Đối thoại là để gỡ khó. Quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh nảy sinh nhiều vấn đề cần được xử lý, giải tỏa và khơi thông. Chẳng hạn trong bối cảnh hội nhập và phát triển hiện nay, các địa phương như Thừa Thiên Huế có rất nhiều chủ trương, chính sách mang tính ưu đãi và hỗ trợ đầu tư nhưng vì nhiều lý do khác nhau một số doanh nghiệp không được tiếp cận. Trong sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp phải đối mặt với không ít khó khăn như sản phẩm tồn kho, nợ xấu, lãi suất vay vốn ngân hàng cao... Các hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp không phải bao giờ cũng được tạo điều kiện thuận lợi mà trong nhiều trường hợp thường bị “hành” bởi các thủ tục phiền hà, nhũng nhiễu hay gặp phải những ách tắc từ phía các cơ quan quản lý và những cá nhân có thẩm quyền. Vậy nên, sự gặp gỡ để đối thoại mang tính công khai sẽ giúp các doanh nghiệp giãi bày, kiến nghị và các cấp lãnh đạo, quản lý có dịp nắm bắt tâm tư, tình cảm và nguyện vọng để có những điều chỉnh kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.
Khi mà đối thoại với doanh nghiệp được xem là để gỡ khó thì vấn đề đặt ra là hiệu quả mang lại. Đại diện doanh nghiệp tham gia đối thoại phải biết “nói” những gì đang gặp phải trong kinh doanh với sự mạnh dạn, tránh tâm lý e ngại và phải có sự hiểu biết sâu sắc về những quy định pháp luật. Còn đối với người lãnh đạo và quản lý, không chỉ dừng lại ở mức “lắng nghe” mà phải thực sự “thấu hiểu” những bức xúc về môi trường đầu tư, kinh doanh. Phát biểu của lãnh đạo phải đi thẳng vào những bức xúc của doanh nghiệp. Lời hứa phải được thực hiện và trong những điều kiện cụ thể, đừng để “theo gió bay đi”. Đó là cách tốt nhất tạo dựng được niềm tin từ phía doanh nghiệp.
Trở lại hội nghị đối thoại với doanh nghiệp do UBND tỉnh tổ chức vào đầu năm 2013, sau khi nghe lắng nghe những giãi bày, không chỉ bày tỏ sự cảm thông và chia sẻ, lãnh đạo tỉnh đã cam kết sẽ hỗ trợ kịp thời với phương châm tại chỗ để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp trong cung ứng điện, nước cho sản xuất, giải quyết thủ tục đền bù giải phóng mặt bằng, các thủ tục cấp giấy phép đầu tư, thủ tục thu hồi và giao đất...; đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào các khu, cụm công nghiệp, các làng nghề và các dự án triển khai trên địa bàn. Đồng thời, tạo điều kiện để doanh nghiệp nắm bắt nhanh thông tin về thị trường và quảng bá thương hiệu sản phẩm.
Tổ chức đối thoại giữa doanh nghiệp và lãnh đạo địa phương suy cho cùng là kiểu “ba mặt một lời” được hiểu theo nghĩa có đủ các bên, đủ mọi người trong cuộc để chứng minh xác nhận cho một việc gì đó, để cùng gỡ khó. Nó cần được thực hiện thường xuyên và với tinh thần trách nhiệm cao từ nhiều phía. Riêng đối với các doanh nghiệp nên xem đó như một công việc quan tâm, là cơ hội để giải tỏa bức xúc, tháo gỡ khó khăn, đưa sản xuất kinh doanh phát triển.