Thể thao

Võ Hổ bên dòng sông Phổ Lợi

ClockThứ Ba, 01/02/2022 07:30
TTH - Trên hành trình theo chân chúa Nguyễn đi mở cõi về phương Nam, hậu duệ của Võ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, đã để lại một nhánh Nguyễn Hữu bên dòng sông Phổ Lợi (huyện Phú Vang) và từ đây khai sinh ra môn phái Võ Hổ lưu truyền cho đến hôm nay.

Võ sư Đoàn Phú trình diễn các thế Võ Hổ với tiếng gầm của Hổ hống quyền

Võ học trong hành trình mở cõi

Dọc theo đôi bờ sông Phổ Lợi chảy song song với tuyến Quốc lộ 49 (Huế - Thuận An) là những làng quê thuần nông yên bình như Dưỡng Mong (phường Phú Thượng), Dương Nổ (xã Phú Dương) nguyên trước đây thuộc huyện Phú Vang, nay đã sáp nhập vào TP. Huế. Sự ra đời của dòng sông đào như một kỳ tích của bàn tay con người cũng chính là “kỳ duyên” để nơi đây xuất hiện môn phái võ thuật sáng tạo độc đáo của người Việt, lấy tinh hoa của loài hổ làm triết lý tập luyện. Hiện Tổ đường của môn phái Võ Hổ (Bạch Hổ sơn quân) nằm ở thôn Trung Đồng (phường Phú Thượng).

Võ sư Đoàn Phú, con trai của bà Nguyễn Hữu Thị Trúc, em gái của cố võ sư chưởng môn đời thứ 19 của môn phái Bạch Hổ sơn quân Nguyễn Hữu Cẩn cho biết, môn phái Võ Hổ ở Cố đô Huế vốn là môn võ gia truyền của dòng họ Nguyễn Hữu, một nhánh hậu duệ của Võ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh (1650-1701), ông cũng là Tổ sư sáng lập của môn phái Võ ta - Bạch Hổ.

Theo tư liệu lịch sử, Võ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh (sinh năm Canh Dần (1650) tại xã Chương Tín, huyện Phong Lộc nay là xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) là con trai thứ ba của ông Nguyễn Hữu Dật (tước Chiêu Vũ Hầu) vốn xuất thân trong dòng dõi võ tướng. Ông đã lập được nhiều chiến công và được chúa Nguyễn Phúc Tần phong chức Cai cơ (một chức võ quan thuộc bậc cao) vào lúc tuổi độ hai mươi. Vì sinh năm Dần lại có vóc dáng hung dũng, có nước da ngăm đen, võ thuật cao thâm nên ông được người đương thời tôn xưng danh hiệu “Hắc Hổ”.

Trên hành trình mở cõi phương Nam, dòng họ võ tướng Nguyễn Hữu đã để lại một chi họ Nguyễn Hữu tại vùng đất Phú Vang, Thừa Thiên Huế. Hiện nhà thờ phái Nguyễn Hữu nằm tại thôn Mai Xuân, làng Dương Nổ - xã Phú Dương- huyện Phú Vang (nay thuộc TP. Huế).

Võ sư Đoàn Phú cùng với các môn sinh trong buổi tập luyện

Kỳ duyên cho “hổ về làng”

Sách Đại Nam thực lục (quyển 154), có chép rằng, năm Ất Mùi (1835), vua Minh Mạng ra chỉ dụ cho tỉnh Thừa Thiên đào sông Phổ Lợi. “Vua dụ Nội các: Từ bến sông Hương do sông lớn và sông nhỏ, đều có thể đến cửa biển Thuận An. Nhưng sông cái quanh co, đường xa, không bằng con đường từ La Ỷ đến Võng Đàm, sông nhỏ đường tắt thẳng gần, chỉ nỗi nông cạn, lúc nước xuống lại không đi thuyền được... Sai Kinh doãn Hồ Hựu đến khám tận nơi. Cứ như lời Hồ Hựu tâu chỉ khơi vét một vài chỗ nông cạn cho sâu và rộng, thì có thể đi thuyền suốt được. Vậy sai thuê 1.500 dân phu, sâu hơn 3 thước, rộng trên dưới 5 trượng, gọi là sông Phổ Lợi”.

