Thứ Năm, 25/07/2013 05:40
(GMT+7)
Chiếc hầm bí mật
TTH - Chỉ vài tháng sau ngày giải phóng, một hôm tôi phát hiện ở nhà o Nàng trong xóm đang tập tụ đông người. Tò mò, tôi cùng bọn trẻ chạy vội tới xem. Thì ra, đó là một căn hầm bí mật vừa được dỡ lên. Thời điểm năm 1968, gia đình o Nàng là một cơ sở nuôi giấu những chiến sĩ cách mạng trong xã Thủy Phương (Hương Thủy) quê tôi, nổi tiếng là địa phương anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ. Sau đó vì lý do nhiệm vụ, căn hầm không sử dụng. Sáu bảy năm đất lấp đầy, bây giờ giải phóng, người ta tổ chức tháo dỡ. Lần đầu tiên trong đời tôi thấy những hiện vật cá nhân của những người chiến sĩ nằm hầm bí mật. Tất cả hầu như còn nguyên vẹn. Mọi người thầm thì với nhau rất nhiều điều. Thỉnh thoảng có tiếng cười bật lên khi phát hiện một hiện vật nào đó, gợi nhớ về hình ảnh chủ nhân của nó.
Sau này đọc nhiều tài liệu sách vở, tôi mới hay ở Thừa Thiên Huế sáng kiến làm hầm bí mật có từ thời kháng Pháp và xuất hiện lần đầu tiên ở huyện Quảng Điền và Phú Vang. Đó là hai địa phương không có núi rừng. Để bảo đảm cho những cán bộ đã lộ mặt có thể họat động trong vùng địch kiểm soát, người ta đã nghĩ cách làm ra những căn hầm bí mật. Cụ Hoàng Anh, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ trong hồi ký “Quê hương và cách mạng” kể rằng, người đào hầm bí mật đầu tiên là một đồng chí có tên là Đãi, Bí thư xã Quảng Đại. Đầu tháng 2-1947, khi Pháp đánh chiếm Quảng Điền, đồng chí Đãi đã nghĩ ra cách đào một hầm bí mật bên bờ sông có miệng hầm ở sâu dưới nước để bám đất, bám dân, tránh giặc và chiến đấu. Lần đầu khi quân địch ập tới, đồng chí Đãi đang làm việc đã chạy vội ra sông, nhảy xuống nước và lặn xuống miệng hầm vào ẩn nấp. Quân địch đợi mãi không thấy nổi lên, cho rằng đồng chí Đãi đã chết và nước chảy đã đưa xác đi xa. Một vài lần lặp lại sau đó, cuối cùng thì địch cũng phát hiện ra chiếc hầm bí mật và đã bắn chết đồng chí.
Ở Phú Vang, cùng thời chiếc hầm bí mật cũng xuất hiện. Khi Pháp tấn công Huế, Phú Vang trở thành huyện nằm phía sau lưng địch. Một khó khăn đột xuất lúc này là đồng chí Nguyễn Lượng (Cầu), Ủy viên Thường vụ kiêm Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến huyện ốm nặng. Các đồng chí ở Phú Vang đã nảy ra sáng kiến đào hầm bí mật để giấu đồng chí Lượng. Chiếc hầm bí mật sau đó phát huy trở thành nơi trú ẩn tránh địch của cán bộ và du kích Phú Vang. Ban đầu được xây dựng đơn giản, càng về sau kỹ thuật làm hầm bí mật càng tinh vi hơn, từ chỗ chọn địa điểm, đào và xây dựng hầm, làm nắp hầm, làm lỗ thông hơi đến việc bố trí người sống công khai đậy nắp hầm, ngụy trang nắp hầm... Sau đó, từ cuối năm 1947 và đầu năm 1948, kinh nghiệm đào hầm bí mật đã được phổ biến trong toàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tháng bảy về, khi mà cả nước đang hướng về Ngày Thương binh- Liệt sĩ, nhớ và suy nghĩ về những năm tháng chiến tranh hào hùng, tôi lại nhớ về những con người như đồng chí Đãi ở Quảng Điền, các đồng chí ở Phú Vang hay o Nàng xóm tôi và chiếc hầm bí mật như một biểu tượng đẹp, đầy bí ẩn và kiêu hãnh về một thời chiến tranh hào hùng đã đi qua trên quê hương. Rồi, như chợt ùa về trong tôi là hình ảnh người mẹ huyền thoại trong câu hát của nhạc sĩ tài danh xứ Huế Trịnh Công Sơn: “Đêm chong đèn ngồi nhớ lại/ Từng câu chuyện ngày xưa/ Mẹ về đứng dưới mưa/ Che đàn con nằm ngủ/ Canh từng bước chân thù/ Mẹ ngồi dưới cơn mưa”. Trong chiến tranh, trên đất nước thân yêu này đã có hàng vạn, hàng triệu những chiếc hầm bí mật ra đời bằng ý chí, bằng cả tấm lòng trung với sự nghiệp cách mạng và Thừa Thiên Huế tự hào góp phần tạo nên cho những chiếc hầm bí mật với nét riêng và sự độc đáo của một vùng giàu truyền thống cách mạng và văn hóa.
Đan Duy