ClockThứ Năm, 29/11/2012 16:16

Chân dung nhà báo Huế

TTH - Đã 30 năm rồi, tôi là độc giả trung thành của Tạp chí Sông Hương. Tủ sách của tôi vẫn còn gần như đầy đủ những số tạp chí đầu tiên dưới thời các Tổng biên tập Nguyễn Khoa Điềm hay Tô Nhuận Vỹ được in ti-po, bằng thứ giấy lâu ngày đã trở nên vàng xỉn. Tôi thích Sông Hương không đơn giản bởi đây là tạp chí văn nghệ của vùng đất quê hương mà chính là ở cái chất Huế địa phương ngồn ngộn trong đó, từ tên gọi tạp chí, những bài viết, chuyên mục có đề tài về Huế đến cách viết, cách thể hiện rất Huế. Những năm 80 của thế kỷ trước, Tạp chí Sông Hương cũng nổi tiếng trong cả nước bởi “dám” đăng tải những bút ký, phóng sự về đề tài đấu tranh chống tiêu cực hay những bài viết chạm đến những vấn đề “nhạy cảm” của xã hội.

Đọc và nghiền ngẫm nhiều các số Tạp chí Sông Hương thời đó, tôi như đã hình dung về một phong cách Huế rất đặc trưng trong làm báo. Nó gợi nhớ sự đĩnh đạc, uyên thâm và cũng rất chặt chẽ, lô gích của những tác giả đứng tên trong các bài viết ở tập BAVH (Những người bạn Cố đô Huế). Mặt khác, cũng là những bài viết ở Sông Hương đã cho thấy “chất lửa”, sự dấn thân, dám viết, dám chịu, dám hy sinh thấp thoáng dáng dấp bản lĩnh và phong cách của tờ báo yêu nước Tiếng Dân được khởi sự bởi chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng, một người con đất Quảng nhưng đã có sự gắn bó máu thịt với Huế, hay sau đó là hình ảnh về nhà báo Hải Triều trong các cuộc bút chiến nổi tiếng “Duy vật - duy tâm” và “Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh”. Nó cũng được tiếp nối sau này bởi những nhà báo là sinh viên, học sinh Huế trong phong trào đấu tranh đô thị thời đánh Mỹ.

Vinh danh các nhà báo ở Tạp chí Huế xưa và nay. Ảnh: Diên Thống

Có một người Huế hiện vẫn còn sống và dù tuổi đã cao nhưng vẫn miệt mài với công việc viết lách mà tôi rất trân trọng là ông Nguyễn Đắc Xuân. Ông Xuân là một nhà báo từng làm Phó Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương, Trưởng ban đại diện miền Trung của Báo Lao Động. Ông Xuân cũng được biết đến với tư cách là một nhà văn, đặc biệt là nhà nghiên cứu đã có những công trình mang dấu ấn về Huế. Nghĩ về chân dung một nhà báo Huế, tôi nhớ ngay đến ông Nguyễn Đắc Xuân, một con người của công việc, sống rất tình cảm nhưng cũng sẵn sàng đấu tranh đến cùng để bảo vệ cái đúng và những giá trị văn hoá mà ông trân trọng. Chính những nghiên cứu và hiểu biết sâu sắc và tường tận về văn hoá và lịch sử, đặc biệt với vùng đất xứ Huế mà những bài báo của Nguyễn Đắc Xuân đã định hình một phong cách riêng, tạo nên một sự hấp dẫn đặc biệt.

Vị thế kinh đô và sau đó là đô thị lớn trong bước chuyển mình của lịch sử, xứ Huế tự hào một thời là trung tâm văn hoá và báo chí của đất nước. Báo chí Huế không đứng ngoài cuộc trước những vấn đề thời sự của toàn cầu và của đất nước. Còn sống và làm việc nơi miền núi Ngự sông Hương, được tiếp thu và kế thừa những giá trị di sản văn hoá Huế đã hình thành nên một phong cách Huế trong nghề báo. Người Huế nổi tiếng ý tứ, nhẹ nhàng cũng đồng thời nổi tiếng về sự thâm trầm, mãnh liệt. Và tôi đã nghĩ đến một sự đồng điệu trong bản tính con người Huế và nghề báo, cần được trân trọng và phát huy.

Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top