Thể thao

Từ sới vật ở làng đến võ đài quốc tế

ClockChủ Nhật, 25/02/2024 11:37
TTH - Về thị trấn Sịa (Quảng Điền) xem vật ở đình làng Thủ Lễ, tôi lại nhớ đến đô vật nữ Nguyễn Thị Mỹ Trang, đương kim vô địch SEA Games có dịp gặp ở hội vật truyền thống dân gian này cách nay hơn 6 năm.

Nguyễn Thị Mỹ Trang giành HCĐ tại giải vật U23 châu Á 2023 Môn vật cũng “bội thu vàng” ở SEA Games 32Hào hứng hội vật làng Thủ Lễ

Pha tranh tài gay cấn của các đô vật thanh niên tại hội vật làng Sình Tết Giáp Thìn 2024 

Mùng 6 Thủ Lễ, mùng 10 làng Sình

Hiếm có vùng đất nào như Thừa Thiên Huế, chỉ trong vòng 10 ngày đầu năm mới đã diễn ra 2 hội vật làng nổi tiếng trong phạm vi không gian có bán kính không quá 10 cây số, là Thủ Lễ và Lại Ân (quen gọi là làng Sình).

Cứ mùng 6 tháng Giêng âm lịch hàng năm, sới vật Thủ Lễ lại rộn ràng và sôi nổi với những màn tranh tài đẹp mắt của các đô vật trẻ. Không gian của hội vật được tổ chức tại khuôn viên sân trước đình làng Thủ Lễ (Quảng Điền). Đây là di tích đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1998. Tương truyền, hội vật Thủ Lễ được hình thành và phát triển từ thời các chúa Nguyễn, nhằm tuyển chọn những binh sĩ có sức khỏe tốt để tham gia vào các đội quân của triều đình. Sau này, hội vật Thủ Lễ được khôi phục và trở thành hoạt động văn hóa thể thao của người dân địa phương vào dịp đầu xuân.

Bốn ngày sau vật Thủ Lễ, đến lượt xã Phú Mậu (TP. Huế) trống giong cờ mở, đến hẹn lại lên tổ chức hội vật Sình có lịch sử chừng 400 năm. Lại Ân (làng Sình) là một trong những ngôi làng được hình thành khá sớm ở Đàng Trong, nằm ven sông Hương, ở hạ lưu ngã ba Sình. Đây cũng là địa chỉ cuối cùng về phương Nam còn lưu giữ truyền thống vật võ. Hội vật làng Sình đã trở thành một sân chơi đầu xuân đầy ý nghĩa, là điểm du lịch lý thú cho du khách để cứ mỗi độ xuân về, ngoài yếu tố tâm linh truyền thống còn là một hoạt động vui, khỏe đầy tinh thần thượng võ.

“Lấm lưng, trắng bụng”

Tại hội vật làng Thủ Lễ, các đô vật tranh tài ở 2 nội dung là truyền thống và tự do. Họ phải vượt qua vòng đấu loại, giành chiến thắng trước hai đối thủ. Vượt qua vòng bán kết, đô vật lọt vào vòng chung kết. Các đô vật không được ra các đòn đánh nguy hiểm mà phải hạ đối thủ “lấm lưng trắng bụng”, tức là vật để đối thủ chạm lưng xuống đất.

Hội vật Thủ Lễ xuân Giáp Thìn 2024 thu hút sự tham gia của gần 100 đô vật là những thanh, thiếu niên khỏe mạnh đến từ nhiều địa phương. Khán đài chật kín người, ai cũng háo hức chờ đợi những màn biểu diễn đẹp mắt. Các đô vật thi đấu với tinh thần thể thao cao thượng, cống hiến cho khán giả những màn vật đẹp mắt và đầy kỹ thuật.

