ClockThứ Năm, 17/10/2013 10:17

Cánh đồng mùa lụt

TTH - Đã là nửa đầu tháng 9 âm lịch, chưa đầy tháng nữa là đến “tháng mười chưa cười đã tối” và cũng tròm trèm hơn 2 tháng rồi cái thời điểm “tháng bảy nước nhảy lên bờ”. Không như nhiều vùng đất khác, xứ Huế và miền Trung mỗi năm hai mùa rõ rệt, mùa nắng cùng mùa mưa và gắn theo đó là mùa lúa vụ ba và vụ tám. Gặt xong vụ tám là lúc “nước nhảy lên bờ’, bắt đầu cho cả một thời kỳ nông nhàn kéo dài mấy tháng trời.

Không xa nhà tôi ở làng Dạ Lê Thượng, chỉ cách con lộ 1A có một hòn độn nhỏ, dân gian quen gọi là độn Chùa, bởi nó án ngữ ngay phía sau chùa làng có tên gọi Linh Sơn. Mấy chục năm trước tôi vẫn thường hay tá túc nơi đây, đặc biệt là vào những dịp thi cử. Để rồi, vào những buổi chiều tà, lại cùng vui với cái thú trèo lên độn Chùa ngắm cảnh. Độn Chùa như một “vọng cảnh” của làng. Từ đây ngược lên là phố, trực nhìn ra phía trước là cánh đồng làng đẹp như tranh vẽ và xa xa nữa thấp thoáng là các làng quê Vân Thê, Lang Xá hay Đồng Di, Chánh Đông. Bức tranh về cánh đồng làng kia cũng thật lạ kỳ khi luôn thay đổi sắc màu trong năm. Có thời điểm, đó là màu xanh mượt mà của cánh đồng làng với cây lúa đang vào thì con gái, có lúc là rực một màu vàng của ngày mùa bội thu; và như bây giờ đây khi “tháng bảy nước nhảy lên bờ”, cánh đồng làng như một con sông bạc với mênh mông là nước.

Cũng như vị thế của làng tôi, bao quanh Huế mình phía bắc và phía nam, đặc biệt là nhìn về hướng đông đều là những đồng ruộng vây quanh. Những ngày lũ lụt lớn, nước từ thượng nguồn sông Bồ, sông Hương ào ạt chảy về gây nên bao cảnh ngập lụt nơi chốn hạ du. Thế rồi sau mưa gió dữ dằn, nước không còn chảy xiết nữa mà nằm lại luôn trên những cánh đồng. Đó là lúc mà đồng ruộng đón chào nguồn phù sa mới bổ sung cho những tiêu hao sau một năm canh tác của nông phu. Ruộng lúa giờ trơ gốc rạ được ươm đầy nước cả mấy tháng trời mà ta hay gọi là “ruộng ươm”, ươm cho đất mềm ra, ươm cho gốc rạ thúi mục thành phân bón ruộng, ươm cho bao lũ chuột bọ sâu rầy không còn chốn nương thân. Đó cũng là lúc con cá, con tôm từ trên cao bị đẩy về đem lại việc làm, đồng tiền tiêu vặt và miếng ngon cho bao nhà. Rong rêu cũng được dịp sinh sôi mang tới cho đồng đất một sinh khí lớn. Vậy nên mới có chuyện, lụt lớn thì sợ đến nỗi bây chừ người ta đổ xô dựng đập, đào hồ búa xua ở trên cao, nhưng vắng lụt lại buồn, lại lo với một tâm trạng thấp thỏm đợi chờ.

Dạo còn nhỏ ở làng, vào tầm này tôi hay thích lang thang ngoài đồng. Khi mà đồng ruộng ngập chìm trong nước thì đi trên những con đê, con đập hay giường ruộng cao còn lại là đi tìm một cảm giác lạ, nó có vẻ chênh vênh và khó tả nhưng thật thích thú. Nhớ rồi, cuối tuần chủ nhật bạn bè thường kéo nhau ra đồng câu cá. Chọn một con hói nhỏ hay một thửa ruộng thấp trũng để buông câu và đợi chờ. Con cá mùa lụt được tự do tung tẩy trên cánh đồng là bể nước mênh mông lại ê hề bao loại thứ ăn nên thơm ngon, béo ngậy. Lại nữa con cá bắt được là con cá to, con cá quý. Bữa cơm gia đình có con cá mình câu được cứ thấy lâng lâng một cảm giác... sướng, nhất là khi nhận được ở mạ hay ai đó trong gia đình một lời khen “nịnh”. Ra đồng mùa lụt không tầm tã mưa bay mà ngập tràn nắng hanh vàng và những cơn gió chiều thổi mạnh mới như chợt nhận ra có một mùa lụt kéo dài ở Huế mình. Nó hao hao Nam Bộ vào mùa nước nổi nhưng không ngút ngàn màu nước và mênh mang một cảm giác cô liêu, đơn độc như nơi vùng đất phương Nam.

Ở cái tuổi đã thuộc phía sườn dốc bên kia của cuộc đời và luôn gắn bó với ruộng đồng, tôi như bất ngờ phát hiện ra cái cảm giác đầy tâm trạng kia khi chiều nay từ Huế lang thang theo con đường về Thủy Thanh, Phú Hồ rồi quay lại Thủy Phương; đi như để tìm lại hoài niệm và những cảm giác khó quên của một ngày xưa ấy về cánh đồng quê ven Huế mùa lụt có ánh nắng vàng.

Đình Nam
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top