ClockThứ Năm, 14/11/2013 07:04

Bão nơi sâu thẳm

TTH - Trong buổi sáng Huế yên ắng một cách lạ thường khi ở ngoài kia nơi biển khơi bão dữ Hải Yến đang hung tợn hoành hành và Cố đô bé nhỏ được dự kiến là nơi ghé lại, tôi đã lục tung đống sách của mình, để rồi tìm đọc lại cuốn sách lạ “Thiên tai và dịch bệnh ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế ” của nhà nghiên cứu Dương Phước Thu và cũng là người bạn của tôi. Bảo rằng “lạ” là bởi đề tài của tập khảo cứu. Cuốn sách ra đời trong dịp kỷ niệm 700 năm Thuận Hóa- Phú Xuân- Thừa Thiên Huế không bàn đến đến chiến công mở cõi lại bàn đến thiên tai, dịch bệnh và lại là 7 thế kỷ nhìn lại, với lời thưa: “Kính tặng những người đi mở nước; những người đã hy sinh vì mảnh đất này”. Đọc lại những sự cố thiên tai, dừng lại ở những con số thống kê, ngẫm nghĩ từ cách lý giải, phân minh của tác giả tôi giật mình. Thời nào cũng có. Thiên tai, bão dữ, lũ lụt như một định mệnh, một nghiệp báo của vùng đất. Đến nỗi một vị quân vương như Tự Đức cũng phải “tự bắt lỗi mình” đã không làm tròn sứ mệnh thiên tử.

Đã ngót gần 30 năm, tính ra là cả 1/4 thế kỷ rồi còn gì, vậy mà tôi vẫn không quên cái buổi tối hãi hùng khi bão số 8-1985 ập vào Huế mình. Thời ấy không có tivi và cũng chẳng có đài báo thường xuyên như hiện nay nên thông tin về hướng đi, sức phá của bão dữ không được cập nhập. Cả gia đình tôi gồm 4 mẹ con đã cảm nhận và trải nghiệm sự tàn bạo, dữ dằn của bão dữ qua tiếng rít của gió, tiếng cây đổ, cả cái mái nhà bé nhỏ cứ rung lên bần bật như có ai đó muốn nhắc bật tung lên. Tôi đã hình dung sự quái dị của cả 4 mẹ con tôi côi cút “trốn” bão trong căn nhà cấp 4, không dám bước ra khỏi gầm gường gần suốt cả đêm khuya. Để rồi buổi sáng dậy khi mọi thứ đều đã lặng yên thì cũng lúc nhìn lên phía trên đã là mái ngói không còn, lộ rõ cả bầu trời trong xanh và cả tia nắng vàng yếu ớt soi xuống. Như đã ăn sâu vào tiềm thức, mỗi khi nghe bão kéo vào, ký ức như hiện về và tôi bị ám ảnh bởi một đêm xưa mưa gió bão bùng bên mạ.

Nếu vua Tự Đức biết “tự bắt lỗi mình” thì bậc tiền nhân là vua Minh Mạng lại nghĩ ra cả cách dự báo, phòng ngừa theo kiểu rất cảm tính. Ví như bằng cách quan sát, thấy năm nào ruộng đồng có nhiều châu chấu làm hại lúa, nhất thiết phảỉ đề phòng sẽ có bão. Hay như mùa hè tre mọc măng, nếu thấy đầu măng nhọn hướng vào trong bụi thì năm ấy lúa không được lợi, mà lại có nhiều trận gió to (có thể thành bão). Tư duy về bão cũng là tư duy của cả cộng đồng và dân gian Thừa Thiên Huế mình có cả một kho kinh nghiệm. Nó đến từ nhìn: “Mặt trăng vàng thì trời sắp bão” hay “Tháng chín heo may, chuồn chuồn bay thì bão”. Nó cũng đến từ những trải nghiệm, kiểu rất mơ hồ nhưng chớ có coi thường, như “Đúng giờ Ngọ (12 giờ trưa) mùng năm tháng năm nếu có mưa gió (thì) năm đó có bão lớn”.

Tôi đã nghĩ trong vô vàn những danh xưng mà người đời dành tặng cho Huế thì ở đây được nhớ và nhắc nhiều tới là xứ mưa, xứ bão. Bão lũ đã ăn sâu vào tiềm thức, cách hành xử, thói quen, nếp nghĩ và cả tên gọi của người đời. Nói như Dương Phước Thu, lâu dần thành nếp, người xưa có thói quen đặt tên cho con cháu bằng những tên gọi gợi lại cảm giác hãi hùng của mưa bão, ví như Bạo (bão), Lụt, Lội, Tố, Chạy (chạy lụt)… Tôi thích cái từ “bạo” của người Huế mình. Nó là cách đọc lệch khi dấu huyền đều biến thành dấu nặng để rồi “bão” biến thành “bạo”, nhưng nghĩ lại thấy nó đúng, mang tính tượng hình và tượng thanh hơn hẳn. Bão là bạo, bạo tàn, hung bạo… Đó là biểu tượng của sự chết chóc, mất mát và bi thương. Nó ngấm sâu và đã đi vào nơi sâu thẳm của mỗi con người xứ Huế.

Đình Nam
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top