Cũng tìm thấy ở vật làng Sình tinh thần thượng võ và luật thi đấu đánh ngã đối thủ ở tư thế “lấm lưng trắng bụng”, đồng thời, giữ hoặc đè được đối thủ trong vòng 5 giây là thắng... Những đòn nguy hiểm như bẻ, vặn khóa trái khớp, tấn công vào hạ bộ, yết hầu, mắt… hoàn toàn cấm. Các đô vật tham gia được phân thành nhóm lứa tuổi, đô vật nào thắng 3 trận sẽ được vào vòng bán kết, rồi chung kết. Một đô vật của làng nào bị thua sẽ có đô vật khác lên tiếp sức.

Vẫn như mọi năm, thôi thúc theo câu ca “Dù ai đi đó đi đây/Ngày Mười hội vật nhớ quay về Sình”, ngay từ sáng sớm, đã có hàng ngàn người dân và du khách kéo về làng Sình là bãi đất bồi, nơi có địa thế bằng phẳng, rộng rãi để cùng dự hội. Hội vật làng Sình xuân Giáp Thìn 2024 thu hút hơn 50 đô vật tham dự, là hoạt động nằm trong khuôn khổ của chương trình Festival Tết Huế.

Bước ra từ sới vật sân đình

Trở lại với đô vật Nguyễn Thị Mỹ Trang ở hội vật làng Thủ Lễ tết Mậu Tuất - 2018. Năm ấy, nữ đô vật tròn 17 tuổi đã sở hữu tấm HCV Đông Nam Á và HCĐ giải trẻ châu Á 2017. Còn nhớ, chia sẻ sau khi vừa cống hiến những món võ điệu nghệ, Mỹ Trang hào hứng: “Đây là lần thứ 3 em tham gia đấu vật tại Thủ Lễ. Em thấy rất vui và hào hứng vì đã mang đến lễ hội và khán giả những màn biểu diễn võ đẹp, khiến người xem thích thú”.

Không phải ngẫu nhiên mà cùng với điền kinh, cờ vua, taekwondo, karatedo và bơi - lặn, môn vật lại được tỉnh xác định là bộ môn thể thao trọng điểm nhóm 1, được tập trung đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025. Ở các giải đấu quốc nội, vật gần đây được xem là “mỏ vàng” huy chương của thể thao Thừa Thiên Huế. Mới đây nhất, tại Giải vô địch vật cổ điển, vật tự do quốc gia 2023, đoàn Thừa Thiên Huế xuất sắc vượt lên xếp thứ nhất toàn đoàn nội dung vật tự do nữ.

Cũng chính Nguyễn Thị Mỹ Trang cùng chị là Nguyễn Thị Mỹ Hạnh và các đồng đội ở môn vật đã giúp thể thao Thừa Thiên Huế “mở mặt, mở mày” trên đấu trường danh giá ở khu vực và châu lục. Mỹ Trang có 2 kỳ SEA Games liên tiếp gần đây ở Việt Nam và Campuchia giành được HCV. Còn với Mỹ Hạnh, đó là lần thứ 3. Cô chị còn là chủ nhân của tấm HCĐ tại ASIAD 2018.

Quê của chị em Mỹ Hạnh và Mỹ Trang (thị trấn Sịa) gần với làng Thủ Lễ. Nguyễn Thị Mỹ Hạnh có lần chia sẻ, mỗi dịp đầu năm, tiếng trống hội và hình ảnh sới vật luôn thôi thúc khiến cô không thể ngồi yên ở nhà. Gặp duyên tuyển vật Huế về tuyển quân, Hạnh nhớ lại hình ảnh những trận đấu trên sới cát, vận dụng ngay vào thử thách của ông thầy tuyển vật và ngay lập tức Hạnh nhận được... cái gật đầu.

Bài, ảnh: Bá Trí
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiếp tục hoãn các hoạt động thể thao dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu

Chiều 30/1, ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao thông tin, sau chỉ đạo của UBND tỉnh trong ngăn ngừa lây nhiễm COVID-19, sở đã lên phương án tạm dừng các hoạt động thể thao trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 nếu những ngày tới tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp.

Tiếp tục hoãn các hoạt động thể thao dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu
Return to top