205 năm là tuổi đời của chiếc cầu bắc qua con sông đào này và Đông Ba được xem là cây cầu xưa cổ nhất Huế hiện nay. Ngay từ thời vua Gia Long đã cho xây cầu, một chiếc cầu bằng gỗ dài 66,545 mét và rộng 3,82 mét có tên gọi Đông Hoa. Đến năm 1841, vì kị tên húy người mẹ quá cố là bà Hồ Thị Hoa, vua Thiệu Trị cho đổi thành Đông Gia. Hiện vẫn còn lại tấm bia đá Thanh Hóa mang tên cũ “Đông Gia Kiều” có ghi “Thiệu Trị nguyên niên nhuận tam nguyệt cát nhật tạo”, nghĩa là bia được khắc dựng vào ngày tốt của tháng 3 nhuận năm Thiệu Trị thứ nhất, tức là tháng 5-1841. Còn với dân gian thì ngay từ cuối đời vua Minh Mạng, chiếc cầu đã mang tên Đông Ba, gần gũi như con sông đào Đông Ba, cửa Đông Ba cũng như sau này chợ Đông Ba nổi tiếng. Hay còn nữa là Trường tiểu học Đông Ba là trường tiểu học Pháp - Việt đầu tiên ở Huế, được thành lập từ năm 1905 và những năm 1906-1908, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng theo học.
Cầu Đông Ba từ cầu gỗ được cải chế bằng sắt gần 100 năm sau đó, vào năm 1892, dưới thời vua Thành Thái. Và rồi từ đó đến nay, cầu Đông Ba đã qua nhiều lần tu sửa. Mới nhất là vào năm 1989 và trong đợt này, dù các mố cầu và dầm cầu đều đã được đúc bê tông nhưng về cơ bản, Đông Ba vẫn là chiếc cầu sắt với các vài cầu và lan can kết cấu bằng thứ kim loại này. Đánh giá của dân kỹ thuật, Đông Ba là loại cầu bán kiên cố. Và dù lòng cầu rộng đến 4,14 mét nhưng do trọng tải rất yếu nên lâu lắm rồi các loại ô tô và cả xe công nông nữa cũng cấm không được phép qua cầu. Còn dưới cái nhìn của người đời thì Đông Ba được xem là một thứ cầu tạm đã tồn tại quá lâu so với sức vóc còm cõi của nó.
Lần đầu tiên qua cầu sắt Đông Ba cách nay cũng đã trên 30 năm, tôi đã có một cảm giác lạ lẫm và sợ sệt. Không hãi hùng sao được khi trên mặt cầu đầy những lỗ hổng có thể nhìn thấy cả mặt sông phía dưới, sợ ngộ nhỡ vô ý thì chỉ có mà chết. Cảm giác sợ hãi càng gia tăng khi cùng lúc xuất hiện trên cầu nhiều loại phương tiện qua lại. Lúc đó toàn thân cầu như rung lên và rộn ràng bao thứ âm thanh hỗn tạp nhức óc đinh tai. Không gian nhỏ hẹp khiến cho cảm giác càng thêm chật chội, lo ngại mỗi khi qua cầu. Rồi thế là, cứ cầu mong một ngày nào đó chiếc cầu sắt ọp ẹp kia biến mất…
Đoàn Ngự đạo du xuân của vua Đồng Khánh vào năm Bính Tuất (1886) được sách sử ghi rõ đã ghi lại hành trình của đoàn khi ra khỏi Ngọ Môn đã đi về phía Lục Bộ (theo đường Đinh Tiên Hoàng), ra ngoài Kinh Thành bằng cửa Đông Ba, rồi qua cầu Đông Ba, nhưng voi thì phải lội qua sông, vì cầu bấy giờ còn làm bằng gỗ. Sau đó, đoàn đi ngang qua trước chùa Diệu Đế, rồi đổi hướng trở về bằng cầu Gia Hội để tiếp tục tiến lên phía cửa Thượng Tứ. Mới đây, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đưa ra ý tưởng phục hồi khu du lịch phố cổ Gia Hội- Chợ Dinh có trục chính là sông đào Đông Ba với hai đầu là cầu Gia Hội và cầu Đông Ba. Một mật độ dày đặc là địa chỉ những điểm đến du lịch. Có thể kể, như bên kia đường Chi Lăng là dinh Ông, đền Chiêu Ứng, phủ Thọ Xuân, phủ Thoại Thái Vương, nhà thờ Thanh Bình của ngành hát bội... Ở đường Bạch Đằng là phủ đệ quận chúa Như Sắc, dinh thất và phủ Gia Hưng Vương, chùa Diệu Đế... Hay như xóm Ngự Viên chung quanh ngã tư đường Chùa Ông - Mạc Đĩnh Chi - Nguyễn Du với nhà thờ Kim Hoàn, phủ An Thành Vương, phủ Ngự Viên...
Cầu sắt Đông Ba lâu nay là nỗi lo của bao người qua lại. Vậy nhưng, cầu đó hợp với cảnh này. Nó như mái tranh xưa và nỗi lòng của những chủ nhân nghèo. Cùng ở thì ngột ngạt, vướng víu. Lúc chia tay lại bịn rịn hoài mong. Đêm ngày cầu mong có đươc một cầu mới thay thế, nhưng lo xa ngộ nhỡ có sự lỗi nhịp thì sao đây. Lại nghĩ, đó cũng cái thế của vùng đất từng là đế đô có quá nhiều dấu xưa và một nỗi lo đậm đà chất Huế.