ClockChủ Nhật, 01/09/2024 14:55

Miên man với dòng sông “mưa trong nắng đục”

TTH - Mới đây, trên Thừa Thiên Huế Online có bài viết “An Cựu - Dòng sông tuổi thơ tôi” của tác giả Dương Đăng Bảo Khánh. Sau khi đọc bài, có bạn đọc gửi thư đề nghị tòa soạn lý giải giúp vì sao sông An Cựu lại “nắng đục mưa trong”?

Dạo bước dòng HươngAn Cựu - Dòng sông tuổi thơ tôiLàm xanh, sạch các dòng sông

 Mùa hoa nở bên dòng sông An Cựu

“Nắng đục mưa trong” - từ câu ca đến thực tế

Thật ra đây là câu hỏi không mới, xưa nay từng được nhiều người “đăng đàn” giải thích. Có người dẫn truyền thuyết nhuốm màu thần bí, rằng quá trình đào sông An Cựu người ta đã vô tình động vào hang của một con giao long khiến cửa hang bị mở, mỗi khi trời nắng, con giao long bị nóng nên vùng vẫy khuấy đảo làm đục sông. Ngược lại, khi trời mưa mát mẻ, giao long nằm im, sông không bị khuấy đảo nên lắng trong là do vậy. Có người thì lý giải do An Cựu là sông đào, nhận nước từ sông Hương chảy về phá Hà Trung và ra biển, những ngày mưa nước vẫn ít khi đục vì sông ít nhận được nước đổ từ nguồn mà… “chỉ chứa nước mưa” nên trong. Còn mùa nắng hạn, sông cạn đến mức có thể nhìn đến đáy sông, đáy sông lại có lớp bùn vàng đục nên nhiều người lầm tưởng là sông đục. Lại có người lý giải do đây là con sông được triều đình cho đào để phục vụ nông nghiệp là chính. Mùa nắng, nông gia tập trung tát nước dẫn vào ruộng để chống hạn, hàng vạn chiếc gàu hoạt động, khuấy đảo làm cho sông bị đục. Còn mùa mưa chẳng ai lấy nước làm gì, sông được yên tĩnh nên trong xanh…

Nói chung có nhiều cách giải thích, song chưa thấy ai “chốt” lại cách giải thích nào là chính xác. Còn tôi, một người đã ở tuổi U60, sinh ra và lớn lên bên dòng sông An Cựu thì lại thấy hơi khác. Sống với cha mẹ nơi ngôi nhà nhỏ dựng ngay sát cạnh bờ sông, trên đường Vạn Vạn (nay là đường Hải Triều) nên không ngày nào là tôi không “chạm mặt” dòng sông, được nhìn ngắm dòng sông trong đủ cung bậc thời tiết của cả 4 mùa xuân hạ thu đông, năm này qua năm khác. Từng nghe câu “nắng đục mưa trong” và để ý xem thử, nhưng rồi thấy thực tế dường như không như vậy. Vào mùa mưa, nhất là những ngày mưa to gió lớn, nước nguồn đổ về, ngoài sông Hương thế nào thì chi lưu An Cựu cũng thế ấy. Nước đục ngầu, cuồn cuộn chảy, tốc độ chảy có khi còn dữ dội hơn cả dòng sông “mẹ” bởi An Cựu có lòng sông hẹp, dòng nước đổ về bị “tức” cho nên nhìn rất dữ dội. Không hề giống cách giải thích vào mùa mưa, sông An Cựu không nhận nước từ nguồn. Về mùa nắng, mấy chị em tôi thường “tản cư” lui cái chái phía sau nhà dựng ngay trên mặt nước để hứng gió sông. Dòng sông trong veo, không một gợn đục, đến mức có thể nhìn thấy những chú tôm, những con cá bống nhỏ đang kiếm ăn ở sát đáy phía gần bờ. Còn xa phía ngoài chút nữa, có thể thấy rõ hàng trăm con cá mương kéo nhau đi thành đàn. Mặc cho cha mẹ hò hét, lũ con nít chúng tôi không đứa nào chịu ngủ trưa, cứ say sưa ngắm các lão ngư khoan thai trên những chiếc ghe nhỏ để câu cá phác lác; hay kiên nhẫn với chiếc vó trong tay dõi tìm dấu vết để bắt cá gáy (cá chép)…  Thích nhất là buổi chiều khi trời vừa dịu nắng, với sự trợ giúp của người lớn, lũ trẻ chúng tôi được ào xuống dòng nước trong xanh, mát rượi mà tắm táp, bơi lội thỏa thích. Còn nhớ ngay giữa dòng sông, đoạn trước ngôi nhà của gia đình Giáo sư Đặng Văn Ngữ có một “bãi cát”, lũ trẻ chúng tôi thường được người lớn dìu ra đây mà chơi đùa, lặn ngụp. Gọi “bãi cát” bởi khu vực này toàn là cát vàng rất sạch và khá cạn, nước chỉ ngang ngực lũ trẻ nên người lớn cũng dễ để mắt quản lý.

