sống", Trà My nói.

Bất hạnh đâu đã hết. Sau mấy trận mưa dai dẳng cuối tháng 11, đầu tháng 12, căn nhà cấp 4 tuềnh toàng chật hẹp ở 336 Tăng Bạt Hổ - TP. Huế không chống chọi nổi đã đổ sập một nửa. “May gạch, vữa không rơi trúng người ba em, chứ không thì…”, My nghẹn giọng.

Câu chuyện của My, phần lớn người viết biết được qua HLV Bùi Thúy Nga, qua bạn bè của em. Và khi gặp em, mọi khó khăn, bất hạnh đang gặp phải được My “cất giấu” rất kỹ. Ba em nằm viện, mọi người đã giúp nhiều. Nhà em bị sập, thầy cô ở Trường THPT Nguyễn Huệ - nơi My và và em gái theo học - cũng giúp. Từ sự kêu gọi của mọi người, gia đình đã đủ tiền tu sửa lại nhà. “Bây giờ, em chỉ mơ ước ba có thể đứng dậy đi lại được”, My khẳng định.

Sáng lên giảng đường, vừa là sinh viên, thành viên BCH Hội sinh viên, vừa là Phó Chủ nhiệm CLB cờ của trường, trở về nhà My là chị thay mẹ chăm em, còn buổi tối lại trở thành VĐV, HLV môn cờ tướng. Bận bịu, áp lực là vậy nhưng trong ánh mắt, trong từng lời nói của em vẫn toát lên nghị lực không phải ai ở lứa tuổi em cũng có được.

“Trước một giải đấu nào đó, trong em có 2 suy nghĩ. Nếu không tham dự, sẽ “có lỗi” với đam mê. Tham dự nhưng không có thành tích thì thấy có lỗi với những người đã giúp đỡ em và gia đình thời gian qua. Đó là áp lực, nhưng cũng là động lực để em bước tiếp trên con đường học hành và theo đuổi đam mê của mình”.

Bài: HÀN ĐĂNG - Ảnh: BÙI NGA

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nghị lực của chàng trai Pa Cô

Dám theo đuổi ước mơ làm giàu trên miền đất khó, chàng trai trẻ người Pa Cô Nguyễn Văn Mạnh, trú tại xã Hồng Thái, huyện A Lưới đã trở thành tấm gương sáng về sự kiên trì và nghị lực. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, anh Mạnh không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên trở thành hộ khá giả nhờ tinh thần lao động bền bỉ và sự sáng tạo trong chăn nuôi, trồng trọt.

Nghị lực của chàng trai Pa Cô
Nghị lực của chị Hàng

Từ một người rụt rè, tự ti, chị Đỗ Thị Hàng (Phú Lộc) đã tìm cho thấy cho mình bến đỗ bình yên. Trên hành trình gian nan ấy, chị đã cùng đồng hành, sẻ chia và tiếp thêm tự tin cho những người chung cảnh ngộ mất đi thị lực.

Nghị lực của chị Hàng
Đêm hội Trăng rằm cho học sinh A Lưới

Tối 8/9 tại Nhà văn hóa xã Hồng Thượng (A Lưới) UBND huyện A Lưới tổ chức chương trình Đêm hội Trăng rằm cho các em học sinh Trường tiểu học Hồng Thượng.

Đêm hội Trăng rằm cho học sinh A Lưới
Xóm Huế ở rừng Trà My

Nói là xóm nhưng tập trung chủ yếu ở thị trấn Trà My, rồi nằm rải rác ở thôn Lâm Bình Phương, xã Trà Sơn...

Xóm Huế ở rừng Trà My
Nghị lực chiến thắng bệnh tật

Do bị COVID-19 nên bệnh viện chỉ cho một người nhà vào chăm. Người nhà không được phép đi ra khỏi cổng bệnh viện, nên chị báo cơm ở khoa dinh dưỡng.

Nghị lực chiến thắng bệnh tật
Return to top