Thế giới

Thiệt hại do thảm họa cháy rừng tại Australia vượt mức kỷ lục

ClockThứ Năm, 09/01/2020 14:44
Thảm họa cháy rừng tại Australia được dự báo sẽ gây thiệt hại nhiều nhất trong lịch sử của đất nước này.

Thế giới hướng về Australia với hashtag #PrayforAustraliaCâu chuyện cảm động của cặp đôi Australia sau “bão” lửa cháy rừngQuyên góp, chia sẻ nỗi đau về thiệt hại do cháy rừng ở Australia

Theo đánh giá mới nhất của tập đoàn Moody, thiệt hại của Australia trong mùa cháy rừng năm nay sẽ vượt qua con số của trận hỏa hoạn “ngày thứ 7 đen”, gây thiệt hại cho nước này 4,4 tỷ đôla Australia (AUD) vào năm 2009.

Khói từ một đám cháy rừng Australia. (Ảnh: Mamamia)

Theo thống kê của các cơ quan chức năng Australia, từ đầu vụ cháy rừng đến nay, hỏa hoạn đã khiến 26 người thiệt mạng, thiêu rụi hơn 10,3 triệu héc ta đất rừng, phá hủy gần 2.000 ngôi nhà và 4.000 công trình phụ. Khoảng 1 tỷ vật nuôi và động vật hoang dã bị giết hoặc bị thương trong các vụ cháy. Các đám cháy cũng đã thải vào bầu khí quyển khoảng 400 triệu tấn CO2 và các chất gây ô nhiễm khác.

Mặc dù trong vài ngày qua, mưa nhỏ và thời tiết mát đã xuất hiện tại một vài nơi tại Australia nhưng nhiệt độ cao được dự báo sẽ quay trở lại vào cuối tuần này. Trong một thông báo vào ngày hôm nay (9/1), chính quyền bang Victoria cho biết sẽ kéo dài tình trạng thảm họa thêm 48 giờ, đồng thời đề nghị sơ tán người dân ở các khu vực nguy hiểm trong bối cảnh nhiệt độ đang tăng cao và một số đám cháy lớn có khả năng đe dọa một số thị trấn và cộng đồng dân cư.

Trong khi đó tình hình cháy rừng tại hòn đảo du lịch nổi tiếng Kangaroo Island của bang Nam Australia đang diễn biến hết sức nguy hiểm. Từ tối qua (8/1), quân đội Australia đã được huy động để sơ tán người dân địa phương. Các binh sĩ quân đội Australia đã đến từng nhà dân tại đây kêu gọi người dân đóng gói đồ đạc và sơ tán đến bờ biển phía đông của đảo.

Hôm nay (9/1), hơn 120 đám cháy tiếp tục bùng phát trên khắp bang New South Wales, trong đó gần 60 đám cháy chưa thể kiểm soát. Cũng trong ngày hôm nay, chính quyền New South Wales tuyên bố sẽ chi bổ sung 1 tỉ AUD trong 2 năm tới để hỗ trợ các cộng đồng và người dân địa phương xây dựng lại cơ sở hạ tầng bị hỏa hoạn tàn phá.

Trong một báo cáo được công bố ngày hôm nay (9/1), Cơ quan khí tượng Australia cho biết, năm 2019 vừa qua là năm nóng nhất và khô nhất trong lịch sử Australia. Nhiệt độ trung bình tại Australia trong năm vừa qua cao hơn mức trung bình hàng năm 1,52 độ C. Tổng lượng mưa trung bình của Australia trong năm 2019 là 277mm, thấp hơn mức kỷ lục 314mm được ghi nhận trong đợt hạn hán năm 1902./.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Stress nhiệt” gây hại cho sức khỏe ngày càng gia tăng ở châu Âu

Châu Âu đang ngày càng phải đối mặt với những đợt nắng nóng gay gắt đến mức cơ thể con người không thể chịu được, khi biến đổi khí hậu tiếp tục làm nền nhiệt toàn cầu tăng cao, cơ quan giám sát khí hậu Copernicus của EU và Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết.

“Stress nhiệt” gây hại cho sức khỏe ngày càng gia tăng ở châu Âu
Cảnh báo cấp độ cháy rừng rất nguy hiểm

Trước xu thế thời tiết cực đoan, nắng nóng gay gắt, ngày 19/4, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh phát thông tin cảnh báo nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tại vùng đồng bằng và TP. Huế dự báo cấp độ cháy rừng cấp 3 (cấp nguy hiểm), đặc biệt ở Nam Đông cấp 4 (cấp rất nguy hiểm).

Cảnh báo cấp độ cháy rừng rất nguy hiểm
Nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn

Ngày 19/4, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, trong 24 giờ qua, tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên diện rộng, có nơi đặc biệt gay gắt.

Nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn
Biến đổi khí hậu có thể khiến GDP toàn cầu năm 2050 giảm gần 20%

Một nghiên cứu do chính phủ Đức hỗ trợ cho thấy đến giữa thế kỷ này, thiệt hại đối với nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, năng suất và sức khỏe con người do biến đổi khí hậu ước tính có thể lên đến khoảng 38.000 tỷ USD/năm, tức gần 1/5 GDP toàn cầu, bất kể nhân loại có cắt giảm khí carbon gây ô nhiễm mạnh mẽ đến đâu.

Biến đổi khí hậu có thể khiến GDP toàn cầu năm 2050 giảm gần 20
Return to top