Nhắc lại những kỷ niệm ấy để khẳng định rằng, sông An Cựu không đục vào mùa nắng, ít ra là với những gì mà tôi và những người bạn cùng lứa chứng kiến. Còn về xa xưa nữa thì chưa dám khẳng định, nhưng cũng rất có khả năng như cách lý giải, do phục vụ nông nghiệp, vào mùa nắng, nông dân vùng hạ lưu tập trung lấy nước vào ruộng, xưa chưa có cơ khí nên hàng ngàn, hàng vạn chiếc gàu thi nhau vục nước khiến dòng sông bị khuấy động làm đục nước, nghe có vẻ hữu lý. Sau này do có máy móc, nước được hút vào ruộng nhẹ nhàng êm thấm, sông không bị khuấy đục vào mùa nắng nữa là bởi vậy(?).

Việc thu dọn rác được Công ty CP Môi trường và Công trình Đô thị Huế duy trì hàng ngày trong nỗ lực bảo vệ môi trường cho dòng sông 

Kho tài nguyên chờ “gõ cửa”

Sau ngày hòa bình thống nhất (1975), để ngăn mặn xâm nhập, bảo vệ nông nghiệp, cống cửa Khâu được xây dựng, nước sông An Cựu vào mùa nắng cạn hẳn do bị ngăn dòng, cộng thêm lượng dân cư mỗi lúc mỗi thêm đông, ý thức bảo vệ môi trường kém, khiến dòng An Cựu trong xanh thuở nào bị ô nhiễm nghiêm trọng, dòng sông “nắng đục mưa trong” chuyển sang mùa nào cũng đục khiến cho bao nhiêu người phải buồn, phải tiếc.

May thay, với sự đầu tư nâng cấp đập Thảo Long; đặc biệt là chủ trương giải tỏa, định cư, tái định cư các hộ dân vạn đò, dân sống ven 2 bờ gắn với đầu tư nạo vét, chỉnh trang; triển khai thực hiện dự án cải thiện môi trường nước trên địa bàn các phường phía nam TP. Huế bằng nguồn vốn ODA Nhật Bản...  môi trường, cảnh quan đôi bờ sông An Cựu đã được hồi sinh và nâng cấp. Các loại cá, tôm cũng vì vậy mà ngày càng nhiều trở lại, cây xanh, hoa lá đôi bờ ngày mỗi tốt tươi… Đến mùa, ô môi, hoàng điệp, muồng anh đào, cúc dại đua nhau khoe sắc làm bừng sáng cả một góc đô thị Huế. Và không dừng lại, bức tranh này còn tiếp tục lấp lánh hơn nữa khi đường sá, cơ sở hạ tầng khu vực hạ lưu dòng sông đang tiếp tục được đầu tư nâng cấp; khi tinh thần “Ngày Chủ nhật xanh”, “Nhặt một cọng rác bạn đã làm cho Huế sạch hơn”… vẫn đang được duy trì, hưởng ứng và tỏa lan mạnh mẽ trong cộng đồng.

