Tiến Linh (22) chạy sau đối thủ. Ảnh: thanhnien.vn
Trước đối thủ đang đứng đầu bảng B đến từ Tây Á, các cầu thủ Việt Nam chỉ có vượt trội về quyết tâm và thi đấu không bỏ cuộc, còn lại xếp dưới toàn diện cả về thể lực, tầm vóc, kỹ chiến thuật... Thống kê suốt cả hiệp 1 đội khách sở hữu tỷ lệ cầm bóng lên tới 75% và đẩy đội tuyển Việt Nam lùi sâu về sân nhà. Tình hình được cải thiện đôi chút ở hiệp 2, nhưng may nhờ sự vào cuộc kịp thời của VAR không công nhận bàn thắng của Al Muwallad do xác định Al Brikan phạm lỗi với Thành Chung trước đó, nếu không tỷ số đã là 0-2.
Sau 2 trận thua Nhật Bản và Saudi Arabia ngay trên sân nhà mới thấy thấm thía câu nói của thầy Park Hang - seo: "Cuộc đời bóng đá của tôi giờ mới hiểu kiếm 1 điểm khó thế nào". Tỷ số thua sát nút khiến nhiều người sáng mắt. Vượt qua người Thái trong cuộc cạnh tranh ngôi “ao chủ” khu vực Đông Nam Á khi đang sở hữu một thế hệ cầu thủ vàng, nhưng không hề dễ trong cuộc tranh đua ở “sông lớn” châu lục, nơi không chỉ có một hai con mà là cả một bầy cá bự, cá dữ.
Đã có nhiều ý kiến mổ xẻ và chê bai sau những thất bại liên tiếp của đội tuyển. Thế nhưng cứ hãy nhớ lại vài thập niên về trước, bóng đá Việt Nam gặp người Thái là đã run chân và… thua. Họa hoằn lắm mới có đôi trận thi đấu các đội bóng hàng đầu châu lục, nhưng chủ yếu cũng chỉ là giao hữu. Đấu thật, đấu tranh suất và tranh chức mà chơi không vỡ trận, chỉ thua với những tỷ số sít sao như các trận đấu vừa qua cũng đã là quá tiến bộ đối với bóng đá Việt rồi.
Vấn đề đáng nói trong bóng đá là đẳng cấp. Nhiều người không quên khoảnh khắc ở phút 50 trận gặp Nhật Bản, Quang Hải xử lý vô cùng kỹ thuật, mang đến cơ hội phản công cho Việt Nam. Thế nhưng ngay khi bóng đến chân Hồng Duy, hai hậu vệ Nhật Bản đã hình thành thế gọng kìm khiến hậu vệ trái của Hoàng Anh Gia Lai không thể đưa ra quyết định chính xác. Đó là ví dụ, giải thích tại sao chúng ta không thể tiếp cận cầu môn Nhật Bản.
Không chỉ riêng với Nhật Bản hay Saudi Arabia mà ngay cả Oman, thầy trò Park Hang - seo cũng không cùng… đẳng cấp và cũng chưa thể ngồi chung mâm một cách đĩnh đạc. Đội hình Việt Nam có được vài gương mặt chơi tốt và lối chơi đã hiệu quả trông thấy dưới thời thầy Park, nhưng nhìn chung vẫn còn đơn lẻ và đang dừng lại ở chiếu trên của “ao làng”. Thực tế, chính kinh nghiệm, tài năng, cộng với nền tảng thể lực tốt của Nhật Bản và Saudi Arabia giúp họ vượt trội cả trong cuộc chiến cá nhân lẫn tập thể. Hệ thống và cấu trúc của họ cũng nhuần nhuyễn đến mức sự thiếu chuẩn bị và cả mệt mỏi sau những chuyến bay dài cũng không ảnh hưởng nhiều đến phong độ.
Tìm cách để nâng cao năng lực cầu thủ rất khó, không thể là chuyện của ngày một, ngày hai. Phát triển năng lực cầu thủ không phải việc như mô hình lắp ráp, cứ lắp vào là cầu thủ phòng ngự, tấn công mạnh hơn. Nếu như dễ dàng giải quyết điều này thì đâu phải chờ đến bây giờ tuyển Việt Nam mới vào được đến vòng loại 3 World Cup 2022 khu vực châu Á như ông Park chia sẻ. Bởi vậy, thua trận và dù có “tan giấc mơ hoa” cũng chỉ buồn thôi chớ đừng lấy đó mà suy diễn và nặng lời, tội nghiệp bọn trẻ!
ĐÌNH NAM