Đây là một loài cây gỗ nhỏ hoặc cây bụi lớn thường xanh, cao 2-4 m, vỏ trắng hay trắng xám. Lá kép lông chim mang 7 lá chét (phụ) nhỏ thơm, trơn nhẵn. Hoa trắng, thường trổ về đêm, hương thơm ngạt ngào. Quả hình trái xoan có mũi hơi nhọn, kích cỡ cũng tương đương trái xoan (sầu đông), khi chín có màu đỏ thắm.
Nguyệt quới còn có tên là nguyệt quý, là một loài cây bản địa, thường mọc tự nhiên ở các rừng còi ở một số tỉnh phía Bắc và Thừa Thiên Huế. Nó cũng có mặt ở một số nước Đông nam Á.
Hoa và quả cây nguyệt quới
Tên khoa học của nguyệt quới là Murraya paniculata, tên tiếng Anh là orange jasmine, orange jessamine, chalcas. Trong hai tên gọi tiếng Việt vừa nêu, nguyệt quới ít gây nhầm lẫn hơn. Khi gọi nguyệt quý nhiều người biết tiếng Hán thường nghĩ về một loài hoa hồng, vì tên tiếng Hán gọi loài hoa hồng này là “nguyệt quý hoa 月季花”, tên khoa học là Rosa chinensis. Bài thơ “Vịnh nguyệt quý hoa 咏月季花” của vua Minh Mạng trong Minh Mạng sơ tập cũng mô tả loài hoa hồng này. Có lẽ vì lí do này mà dân gian đã gọi trại cây nguyệt quý trong họ Cam thành nguyệt quới nhằm tránh sự nhầm lẫn; cũng có thể do âm ngữ của miền Nam đã chuyển nguyệt quý thành nguyệt quới theo cách giải thích của học giả An Chi (http://nguoidothi.vn/home/rong-choi-mien-chu-nghia/quoi-ma-khong-que).
Ngoài ra, trong một số tài liệu, nguyệt quới còn được gọi là nguyệt quế. Cách gọi này cũng gây nhầm lẫn, khiến nhiều người nghĩ về một loài cây cho hoa màu vàng thuộc họ long não – Lauraceae, đó là loài Laurus nobilis, có nguồn gốc ở Đông Âu, trồng làm gia vị, tiếng Hán là “nguyệt quế 月桂”.
Hiện nay, loài nguyệt quới rất quen thuộc với giới chơi cây cảnh ở nhiểu tỉnh thành trong nước và nó cũng thường được chào hàng mua bán trên mạng, trong số đó một số trang web đã dùng tên nguyệt quế, dần dần gây nhiễu thông tin khiến nhiều người vốn không có khả năng phân biệt hai cây này ngày càng rối rắm.
Đa số nghệ nhân chơi cây cảnh ở Huế đã biết rõ cây nguyệt quới và cả hai tên gọi nguyệt quới, nguyệt quý vẫn được dùng đồng hành, ít ai gọi là nguyệt quế. Nhiều tao nhân mặc khách, nhiều nhà nghiên cứu phong thủy hoặc người có thú vui chơi cây cảnh ở Huế vẫn biết nguyệt quới (quý) là cây đứng hàng thứ tư trong bộ “Sung mãn quan quới (quý)”.
Ở Huế, chúng ta rất dễ tìm gặp cây nguyệt quới, vì nó thường được trồng phổ biến ở khuôn viên các chùa Phật giáo, ở nhiều nhà vườn tư thất từ trong thành phố đến vùng nông thôn. Cây được trồng đất hay trồng chậu. Có thể nhân giống cây nguyệt quới bằng nhiều cách: gieo hạt, chiết, ghép hoặc giâm cành.
Ngoài tác dụng làm cảnh, cây còn được sử dụng làm thuốc chữa trị đòn ngã tổn thương, phong thấp đau xương, đau dạ dày, đau răng, tiêu chảy, kiết lị, sâu bọ và rắng cắn. Nhiều gia đình trồng cây nguyệt quới trước sân nhà, hằng ngày sau bữa ăn bẻ cành nhỏ để xỉa răng, cho rằng ngừa được chứng đau răng, viêm lợi.
Đỗ Xuân Cẩm