Sông An Cựu - Dòng sông cổ tích, dòng sông tâm thức của nhiều thế hệ con dân xứ Huế. Dọc đôi bờ con sông là nhiều địa danh, nhiều công trình nổi tiếng gắn với lịch sử, với văn hóa của vùng đất, quỹ tài nguyên ấy thừa sức để xây dựng một tour tham quan, trải nghiệm ấn tượng bằng thuyền hoặc bằng xe đạp… Trong một bài viết trước đây, chúng tôi đã từng đề xuất và nay vẫn mong đề xuất ấy đến được với những người làm du lịch. Chưa tính xa xôi, chỉ tính từ đầu nguồn tiếp giáp sông Hương về đến cầu An Cựu thôi đã có nhà hát Sông Hương quy mô 1.000 chỗ; Ga Huế - ga tàu hỏa cổ xưa nhất Việt Nam (1908); Bến Ngự - nơi vua Nguyễn cập thuyền lên tế Nam Giao; Bến Ngự còn là địa danh gắn liền với tên tuổi nhà yêu nước Phan Bội Châu; Lạc Tịnh Viên - Khu nhà rường mẫu mực của Huế đã được công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật; Phủ Tùng Thiện Vương - Phủ của ông hoàng Miên Thẩm có tài thơ đến nỗi vua Minh Mạng phải thốt lên “Thi đáo Tùng Tuy thất thịnh Đường”. Xuôi về chút nữa là nhà Đức Từ Cung - Nơi bà Thái hậu cuối cùng của vương triều Nguyễn sống những ngày tháng cuối đời; Cung An Định  - “Viên ngọc lộng lẫy giữa xứ Huế mộng mơ”, nay còn biết đến như một phim trường đình đám. Rồi nhà thờ Chánh tòa Phủ Cam và Dòng Chúa Cứu Thế - 2 ngôi thánh đường nổi tiếng về kiến trúc độc đáo lẫn lịch sử nằm đối xứng ở 2 bờ nam bắc; đường Nguyễn Trường Tộ thẳng đến thánh đường Phủ Cam nay vẫn còn căn hộ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng sống và sáng tác. Mà đâu chỉ chừng ấy, dọc sông An Cựu còn có nhiều địa chỉ hay ho, thú vị khác nữa, đó là cả một kho tài nguyên quý giá đang chờ được gõ cửa, khám phá.

Sông An Cựu được vua Gia Long cho khơi đào năm 1814 để tưới tiêu cho hàng vạn mẫu ruộng ở khu vực hạ lưu. Sông dài chừng 30km, lấy nước sông Hương từ đoạn cuối cồn Dã Viên, chảy qua địa phận thành phố Huế, thị xã Hương Thủy, đổ vào phá Hà Trung. Đời Minh Mạng, vua đổi tên là sông Lợi Nông và cho chạm khắc vào Cửu Đỉnh.

Diên Thống
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những gương sáng trong bảo vệ an ninh trật tự

Thông qua các mô hình về bảo vệ an ninh Tổ quốc, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều tấm gương hội viên nông dân (HVND) điển hình tham gia bảo vệ an ninh trận tự (ANTT) tại khu dân cư.

Những gương sáng trong bảo vệ an ninh trật tự
Bảo vệ thành quả loại trừ bệnh phong

Năm 2005, Thừa Thiên Huế được công nhận loại trừ bệnh phong cấp tỉnh theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Nhiều giải pháp được triển khai nhằm làm tốt công tác phát hiện bệnh, quản lý, chăm sóc tốt người bị di chứng tại cộng đồng…

Bảo vệ thành quả loại trừ bệnh phong
“Mắt thần” giám sát và bảo vệ môi trường

Hệ thống camera là một trong những điểm nhấn về phát triển dịch vụ đô thị thông minh và chuyển đổi số của Thừa Thiên Huế. Với 650 camera an ninh được lắp đặt trên toàn tỉnh phát huy tác dụng rõ rệt, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường và phòng, chống thiên tai, bão lụt.

“Mắt thần” giám sát và bảo vệ môi trường
Bảo vệ hô hấp cho nhân viên y tế

Ngày 30/8, Đoàn công tác Bệnh viện Đại học Y Hà Nội phối hợp cùng CDC Hoa Kỳ, Tổ chức Hiệp hội các Phòng xét nghiệm y tế công cộng Hoa Kỳ (APHL) đến thăm, làm việc tại Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế.

Bảo vệ hô hấp cho nhân viên y tế
Return to top