ClockThứ Năm, 06/12/2012 05:57

An ủi với con số 9,7%

TTH - Cuối cùng thì con số tăng trưởng kinh tế cả năm 2012 của tỉnh Thừa Thiên Huế cũng được xác định với mức dự ước đạt khoảng 9,7%. Đóng góp cho mức tăng trưởng kinh tế chung này được xác định cụ thể với 5,72% từ khu vực dịch vụ; 3,78% từ khu vực công nghiệp- xây dựng và 0,25% là từ khu vực nông lâm thuỷ sản. Được hiểu một cách phổ biến nhất, tăng trưởng kinh tế là sự gia tăng của tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hoặc tổng sản lượng quốc gia (GNP) hoặc quy mô sản lượng quốc gia tính bình quân trên đầu người (PCI) trong một thời gian nhất định. Khái niệm quốc gia trong trường hợp này là địa phương Thừa Thiên Huế.

So với hai năm gần đây có tốc độ tăng trưởng kinh tế tương ứng 12,5% trong năm 2010 hay thấp hơn cũng đạt 11,1% trong năm 2011, cũng như so với kế hoạch tăng trưởng từ năm 2010-2015 đạt 13% năm được đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV thì năm 2012 có kết quả đạt thấp nhất. Tuy nhiên, đó cũng là nỗ lực đáng ghi nhận trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu và đất nước gặp nhiều khó khăn và biến động. Mặt khác, so với mức tăng kinh tế kinh tế chung của cả nước đạt khoảng 5,2% thì kết quả mà Thừa Thiên Huế đạt được là khá cao. 

Điều đáng nói là, vẫn còn đó nhiều băn khoăn về tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thừa Thiên Huế trong năm 2012 khi mà lĩnh vực đặt nhiều hy vọng là công nghiệp-xây dựng đã đạt kết quả rất thấp. So sánh tốc độ tăng trưởng cụ thể thì lĩnh vực dịch vụ đạt suýt soát với kế hoạch đề ra với tốc độ tăng trưởng 12,8% trong năm 2012 so với kế hoạch đề ra 13%. Bên cạnh đó là lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp với 2,2% so với kế hoạch đề ra 2,3 đến 2,5%. Trong khi đó, nếu năm 2011 tốc độ tăng trưởng ở công nghiệp – xây dựng đạt được là 11,6% thì năm nay, con số đó chỉ chạm mức 8,5% quá thấp so với kế hoạch đề ra là 14,5 đến 15%.

Có hàng loạt yếu tố tác động do ảnh hưởng khó khăn chung của nền kinh tế thế giới và trong nước mang lại khiến cho hoạt động của các đơn vị sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, như nguyên vật liệu đầu vào tăng, lãi suất ngân hàng vẫn còn cao, khả năng tiếp cận các nguồn vốn hạn chế, thị trường tiêu thụ một số sản phẩm chủ lực khó khăn…ảnh hưởng tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2012. Tuy nhiên, ở đây không thể không nói đến khả năng lường định tình hình để xây dựng kế hoạch cụ thể còn thiếu sát thực trong lĩnh vực kinh tế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng là công nghiệp- xây dựng.

Dẫu sao thì con số về tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thừa Thiên Huế trong năm 2012 cho thấy sự hy vọng về một dấu hiệu tích cực khi mà những nhân tố tác động, đặc biệt là các yếu tố khách quan được nhận diện và loại trừ. Khi đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trở lại và con số về sự tăng trưởng 9,7% một năm sẽ được vượt qua; đồng nghĩa với việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững.

Đình Nam
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top