|
|
Chị Hàng nỗ lực mỗi ngày trong công việc và đồng hành với những người có chung cảnh ngộ |
Gian nan
Gia cảnh khó khăn, mẹ tảo tần bán buôn nhỏ lẻ, ba không may bị glocom mắt bẩm sinh, số phận lại trớ trêu vì từ khi sinh ra, thị lực của chị Hàng đã yếu sẵn. Không có bạn bè, cuộc sống khép kín trong bốn bức tường. Mơ ước lúc đó của cô bé Hàng là được như bao bè bạn, vui đùa và cắp sách đến trường.
Tưởng rằng sau khi mổ mắt, mơ ước đó sẽ được chạm tay tới, thế nhưng mọi chuyện lại chẳng được như ý nguyện. Chị Hàng kể: “Dù đã can thiệp nhưng thị lực của mình vẫn mờ dần. Rồi một ngày nọ, mình vĩnh viễn mất đi ánh sáng”.
Một tia hy vọng khác mở ra, đó là năm cô bé Hàng lên 7 tuổi. Đỗ Thị Hàng lúc ấy bắt đầu được tham gia học tập và sinh hoạt tại Trung tâm Giáo dục hướng nghiệp Trẻ em mù tỉnh. Tại nơi đây, cùng với việc học chữ nổi braille, học hát, học đàn và phục hồi chức năng, Đỗ Thị Hàng có cơ hội tiếp cận và khi lớn lên, chị chọn nghề massage xoa bóp phục hồi sức khỏe để theo học. Cũng trong thời điểm này, chị làm quen với anh Trần Văn Mơ, người bị khuyết tật vận động yếu một bên chân. Sự khiếm khuyết đã thắp lửa cho hai trái tim, gắn kết và mở ra cánh cửa mới cho đôi vợ chồng trẻ.
Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, những tưởng sự khắc nghiệt của cuộc sống đã qua đi khi tình yêu đơm hoa kết quả, nhưng khi sinh con ra (chị Hàng sinh 2 lần, trong đó có lần sinh đôi), một lần nữa chị Hàng lại đối mặt với sự thật nghiệt ngã. Các con không may lại bị bệnh về mắt bẩm sinh khiến thị lực suy giảm. Là người vợ, người mẹ, chị đau đớn muốn ngã quỵ, nhưng nụ cười của con cùng những nỗ lực của người chồng tật nguyền đã giúp chị xốc lại tinh thần.
Chị bộc bạch: “Mình buồn lắm chứ, nhưng chuyện không mong muốn này vẫn cứ xảy ra. Nếu không cố gắng hết sức thì mình sẽ có lỗi với con vô cùng. Nhưng dù chạy chữa khắp nơi, thị lực của các con vẫn chỉ được cải thiện chứ không hồi phục hoàn toàn. Một lần nữa Trung tâm Giáo dục hướng nghiệp Trẻ em đã trở thành nơi mang đến hy vọng, nơi con mình có thể học tập và hòa nhập như bao bạn bè đồng trang lứa”.
Nỗ lực
Trải qua bao thăng trầm, giờ đây các bé đã thích nghi với môi trường mới. Chị Đỗ Thị Hàng lại có thêm động lực để trau dồi tay nghề massage và nỗ lực hết sức mình để những người có chung cảnh ngộ vượt khó vươn lên.
Ông Trần Khanh, Chủ tịch Hội Người mù (HNM) huyện Phú Lộc, cho biết: “Dù còn trẻ nhưng với nghị lực và năng lực của mình, chị Đỗ Thị Hàng đã được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch HNM huyện Phú Lộc. Cùng với các hoạt động hỗ trợ, chăm lo cho hội viên người mù, khiếm thị, chị đã cố gắng, nỗ lực mỗi ngày để vận động, kết nối với các mạnh thường quân, xây dựng những chương trình, hoạt động hữu ích. Từ đó, từng bước cải thiện sinh kế cho người mù, người khiếm thị tại địa phương”.
Đầu năm 2023 đến nay, Huyện hội Phú Lộc đã tăng cường vận động các tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân trao hơn 800 suất quà cho hội viên với tổng trị giá trên 330 triệu đồng. Hơn 25 hội viên trên địa bàn cũng đã được tạo điều kiện vay vốn thông qua các dự án và nguồn vốn vay không lãi.
Từ nguồn vốn vay này, nhiều hội viên mù, khiếm thị đã nâng cao được thu nhập khi mua sắm thêm trang thiết bị, công cụ lao động để phát triển sản xuất, chăn nuôi. Ngoài ra, lớp dạy nghề kỹ thuật chăn nuôi và phòng bệnh cho gia cầm được tổ chức đã mang đến sự tự tin và kiến thức chăn nuôi cho 15 học viên tại địa phương.
Chị Đỗ Thị Hàng chia sẻ: “Với những người có đủ điều kiện sức khỏe, công tác dạy nghề và tạo việc làm là vô cùng quan trọng để hội viên phát huy năng lực, sở trường, tự tạo nên thu nhập để nuôi sống bản thân và tìm niềm vui trong cuộc sống. Bởi thế, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục khảo sát nhu cầu cũng như năng lực của hội viên để dạy nghề, tạo thêm nhiều việc làm phù hợp, góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho hội viên mù, khiếm thị”.