Đến năm 1839, khi sông Phổ Lợi bị bồi lấp, vua sai Võ tướng Tạ Quang Cự, Đô thống Trung quân Đô phủ Chưởng phủ sự, phụ trách việc nạo vét sông Phổ Lợi kiêm coi trường đào tạo võ quan Anh Danh. Theo những người con cháu của dòng họ Nguyễn Hữu ở Phú Thượng cho biết, thời điểm đó, cụ tổ của nhánh họ Nguyễn Hữu là Nguyễn Hữu Hóa, hậu duệ của Nguyễn Hữu Cảnh là một võ quan giữ chức Đội trưởng Nội hầu, thuộc Trung quân Đô phủ của triều Nguyễn.

Đô thống Tạ Quang Cự đã cử Đội trưởng Nội hầu Nguyễn Hữu Hóa trông coi công việc nạo vét khơi thông dòng Phổ Lợi. Từ đây, ông Nguyễn Hữu Hóa đã định cư và truyền dạy môn phái Bạch Hổ sơn quân cho con cháu. Đến đời cụ Nguyễn Hữu Khánh (cháu nội ông Nguyễn Hữu Hóa) chưởng môn thứ 18 môn võ này mới bắt đầu truyền dạy ra bên ngoài. Đến đời của con cụ Nguyễn Hữu Khánh là võ sư Nguyễn Hữu Cẩn thì môn võ này mới phát huy rộng rãi.

Độc đáo Võ Hổ

Cùng với anh trai của mình là cố võ sư Nguyễn Hữu Cẩn, người con gái của cụ Nguyễn Hữu Khánh là bà Nguyễn Hữu Thị Trúc cũng được cha truyền dạy võ học. Vốn thụ hưởng võ học chân truyền từ cha, bà Nguyễn Hữu Thị Trúc sau này đã truyền dạy võ học cho con trai là võ sư Đoàn Phú, hiện là chưởng môn của môn phái Võ ta - Hổ Quyền đạo, ở làng Dương Nổ.

“Võ Hổ là một sáng tạo tuyệt vời của người Việt, lấy các động tác hình tượng của hổ trong chiến đấu sinh tồn mô phỏng, kết hợp với nguyên lý âm dương (cương - nhu), ngũ hành (tương sinh, tương khắc…) để hình thành nên các đòn thế, quyền cước tập luyện, xây dựng triết lý võ học mang bản sắc của môn phái. Võ Hổ bên ngoài (dương) luyện gân cốt, da thịt, cơ bắp làm đường nét quyền cước; bên trong (âm) luyện khí, nội lực, kình lực làm nền tảng của sức khỏe, võ công”. Võ sư Đoàn Phú, chia sẻ.

Từ nền tảng đó hình thành nên các bộ quyền: Hổ quyền (Cương quyền): Lấy cái mạnh mẽ, hùng dũng, oai vệ, dữ dằn (nhe nanh, giương vuốt) để uy hiếp, khống chế rồi triệt hạ đối thủ bằng một đòn thế quyết định và tiếng gầm hét (Hổ hống quyền) oai vệ. Hổ vĩ quyền (Nhu quyền): Lấy cái mềm dẻo, uốn lượn trong mềm mà cứng, trong cứng có mềm của đuôi Hổ (Hổ vĩ) khi gầm gừ, quẫy đuôi phóng tới chụp mồi một cách chính xác làm hình tượng. Nên trong các đòn thế Hổ vĩ quyền thường khéo léo, khi kéo tới vừa tầm, thì mượn lực đẩy vòng lui làm cho địch “hạ thổ”. Mượn sức địch để đánh địch, gài địch, khóa địch rồi, triệt địch bằng Hổ quyền.

Trong các bài quyền Hổ của Võ ta - Hổ Quyền đạo: Hổ quyền, Hổ vĩ quyền phối triển lẫn nhau một cách hài hòa, khéo léo để đạt được hiệu quả cương - nhu trong thi triển bài quyền hầu luyện thành thân, thủ, cước, nhãn pháp nhuần nhuyễn làm cho nội lực, khí lực phát tác qua kình lực, thần lực của từng bài quyền tương ứng.

