Do suy thoái về tư tưởng chính trị, dẫn đến suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống, rơi vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cực đoan, cơ hội, vụ lợi…
Tình hình trên đây được nêu ra từ Đại hội VI, Đại hội VII, nhất là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 và Nghị quyết Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa VII, tiếp tục được nhấn mạnh tại Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX và Đại hội X, Đại hội XI của Đảng.
Những suy thoái đó đã ảnh hưởng lớn đến sức chiến đấu, vai trò lãnh đạo của Đảng, nếu không kịp thời ngăn chặn thì rất nguy hiểm. Đây là những cảnh báo không thể xem thường và phải kéo còi báo động khẩn cấp.
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) nêu quyết tâm: “Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng”.
Tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong gương mẫu của cấp trên; làm tốt công tác tổ chức, cán bộ, sinh hoạt Đảng và cơ chế chính sách; chăm lo coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng là ba nhóm giải pháp mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã xác định cần tập trung thực hiện nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.
Sự suy thoái của cán bộ, đảng viên thể hiện trên nhiều mặt, nhưng điều thường thấy nhất là về tinh thần trách nhiệm trong công việc, về đạo đức, lối sống.
Trong bài “Sao cho được lòng dân?” đăng trên báo Cứu quốc, số 65, ngày 12-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận rõ và cảnh báo về các tệ nạn của người có chức, có quyền.
Trong bức thư gửi UBND các kỳ, tỉnh, huyện và làng, ngày 17-10-1945, Người “kê đơn bốc thuốc trị bệnh”: “…Có nhiều người phạm những lầm lỗi rất nặng nề”, đó là: 1- Trái phép; 2- Cậy thế; 3- Hủ hóa; 4-Tư túng; 5- Chia rẽ; 6- Kiêu ngạo. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Chúng ta không sợ sai lầm, nhưng đã nhận biết sai lầm thì phải ra sức sửa chữa. Vậy nên, ai không phạm những lầm lỗi trên này, thì nên chú ý tránh đi, và gắng sức cho thêm tiến bộ. Ai đã phạm những lỗi lầm trên này, thì phải hết sức sửa chữa; nếu không tự sửa chữa thì Chính phủ sẽ không khoan dung”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phê phán và chỉ ra những biện pháp khắc phục những biểu hiện thoái hóa, biến chất của cán bộ, đảng viên. Một trong những bài báo cuối cùng, “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, đề cập sâu vấn đề tư cách, đạo đức, chống suy thoái trong cán bộ, đảng viên, Người viết: “…Bên cạnh những đồng chí tốt ấy, còn một số ít cán bộ, đảng viên mà đạo đức, phẩm chất còn thấp kém. Họ mang nặng chủ nghĩa cá nhân, việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết… Do chủ nghĩa cá nhân mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành…Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân”.
Nói đến vấn đề chống suy thoái trong cán bộ, đảng viên, Người chỉ rõ: “Đảng ta phải ra sức tăng cường giáo dục toàn Đảng về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, về đường lối, chính sách của Đảng, về nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên. Phải thực hành phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh trong Đảng. Phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên. Chế độ sinh hoạt của chi bộ phải nghiêm túc, kỷ luật của Đảng phải nghiêm minh. Công tác kiểm tra của Đảng phải chặt chẽ…”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trọng cả đức và tài của cán bộ, đảng viên, nhưng xét về thứ tự ưu tiên thì đức là gốc. Ở đâu và lúc nào, Người cũng nói hoặc viết, nhất là làm, có liên quan đến vấn đề đạo đức. Đó là nếp sống văn hóa thường nhật của Người. Cả cuộc đời của Người là một tấm gương sáng mà cán bộ, đảng viên có thể tự soi vào đấy.
Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức coi trọng việc giáo dục cán bộ, đảng viên trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân. Trung với nước, trung với đảng ở Hồ Chí Minh trở thành lẽ sống tự nhiên và Người ý thức được trách nhiệm phục vụ nhân dân, kể cả khi đã đứng ở đỉnh cao nhất của quyền lực. Người lên án những cán bộ, đảng viên xa dân, coi khinh dân, trù dập, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, những người “vác mặt quan cách mạng” để “đè đầu cưỡi cổ nhân dân”.
Đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là vấn đề trọng tâm và cấp bách về xây dựng Đảng trong tình hình hiện nay. Đây là vấn đề rất khó, vì sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống luôn được che đậy dưới nhiều hình thức, lại gắn liền với lợi ích cá nhân. Thực tế cho thấy, sức mạnh đấu tranh trong tổ chức Đảng có suy giảm, tình trạng dĩ hòa vi quý, biết nhưng không dũng cảm đấu tranh... Điều đó đã trở thành nếp nghĩ của một bộ phận cán bộ và đảng viên. Do vậy, muốn chống tệ thoái hóa, biến chất về tư tưởng, đạo đức, phẩm chất của cán bộ, đảng viên, các tổ chức Đảng và từng đảng viên cần nhận thức đúng và nắm chắc những vấn đề cấp bách đặt ra trong công tác xây dựng Đảng hiện nay. Từng cấp ủy và từng đảng viên phải xem xét và đánh giá đúng tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống ở bản thân mình và cơ quan, đơn vị mình đến mức độ nào. Từ đó, xác định rõ vấn đề gì là then chốt, cấp bách cần đấu tranh khắc phục. Bên cạnh đó, các tổ chức Đảng cần xây dựng cho được tính chiến đấu của cán bộ, đảng viên và có biện pháp bảo vệ người đấu tranh, bảo vệ Đảng. Trong đấu tranh, đề cao tinh thần xây dựng, với tình cảm yêu thương giúp đỡ nhau một cách chân tình.
Trong sinh hoạt Đảng kiên quyết không để tồn tại những đảng viên chỉ biết thu vén lợi ích cá nhân, nâng đỡ kẻ xu nịnh, bè phái, cục bộ...
Ngăn chặn, đẩy lùi và khắc phục có hiệu quả sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, Đảng sẽ khẳng định vị thế cầm quyền, năng lực cầm quyền, bản lĩnh cầm quyền và chịu trách nhiệm cầm quyền trước nhân dân và lịch sử dân tộc.
Chiến Hữu-Văn Chính