ClockThứ Năm, 12/11/2015 09:30

“Thi Nguyệt Biều”

TTH - Nhiều người Huế còn nhớ câu phong dao: “Ruộng Đồng Di, thi Nguyệt Biều”. Nhớ vậy nhưng chẳng mấy ai hiểu rõ ngọn nguồn của nó. Tôi hỏi vài người thì được trả lời “đâu đó ngày xưa, bây giờ ít nhắc lắm”.

Thì ra đấy là người xưa muốn nói về hai ngôi làng cổ của xứ Thuận Hóa: Làng Đồng Di và Nguyệt Biều. Làng Đồng Di có nhiều ruộng, làng Nguyệt Biều thì lắm con em học hành đỗ đạt, nổi tiếng khắp vùng.

Đồng Di là một ngôi làng được hình thành trước thời nhà Mạc vào đây trấn giữ. Đến thời các chúa Nguyễn, Đồng Di thuộc tổng Sư Lỗ, huyện Phú Vang, về sau đất đai mở rộng, dân cư phát triển nên được chia thành hai làng Đồng Di Đông và Đồng Di Tây, nay cả hai làng ấy đều nằm trên địa phận của xã Phú Hồ, huyện Phú Vang. Đất đai của Đồng Di mênh mông lại có nhiều ruộng tốt vào loại “nhất đẳng điền”; ruộng tốt nên cây lúa ở đây rất chắc hạt lại cho năng suất cao. Do vậy, nói đến “ruộng Đồng Di” người ta nghĩ ngay đến sự no ấm của dân làng này.
Nguyệt Biều cũng là một ngôi làng được hình thành khá sớm vào đầu thế kỷ XV. Làng đứng chân ở bờ nam sông Hương, thuộc tổng Cư Chánh, huyện Hương Thủy, nay là phường Thủy Biều, TP Huế. So với Đồng Di thì ruộng đất làng Nguyệt Biều ít hơn. Bù lại, từ rất xưa làng này đã nổi tiếng với những sản vật như thanh trà, dâu thơm, mít ngọt, riêng với thanh trà vẫn là thứ quả ngon có tiếng từng được tiến lên vua, đấy là nhờ phù sa sông Hương đem lại. Ở làng này, con dân có truyền thống học hành thi cử. Từ buổi các chúa Nguyễn mới dựng đình lập phủ Kim Long, Nguyệt Biều đã có nhiều người theo đòi nghiên bút ở Văn Miếu học cung, thi Văn chức và Tam ty. Tiêu biểu và nổi tiếng nhất là thời các vua Nguyễn. Tuy không giàu có lắm nhưng con em của làng Nguyệt Biều học hành rất xuất sắc. Vào cái thời Hán học đang còn thịnh hành, nho sinh thi đỗ Tú tài đã là một việc phi thường, nhiều nơi đã trở thành vị khai khoa cho cả làng. Người đỗ đạt thì con đường tiến thân thuận lợi và nhanh chóng. Bởi, người xưa quan niệm đi học để ra làm quan.
Còn Thi Nguyệt Biều là câu chuyện kể về hai con người học giỏi trong một nhà. Chuyện rằng, hai chú cháu của một gia đình họ Hoàng Trọng ở làng Nguyệt Biều, chịu khó dùi mài kinh sử, thi cử nhân đậu cử nhân, thi tiến sĩ thì đậu tiến sĩ lúc tuổi còn trẻ. Cũng là một chuyện hiếm thấy ở vùng đất này.
Theo Quốc triều Hương khoa lục, và Các nhà Khoa bảng Việt Nam, khoa thi Hương năm Đinh Dậu, 1837, trường Thừa Thiên lấy đỗ 32 người, trong đó có ông Hoàng Trọng Từ (cũng chép là Tự), sinh năm 1810, người xã Nguyệt Biều, tổng Cư Chánh, huyện Hương Thủy, ông đỗ thứ ba, lúc 27 tuổi. Năm sau, Mậu Tuất, 1838, ông thi đỗ Đệ Tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân. Ra làm quan tới chức Án sát tỉnh Quảng Nam.
Cũng ở Nguyệt Biều có ông Hoàng Trọng Nguyên (sau đổi là Hoàng Thiện Trường), sinh năm 1810, khoa thi Hương năm Bính Ngọ, 1846, tại trường Thừa Thiên, Hoàng Trọng Nguyên đỗ Cử nhân. Năm sau, 1847, ông thi đỗ Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, lúc 37 tuổi. Năm đầu triều Tự Đức, 1848, ông nhận chức hàm Hàn Lâm viện Biên tu được bổ đi làm Tri phủ huyện Tuy Phước, sau đổi làm Giám sát Ngự sử ở tỉnh Thanh Hóa, thăng Thị độc sung Giáo tập ở Tôn học đường. Năm Ất Mão, 1855, ông được bổ làm Lang trung Bộ Lễ, nắm giữ chức vụ Tá lý tại Tôn Nhơn phủ. Năm Đinh Tỵ, 1857, ông được bổ làm Án sát ở tỉnh Định Tường. Không lâu sau, thăng làm Thự Bố chánh tỉnh Nam Định, giữ quyền Chưởng ấn Định An Tổng đốc Quan phòng. Năm Kỷ Mùi, 1859, ông được đổi qua hàm Thái Bộc Tự khanh về làm việc ở Bộ Binh. Mùa đông năm đó, thăng Thị lang Bộ Lễ, sung đi sứ Trung Hoa, giữa lúc ông chuẩn bị lên đường thì được tin nhà Thanh xảy ra biến cố nên chuyến đi phải hoãn lại, theo lệnh vua ông lui về làm việc ở Bộ Binh.
Năm Quý Hợi, 1863, triều Tự Đức thứ 16, ông được bổ làm Tham tri Bộ Lễ, rồi chuyển sang Tham tri Bộ Hộ (tương đương Thứ trưởng ngày nay) kiêm coi ấn triện ở Đô Sát viện, về sau ông bị bệnh, mất đang tại chức.
Nói về chức vụ và chuyện làm quan của hai ông này thì người ta quên từ lâu lắm rồi. Còn chuyện học hành thi cử của hai ông – hai chú cháu Hoàng Trọng Từ và Hoàng Trọng Nguyên đều đỗ đạt cao và được ghi danh trên bia Tiến sĩ ở Văn Miếu mà người Huế thường gọi là Văn Thánh đến nay vẫn còn nhắc.
Nối tiếp truyền thống hiếu học, mấy chục năm nay con dân của làng Nguyệt Biều đã có rất nhiều người đỗ đạt thành danh trên tất cả các lĩnh vực về quân sự, y tế, văn hóa, giáo dục, khoa học tự nhiên... Quả đúng với lời xưa nói: “Linh mạch ấy đã sản sinh ra những con người như vậy”.
Mỗi lần có dịp lên thăm Văn Thánh, đứng từ sân chầu nhìn sang bờ nam sông Hương, đối diện là làng Nguyệt Biều nổi tiếng với trái thanh trà, trong tôi lại hiện lên hình bóng câu phong dao xưa: Thi Nguyệt Biều.
Dương Hoàng
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top