Bên cạnh Hổ quyền, Hổ vĩ quyền, nét đặc sắc nhất của Võ Hổ là Hổ hống quyền: luyện tiếng gầm thét của hổ để trước tiên là để thông khí nở phổi, làm cho tiếng nói rang rảng, tỏ rõ oai phong của người luyện võ và cũng là phương tiện làm cho đối phương kinh sợ, bải hoải tay chân để rồi khống chế đối phương mà kết thúc trận đấu.

Các bài quyền của Võ Hổ, gồm có 1 Hổ Nhi sơ quyền, 2 Hắc Hổ trảo quyền, 3 Thanh Hổ tứ quyền, 4 Xích Hổ lôi quyền, 5 Hoàng Hổ nhất quyền, 6 Bạch Hổ hoa quyền, 7 Ngũ Hổ trấn sơn quyền, 8 Hổ Hống quyền. Bên cạnh đó, về võ dưỡng sinh còn có Bạch Hổ hoa quyền và Ngọa Hổ dưỡng sinh công.

Võ sư Đoàn Phú đã ngoài 70 tuổi nhưng thân thể ông vẫn cường tráng, tiếng nói âm vang đầy nội lực. Mỗi chiều, khi môn sinh đến, ông khoác võ phục ra sân đi quyền, dạy võ cho học trò. “Võ học cốt tủy là để dạy cho con người có sức khỏe, sống tự tin, không khiếp sợ trước gian tà, bạo ngược. Lấy nhân - nghĩa - lễ - trí - tín làm phương châm hành động. Người có võ do đó làm gì, ở đâu cũng có được sự trầm tĩnh, tự tin trong cuộc sống, lấy trí dũng phò nguy, giúp đời, giúp người, đóng góp, xây dựng và bảo vệ đất nước ”. Võ sư Đoàn Phú, chia sẻ.

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cho những dòng sông luôn sạch

Dòng sông Hương trong xanh, êm đềm trôi qua lòng TP. Huế đã trở thành một biểu tượng đặc trưng của vùng đất Cố đô. Đằng sau hình ảnh nên thơ ấy là sự cống hiến âm thầm của những người công nhân môi trường ngày ngày vớt rác, để giữ gìn vẻ đẹp tự nhiên và sự trong lành cho sông Hương cũng như các dòng sông khác tại Huế.

Giữ cho những dòng sông luôn sạch
Khơi thông thủy đạo, mở rộng khẩu độ thoát lũ

Dự án Hệ thống thoát lũ Phổ Lợi - Mộc Hàn - Phú Khê hoàn thành sẽ khơi thông tuyến thủy đạo đi qua các xã, phường phía đông của TP. Huế. Từ đó, khẩu độ cống Diên Trường được mở rộng sẽ góp phần tiêu thoát nước nhanh, giảm ngập cho TP. Huế.

Khơi thông thủy đạo, mở rộng khẩu độ thoát lũ
Ý tưởng sáng tạo từ tình yêu các dòng sông xứ Huế

Sinh ra và lớn lên ở Huế, Nguyễn Đình Nhật Nguyên luôn có tình yêu tha thiết với vùng đất quê hương. Từ niềm trăn trở khi chứng kiến các dòng sông ở Huế thơ mộng nhưng lượng bèo lục bình nổi trôi trên mặt sông đã làm mất đi vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên, Nguyên đã cùng nhóm bạn bắt tay thực hiện dự án mang tên A.N Paper – Sản xuất giấy từ bèo lục bình.

Ý tưởng sáng tạo từ tình yêu các dòng sông xứ Huế
Miên man với dòng sông “mưa trong nắng đục”

Mới đây, trên Thừa Thiên Huế Online có bài viết “An Cựu - Dòng sông tuổi thơ tôi” của tác giả Dương Đăng Bảo Khánh. Sau khi đọc bài, có bạn đọc gửi thư đề nghị tòa soạn lý giải giúp vì sao sông An Cựu lại “nắng đục mưa trong”?

Miên man với dòng sông “mưa trong nắng đục”
Return to top